Những năm qua, xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; xây dựng và thực hiện hiệu quả nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” (ANTQ). Từ đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Người dân xã Ái Quốc đến giao nộp vũ khí cho lực lượng công an
Ái Quốc là xã vùng III của huyện Lộc Bình, toàn xã có 2.151 nhân khẩu, sinh sống tại 9 thôn, 98% số dân trên địa bàn là người dân tộc Dao. Địa bàn xã giáp ranh với một số xã của huyện Đình Lập (Lạng Sơn) và giáp với xã Sa Lý, huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang). Trước đây, do nhiều nguyên nhân nên tình hình ANTT trên địa bàn còn phức tạp, nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn xảy ra trong nội bộ Nhân dân, việc tàng trữ, sử dụng súng săn vẫn còn. Để đảm bảo ANTT, cấp uỷ, chính quyền xã, các lực lượng chức năng đã đề ra các giải pháp hữu hiệu.
Được tham dự ngày hội “Toàn dân bảo vệ ANTQ” tại xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình vào hồi đầu tháng 8, chúng tôi thấy rõ không khí sôi động, nhộn nhịp tham dự ngày hội của người dân. Năm nay, xã Ái Quốc được Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ (Ban Chỉ đạo 138) tỉnh lựa chọn tổ chức ngày hội điểm năm 2023.
Tham gia ngày hội trong trang phục dân tộc Dao và mang theo khẩu súng kíp để giao nộp cho Công an xã, anh Triệu Hữu Thanh, thôn Đoàn Kết chia sẻ: Gia đình tôi có một khẩu súng kíp do cha ông để lại, được các cán bộ xã tuyên truyền, tôi nhận thức rõ được việc tàng trữ, sử dụng vũ khí là vi phạm pháp luật và tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm cho bản thân, gia đình và cộng đồng, vì vậy nhân dịp ngày hội tôi đã mang súng đến để giao nộp cho công an xã.
Những năm qua, phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của người dân xã Ái Quốc. Ông Đặng Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Ái Quốc cho biết: Để phong trào lan toả sâu rộng, huy động được sự tham gia của toàn quân, toàn dân, thời gian qua, Ban Chỉ đạo 138 xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho Nhân dân; triển khai xây dựng các mô hình về đảm bảo ANTT; phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng dân cư trong tuyên truyền pháp luật… Đồng thời, chúng tôi cũng chỉ đạo lực lượng Công an xã chủ động nắm tình hình, tăng cường tuần tra, kiểm soát, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Qua đó, để phong trào phát huy được hiệu quả, tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
Theo đó, từ năm 2022 đến nay, các ban, đoàn thể xã đã tổ chức được gần 20 buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho hơn 700 lượt người nghe; treo 5 băng rôn, 10 áp phích, phát trên 2.000 tờ rơi về các nội dung như: Luật Phòng cháy chữa cháy; Luật Giao thông đường bộ; Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ…; tổ chức cho 100% hộ dân, 90 em học sinh, cán bộ, công chức trên địa bàn ký cam kết thực hiện công tác đảm bảo ANTT, không vi phạm pháp luật…
Đặc biệt, với tình hình địa bàn giáp ranh với các huyện, tỉnh khác nên cấp uỷ, chính quyền xã đã triển khai các mô hình đảm bảo ANTT. Hiện xã Ái Quốc đang duy trì thực hiện 3 mô hình gồm: Mô hình Cụm an ninh giáp ranh “Phong – Sa – Ái – Xuân” ở địa bàn các xã: Phong Minh, Sa Lý (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) và Xuân Dương, Ái Quốc (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn); mô hình tổ liên kết phòng cháy chữa cháy giữa thôn Khuổi Thướn (xã Ái Quốc) với thôn Bản Piềng (xã Thái Bình, huyện Đình Lập) thu hút hơn 20 người dân tham gia…
Cùng với đó, xã Ái Quốc là địa bàn có nhiều rừng, từ xa xưa đã có tình trạng người dân tự trang bị các loại vũ khí thô sơ, súng tự chế để săn bắn cũng như bảo vệ tài sản, tính mạng của mình. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất ANTT. Trước tình hình đó, tháng 4/2022, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an đã lựa chọn xã Ái Quốc là xã điểm thực hiện mô hình về thu hồi và phòng, chống tội phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Sau hơn 1 năm triển khai, mô hình đã mang được những kết quả tích cực.
Thượng uý Hoàng Hồng Lương, Trưởng Công an xã Ái Quốc cho biết: Từ khi triển khai thực hiện mô hình điểm về thực hiện công tác thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, việc tuyên truyền, vận động bà con Nhân dân giao nộp các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được thực hiện bài bản hơn, người dân đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, không sử dụng các loại vũ khí tự chế để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Từ tháng 4/2022 đến nay, chúng tôi đã thu nhận 51 khẩu súng các loại do người dân giao nộp, riêng trong ngày hội Toàn dân bảo vệ ANTQ đã có 9 người dân chủ động giao nộp 9 khẩu súng kíp tự chế.
Qua triển khai, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ”, tình hình ANTT trên địa bàn xã được đảm bảo. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã xảy ra 1 vụ cố ý gây thương tích, 7 vụ tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân. Các vụ việc đều được lực lượng chức năng can thiệp, xử lý, hoà giải kịp thời, không để xảy ra điểm “nóng” phức tạp về ANTT. Bên cạnh đó, quần chúng Nhân dân thường xuyên xung cấp nhiều nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng công xã ngăn chặn kịp thời nhiều vụ gây rối, trộm cắp tài sản…
Thượng tá Phạm Tiến Dũng, Trưởng Công an huyện Lộc Bình cho biết: Phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” trên địa bàn xã Ái Quốc được bà con Nhân dân hưởng ứng tích cực, người dân đã nâng cao ý thức tự phòng, tự quản, không để xảy ra các vụ việc phức tạp về ANTT. Đặc biệt, xã Ái Quốc là đơn vị dẫn đầu toàn huyện trong công tác vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Qua đó, đã góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn xã nói riêng, toàn huyện nói chung.
Ghi nhận những nỗ lực trong công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn, đầu tháng 8 vừa qua, xã có 1 tập thể là Nhân dân và cán bộ thôn Lài Han được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh; 2 tập thể, 4 cá nhân được nhận giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ” năm 2023.
DƯƠNG KIM