Xây dựng chính quyền vì dân: Bước chuyển từ “quản lý” sang “phục vụ”

Thứ 3, 04.04.2023 | 14:34:37
1,163 lượt xem

Thực hiện chủ trương Xây dựng chính quyền vì dân phục vụ, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã cụ thể hóa bằng nhiều giải pháp, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động chính quyền, từng bước chuyển từ “quản lý” sang “phục vụ”, hướng đến sự hài lòng của cá nhân, tổ chức.

Cán bộ tốt tạo nên chính quyền tốt

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Cán bộ, công chức không có phận sự nào khác ngoài phận sự phục vụ Nhân dân, vì dân mà làm việc”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, trong những năm qua, cán bộ, công chức trên địa bàn đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thay đổi thái độ phục vụ với người dân, tạo sự thoải mái, hài lòng cho người dân khi đến liên hệ, giải quyết công việc.

Công chức Bộ phận “một cửa” Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh

Tháng 3/2023, có dịp đến thăm trụ sở xã Điềm He, huyện Văn Quan, chúng tôi thấy bộ phận “một cửa” của xã đã được xây dựng khang trang, rộng rãi. Tại đây treo nhiều bảng, biểu, khẩu hiệu ý nghĩa, trong đó nổi bật là khẩu hiệu “4 luôn”: luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu và luôn giúp đỡ. Ông Hứa Văn Dinh, thôn Khun Pàu cho biết: Đó không chỉ là khẩu hiệu mà là hình ảnh thật về những cán bộ, công chức xã. Các đồng chí nhất là công chức bộ phận “một cửa” luôn thân thiện, gần gũi, có tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi khi đến giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính.

Cùng với Điềm He, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn đều quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có thái độ, ứng xử văn hóa, hết lòng vì dân phục vụ. Từ năm 2019 đến nay, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn đã triển khai và nhân rộng mô hình “Chính quyền thân thiện” (hiện có 166/200 đơn vị cấp xã thực hiện); đẩy mạnh phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh thi đua thực hiện văn hóa công sở giai đoạn 2019 – 2025” (100% cơ quan, đơn vị thực hiện).

Theo đó hằng năm, các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền về việc thực hiện các mô hình, phong trào thi đua, tổ chức các lớp bồi dưỡng văn hóa công sở, đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức. Ông Vi Lộc Vũ, công chức Trung tâm Phục vụ hành chính công, Văn phòng UBND tỉnh cho biết: Tôi được trung tâm phân công công tác tại tổ hỗ trợ, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến nên thường xuyên tiếp xúc với người dân. Trong quá trình làm việc, tôi luôn ý thức chấp hành đúng giờ giấc làm việc, đeo thẻ, mặc trang phục đúng quy định, giữ thái độ hòa nhã, lắng nghe, giúp đỡ để khách hàng có thể giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả.

Để nắm tình hình thực tiễn làm việc, chính quyền các cấp đã thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính. Hiện nay tại bộ phận “một cửa” của các đơn vị cấp xã, huyện đều được trang bị camera, qua đó, có thể theo dõi, giám sát việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, hằng năm, UBND các huyện, thành phố tổ chức trên 20 cuộc kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc để kịp thời nắm tình hình, chấn chỉnh những hành vi chưa chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức.

Qua các giải pháp đó đã góp phần nâng cao đạo đức công vụ, tính chuyên nghiệp, phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, từng bước xây dựng hình ảnh cán bộ, công chức, viên chức trách nhiệm, nhiệt tình, luôn gần dân, vì dân phục vụ.

  Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC)

Cùng với việc xây dựng hình ảnh cán bộ chuẩn mực, thân thiên với người dân, thời gian qua, các cấp, ngành cũng đẩy mạnh công tác cải cách TTHC. Theo đó, chính quyền các cấp đã triển khai nhiều cách làm trong đó có việc cắt giảm thời gian giải quyết TTHC, kết hợp giải quyết 2 – 3 thủ tục cùng lúc… Chẳng hạn như hiện nay khi đến bộ phận “một cửa” có thể làm giấy khai sinh, làm thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi, đồng thời được hướng dẫn sang bên công an cấp xã làm thủ tục nhập khẩu hoặc đăng ký thường trú, tạm trú.

Công chức Bộ phận “một cửa” UBND xã Đình Lập, huyện Đình Lập hướng dẫn người dân tra cứu TTHC trên bảng niêm yết

Hiện nay, toàn tỉnh có 1.798 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền, trong đó, cấp tỉnh có 1.426 TTHC, cấp huyện có 263 TTHC, cấp xã có 109 TTHC. Trung bình mỗi năm chính quyền các cấp trong tỉnh tiếp nhận hơn 700.000 hồ sơ TTHC, tập trung vào một số lĩnh vực như tư pháp – hộ tịch, đất đai, thi đua khen thưởng… Từ năm 2021 đến nay, tỷ lệ giải quyết TTHC đúng và trước hạn chiếm trên 99%.

Đặc biệt, hằng năm, UBND tỉnh đã tiến hành công bố bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính, tạo môi trường để UBND các huyện, thành phố không ngừng nỗ lực cải thiện, đổi mới, có cách làm sáng tạo, tạo bứt phá trong công tác này.

