Đối ngoại nhân dân – giải pháp bền vững thúc đẩy hợp tác phát triển
Vốn có sự tương đồng và mối quan hệ giao lưu hữu nghị lâu đời với Quảng Tây Trung Quốc, Lạng Sơn là đầu mối quan trọng trong giao lưu kinh tế văn hóa xã hội, đối ngoại và hợp tác với Trung Quốc. Với những quan hệ hết sức sâu sắc về mặt văn hóa, đặc biệt ở một số địa phương, cư dân hai bên còn có quan hệ dòng tộc, họ hàng rất lâu đời. Đây là điều kiện quan trọng để thiết lập mối quan hệ ngoại giao nhân dân, mở rộng giao lưu hữu nghị và tăng cường hợp tác cùng phát triển. Đây cũng là một trong ba trụ cột của công tác đối ngoại là: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân.
Có thể khẳng định rằng, đối ngoại nhân dân là một nhiệm vụ trọng tâm trong xu thế hội nhập hiện đại. Đây là vấn đề đã được đưa vào các chỉ thị nghị quyết của các cấp ủy Đảng, thể hiện tầm quan trọng của nó trong giao lưu hợp tác quốc tế hai bên biên giới như: Chỉ thị 04-CT/TW ngày 6/7/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới”; Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về “hội nhập quốc tế”; Chỉ thị 24-CT/TU ngày 13/2/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn về việc đẩy mạnh thực hiện công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Các hoạt động trao đổi đoàn lãnh đạo cấp tỉnh – khu, cấp ngành, cấp huyện và Nhân dân hai bên biên giới thường xuyên được tổ chức, qua đó, tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy các nội dung hợp tác đạt hiệu quả cao. Cơ chế giao lưu giữa các cơ quan đảng, đoàn thể, giữa các ngành, các huyện thị biên giới cũng được tăng cường. Đến nay giữa tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc) đã có 5 cặp huyện – thị biên giới ký kết thiết lập quan hệ huyện – thị hữu nghị quốc tế, có 12 cặp thôn bản biên giới ký kết thôn bản hữu nghị biên giới; 11 đồn biên phòng ký kết đồn – trạm hữu nghị, biên giới bình yên.
Mối quan hệ giao lưu giữa nhân dân hai bên biên giới thể hiện rất rõ ở các dịp lễ Tết. Những năm trước khi dịch covid 19 diễn ra, hàng năm vào các dịp lễ đặc biệt là Tết Nguyên Đán, nhân dân hai bên thông quan để đi lại thăm thân ngay từ những ngày đầu năm mới đem lại một không khí tấp nập tại cửa khẩu. Với cùng một hệ tín ngưỡng văn hóa tâm linh, họ đến lễ bái ở những ngôi chùa hai bên. Cùng với đó, phải kể đến hoạt động giao lưu hát Sli, lượn của bà con hai bên biên giới. Đây không chỉ là dịp để so tài ca hát, mà còn là dịp thể hiện vốn văn hóa sâu sắc của dân tộc thiểu số hai bên.
Cùng với đó, chính quyền và lực lượng chức năng hai bên phối hợp duy trì tốt các hoạt động của chín cụm dân cư kết nghĩa giữa các thôn, xã giáp biên Việt Nam-Trung Quốc. Những năm trước đây, lợi dụng giao thông đi lại khó khăn, đời sống của người dân tộc thiểu số ở biên giới còn nhiều thiếu thốn nên các đối tượng xấu thường xuyên tìm mọi cách lôi kéo đồng bào sinh sống ở khu vực biên giới của tỉnh Lạng Sơn di cư tự do, vượt biên trái phép... Vì vậy, mô hình kết nghĩa các cụm dân cư hai bên biên giới đã thực sự có ý nghĩa quan trọng, góp phần gìn giữ bình yên trên tuyến biên giới địa đầu của Tổ quốc. Hoạt động kết nghĩa đã góp phần tăng cường tình đoàn kết, hợp tác giữa nhân dân hai bản, hai nước. Hoạt động thăm thân giữa người dân hai bên trở nên thuận lợi; mối quan hệ thân tộc và tình nghĩa hàng xóm của nhân dân hai nước cũng được củng cố bền vững. Việc trao đổi hàng hóa, nhu yếu phẩm của bà con cũng được thúc đẩy, hiệu quả. Đó là những yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác, gìn giữ an ninh trật tự, an ninh quốc phòng hai bên biên giới.
Giao lưu văn nghệ giữa cụm dân cư thôn Chi Ma, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn và Khu dân cư Trĩ Lãng, xã Trí Lãng, huyện Ninh Minh, Quảng Tây (Trung Quốc)
Thời điểm trước dịch Covid-19, hai bên đã phối hợp tạo điều kiện cho hàng nghìn lượt khách du lịch chủ yếu là người Trung Quốc đến tham quan và tham dự các lễ hội đầu xuân của người dân hai bên khu vực biên giới... Việc giải quyết các thủ tục xuất, nhập cảnh, đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân hai nước được quan tâm, tạo điều kiện tốt.
