Hội nghị tổng kết toàn quốc năm học 2022-2023: Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, phát triển nền giáo dục nhanh, bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập

Thứ 7, 19.08.2023 | 09:40:32
401 lượt xem

Chiều 18/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2022 – 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 – 2024. Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến đến điểm cầu các tỉnh, thành phố trên cả nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn

Tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn, dự hội nghị có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Sở GD&ĐT, một số sở ngành và UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Năm học 2022 – 2023, mặc dù đối diện với không ít khó khăn, thách thức, song với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp hiệu quả của các bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương và các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương; cùng sự quyết tâm, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, sự cố gắng, nỗ lực của học sinh, sinh viên, học viên, chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn trong toàn ngành tiếp tục được nâng lên.

Bộ GD&ĐT đã tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2023 với hơn 1 triệu thí sinh (tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn quốc đạt 98,88%), kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2022 – 2023, Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm 2022 – 2023. Học sinh Việt Nam tiếp tục đạt nhiều thành tích cao trong các hội thi, kỳ thi quốc tế (11 huy chương vàng, 14 huy chương bạc, 12 huy chương đồng). Theo bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 (công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59 thế giới (tăng 5 bậc so với năm trước).

Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong hoạt động dạy và học. Xếp hạng chỉ số cải cách hành chính của Bộ GD&ĐT năm 2022 tăng 2 bậc so với năm 2021.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận làm rõ hơn kết quả đạt được, nêu lên những điểm mới trong công tác giáo dục, đào tạo tại địa phương, đơn vị mình; cùng đó, đề xuất những kiến nghị để giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời thống nhất phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 – 2024.

Với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng GD&ĐT”, năm học 2023 – 2024, ngành giáo dục xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đó là: Tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục; tiếp tục nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; thu hút sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục; đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách hành chính trong ngành…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những kết quả đạt được của ngành GD&ĐT, đồng thời chỉ ra những hạn chế, tồn tại trong triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2022 – 2023.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành GD&GD trước mắt chỉ đạo kịp thời tháo gỡ, giải quyết các vấn đề như: Kiên quyết, kiên trì không cho tệ nạn ma túy xâm nhập vào học đường, khắc phục dứt điểm tình trạng bạo lực học đường; tiếp tục đổi mới chương trình, hệ thống sách giáo khoa đảm bảo chuẩn mực và có tính phát triển; chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng, giáo dục thường xuyên; giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất phục vụ công tác giáo dục tại các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT tập trung rà soát hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục, tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Ngành giáo dục cần quan tâm nâng cao chất lượng giáo viên, cán bộ lãnh đạo quản lý, đẩy mạnh tự chủ giáo dục nhưng không nóng vội, đảm bảo khoa học, có lộ trình cụ thể; tăng cường thông tin, truyền thông về ngành, phát hiện và lan tỏa các tấm gương người tốt việc tốt ngành giáo dục. Đồng thời, cần rà soát, lựa chọn phương án thi tốt nghiệp năm 2024 phù hợp, sớm công bố để từ đó giáo viên, học sinh chủ động kế hoạch dạy học và ôn thi.

Trước thềm năm học mới, đồng chí tin tưởng rằng, toàn ngành tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường, phát triển nền giáo dục nhanh, bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Đối với tỉnh Lạng Sơn, năm học 2022 – 2023, toàn ngành có 670 trường học với trên 208.000 học sinh, sinh viên và trên 20.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm và các nhóm giải pháp về công tác phổ cập giáo dục, nhờ đó, qua đánh giá cuối năm học, 11/11 huyện, thành phố duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và phổ cập giáo dục THCS mức độ 2. Cùng đó, chất lượng giáo dục các cấp học ổn định, nổi bật là kết quả thi tốt nghiệp THPT có chuyển biến tích cực, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2023 đạt 98,24% (tăng 0,29% so với năm 2022).


HOÀNG TÙNG - PHƯƠNG DUNG

https://baolangson.vn/xa-hoi/giao-duc/604952-hoi-nghi-tong-ket-toan-quoc-nam-hoc-2022-2023-phat-huy-tinh-than-tu-luc-tu-cuong-phat-trien-nen-giao-duc-nhanh-ben-vung-dap-ung-yeu-cau-hoi-nhap.html

  • Từ khóa