Điển hình nhất là UBND huyện Bình Gia, đơn vị từ vị trí xếp hạng 10/11 huyện, thành phố (năm 2020) vươn lên vị trí thứ nhất (năm 2022) về chỉ số cải cách hành chính. Năm 2022, các cấp chính quyền huyện đã tiếp nhận 60.503 hồ sơ TTHC, giải quyết đúng và trước hạn 60.500 hồ sơ, đạt 99,99%.

Ông Lèo Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Hằng năm, chúng tôi ban hành kế hoạch về thực hiện công tác cải cách hành chính ở huyện trên 6 lĩnh vực, trọng tâm là cải cách TTHC. Đồng thời, niêm yết, công khai 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cả hai cấp tại bộ phận “một cửa” và trên trang thông tin điện tử của huyện; thường xuyên chú trọng rà soát trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt danh mục cắt giảm thời hạn giải quyết đối với các TTHC phù hợp. Đơn cử, năm 2022, toàn huyện đã rà soát, đề xuất cắt giảm 37 TTHC từ 600 ngày xuống 396 ngày, giảm 204 ngày.

Cùng đó, UBND tỉnh triển khai quyết liệt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC, trong đó đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với 1.815 DVCTT, trong đó 1.027 DVCTT toàn trình, 398 DVCTT một phần và 390 DVC mức độ 2. Qua đó, tạo thuận tiện và mang lại những tiện tích cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

  Luôn lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân

Để hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền vì dân phục vụ  thì một nhiệm vụ mà các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã tập trung thực hiện trong thời gian qua đó là việc tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe và kịp thời giải đáp nguyện vọng chính đáng của người dân. Cụ thể từ năm 2017 đến nay, trung bình mỗi năm, cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức được gần 300 cuộc đối thoại trực tiếp, qua đó ghi nhận được các kiến nghị, phản ánh của người dân. Từ việc tiếp nhận phản ánh ở cơ sở, các cấp ủy, chính quyền đã xem xét, chỉ đạo giải quyết, đáp ứng nguyện vọng chính đáng cho người dân. Qua đối thoại, cấp ủy, chính quyền các cấp cũng luôn cầu thị, lắng nghe các góp ý của người dân về phong cách, thái độ, ứng xử của cán bộ, công chức, góp ý về việc phát huy dân chủ ở cơ sở… để từ đó nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Người dân khối Trần Thánh Tông, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn phát biểu ý kiến tại tại hội nghị “Ngày thứ 7 nghe dân nói”

Ông Vi Công Hậu, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Chi Lăng cho biết: Đối thoại là kênh thông tin quan trọng để người đứng đầu đơn vị nắm bắt rõ hơn tình hình cơ sở, ghi nhận nhiều kiến nghị của người dân. Đồng thời, đó cũng là dịp để người dân bày tỏ mong muốn, đề xuất của mình. Hằng năm, chúng tôi tham mưu kế hoạch tổ chức đối thoại, qua đó ghi nhận nhiều ý kiến từ cơ sở đồng thời chỉ đạo làm rõ, giải quyết dứt điểm nhiều nội dung cán bộ, đảng viên, người dân phản ánh. Như giữa tháng 6/2022, cấp ủy, chính quyền huyện đã tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân, qua đó ghi nhận nhiều ý kiến trong đó có ý kiến của người dân thị trấn về cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước. Tiếp nhận kiến nghị của người dân, ngay sau đó, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn khảo sát và tiến hành các biện pháp khắc phục. Nhờ đó, một số địa điểm đã được cải tạo, tránh được tình trạng ngập úng dài ngày khi mưa nhiều.

Bên cạnh đối thoại, những năm qua, một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh cũng tổ chức các diễn đàn, mô hình mang tính chất tương tự nhằm lắng nghe kiến nghị của người dân như: “Diễn đàn công an lắng nghe ý kiến Nhân dân” (do công an cấp xã tổ chức), mô hình “Ngày thứ 7 nghe dân nói” (phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn)… qua đó đã kịp thời ghi nhận, giải quyết, phục vụ tốt hơn cho người dân.

Qua đây có thể thấy, thời gian qua, các cấp, ngành đã nỗ lực, tăng cường phối hợp nâng cao hiệu quả hoạt động chính quyền, nâng cao chất lượng phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người dân. Với những giải pháp, cách làm thiết thực đã góp phần xây dựng chính quyền gần dân, vì dân phục vụ, luôn lấy sự hài lòng của người làm thước đo để phục vụ.

Từ năm 2021 đến hết quý 1/2023, các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 1.659.613 hồ sơ TTHC, trong đó có 328.462 hồ sơ tiếp nhận trực tuyến, chiếm 19,79%; đã giải quyết 1.650.770 hồ sơ, trong đó, 1.648.559 hồ sơ đã được giải quyết trước và đúng hạn, đạt 99,87%.


HOÀNG HIẾU - PHƯƠNG DUNG

https://baolangson.vn/xa-hoi/572500-xay-dung-chinh-quyen-vi-dan-buoc-chuyen-tu-quan-ly-sang-phuc-vu.html

  • Từ khóa