Mối quan hệ giao lưu giữa nhân dân hai bên biên giới thể hiện rất rõ ở các dịp lễ Tết. Những năm trước khi dịch covid 19 diễn ra, hàng năm vào các dịp lễ đặc biệt là Tết Nguyên Đán, nhân dân hai bên thông quan để đi lại thăm thân ngay từ những ngày đầu năm mới đem lại một không khí tấp nập tại cửa khẩu. Với cùng một hệ tín ngưỡng văn hóa tâm linh, họ đến lễ bái ở những ngôi chùa hai bên. Cùng với đó, phải kể đến hoạt động giao lưu hát Sli, Lượn của bà con hai bên biên giới. Đây không chỉ là dịp để so tài ca hát, mà còn là dịp thể hiện vốn văn hóa sâu sắc của dân tộc thiểu số hai bên.
Dễ thấy rằng ở các cặp chợ vùng biên, việc buôn bán hàng hóa diễn ra sôi nổi tấp nập. Đa số bà con đồng bào vùng biên trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đều có thể dùng ngôn ngữ dân tộc để nói chuyện với người dân bên kia biên giới. Điều này cũng mở ra nhiều cơ hội hợp tác giao lưu, việc làm cho lao động. Từ đó khai thác và phát huy tốt vai trò của các cặp cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, trên cơ sở thực hiện nghiêm túc 3 văn kiện pháp lý về biên giới đất liền Việt Nam Trung Quốc.
Bên cạnh đó, tỉnh Lạng Sơn cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, sinh viên và học sinh tham gia các hoạt động giao lưu, học tập, với một số chương trình nổi bật như: "Giao lưu khăn hồng Hữu Nghị" dành cho đối tượng là thanh thiếu nhi của hai bên Lạng Sơn và Quảng Tây, địa điểm thực hiện được tổ chức luân phiên theo từng năm ở hai nước; "Liên hoan thanh niên Việt Nam - Trung Quốc".
Giao lưu “Khăn hồng hữu nghị” – một hoạt động giao lưu đối ngoại dành cho thiếu nhi Lạng Sơn và Quảng Tây
Từ đó, góp phần nâng cao dân trí, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn với nhân dân khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, làm cho bạn bè quốc tế hiểu biết sâu hơn về các giá trị văn hóa truyền thống và đất nước con người Việt Nam cũng như tỉnh Lạng Sơn. Đồng thời, tạo điều kiện cho cán bộ, thanh thiếu niên và nhân dân trong tỉnh có cơ hội học hỏi, mở ra các cơ hội hợp tác làm ăn kinh tế, học tập và sản xuất.
Nghiên cứu sinh Hoàng Việt Bình (Lạng Sơn) mặc trang phục người Tày trong ngày bảo vệ luận văn Thạc sĩ tại Học viện Nghệ thuật Quảng Tây (Trung Quốc)
Tuy nhiên bên cạnh những cơ hội, công tác đối ngoại nhân dân vẫn còn một số vấn đề cần phải nhìn nhận để thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới như: công tác đối ngoại nhân dân còn những hạn chế nhất định về hình thức và nội dung. Số lượng các hội đối ngoại nhân dân còn ít. Việc đối ngoại, giao lưu nhân dân cũng cần có sự định hướng rõ nét của các cấp ủy Đảng và Chính quyền, có sự giám sát chặt chẽ và nắm bắt dư luận xã hội sâu sắc để ngăn chặn các nguy cơ tiềm ẩn về chính trị cũng như trật tự an toàn xã hội. Ngoài ra, còn một số bất cập trong cơ chế chính sách cần phải được sửa đổi bổ sung cho phù hợp với tình hình mới như việc quản lý lao động làm thuê ở vùng biên, chính sách về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số….
Có thể khẳng định rằng, công tác đối ngoại nhân dân là một giải pháp bền vững để thúc đẩy hợp tác quốc tế, phát triển đôi bên cùng có lợi. Trên cơ sở gần gũi về mặt địa lý, sự tương đồng trong văn hóa lâu đời, nhân dân hai bên biên giới Lạng Sơn Việt Nam và Quảng Tây Trung Quốc có tiềm năng mạnh mẽ để cùng bắt tay hợp tác giao lưu, từ đó mở ra những cơ hội phát triển về kinh tế xã hội. "Việt Nam Trung Hoa - núi liền núi, sông liền sông" - nhân dân hai bên biên giới chính là những sợi dây hồng để giữ tình giao hảo hữu nghị, cùng nhau bắt tay và chứng kiến những bước chuyển mình mạnh mẽ, đưa cuộc sống của nhân dân hai bên ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Diệp Hằng - Đài PTTH Lạng Sơn