Giảm tử vong bà mẹ, trẻ sơ sinh: Quản lý tốt thai kỳ, hỗ trợ làm mẹ an toàn

Thứ 3, 10.10.2023 | 14:49:16
845 lượt xem

Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Để giúp phụ nữ có sức khỏe tốt, làm mẹ an toàn, những năm qua, Sở Y tế tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực để giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và tử vong trẻ sơ sinh, trong đó chủ động quản lý thai kỳ, chăm sóc trước và sau khi sinh, hỗ trợ làm mẹ an toàn.


Nữ hộ sinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh hướng dẫn sản phụ cho con bú sữa mẹ sau sinh

Là một tỉnh miền núi, biên giới, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nên những năm trước đây, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ còn hạn chế trong việc được tiếp cận với các dịch vụ về chăm sóc sức khoẻ sinh sản. Chính vì thế mà tỷ lệ tử vong ở mẹ và trẻ những năm trước vẫn ở mức cao. Năm 2014, tỷ suất tử vong mẹ là 21,9/100.000 trẻ sơ sinh sống; tỷ suất tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi là 18,6/1.000 trẻ sơ sinh. Hiện nay, ngành y tế tỉnh đã và đang nỗ lực để phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận với các dịch vụ y tế hiện đại, làm mẹ an toàn.

Chủ động quản lý thai kỳ

Quản lý thai kỳ là công việc có vai trò quan trọng trong bảo vệ sức khỏe và giảm tỉ lệ tử vong ở bà mẹ và thai nhi. Qua những lần khám thai định kỳ, bác sĩ có thể nắm chắc tình trạng sức khỏe bà mẹ và thai nhi để tiên lượng và chuẩn bị tốt cho lúc sinh nở, đề phòng các nguy cơ khi chuyển dạ và giảm tối đa những tai biến sản khoa.

Bà Vũ Vân Anh, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Dân số KHHGĐ tỉnh cho biết: Trong quá trình mang thai, sản phụ thường phải đối mặt với nhiều lo lắng với các vấn đề có thể xảy ra, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và sự an toàn của cả mẹ và thai nhi. Để giảm tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh, chi cục đã chủ động xây dựng kế hoạch và đề nghị trung tâm y tế các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức cho người dân, nhất là các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ; phối hợp tổ chức đào tạo, tập huấn về quản lý thai kỳ, kỹ năng tuyên truyền, vận động các gia đình thực hiện khám thai định kỳ, làm đầy đủ các xét nghiệm sàng lọc trước sinh và sơ sinh.

Theo đó, các cơ sở y tế từ tỉnh đến cơ sở đã tăng cường tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng như: tuyên truyền miệng; qua loa truyền thanh, các phương tiện thông tin đại chúng; phát tờ rơi, tờ gấp; tuyên truyền lồng ghép trong các buổi tiêm chủng tại trạm y tế xã… Qua tuyên truyền giúp phụ nữ mang thai được nâng cao nhận thức, chủ động tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thai kỳ như: khám thai đầy đủ 4 lần trở lên; thực hiện đầy đủ các xét nghiệm sàng lọc trước sinh…

Cừng với tuyên truyền, các trạm y tế xã, phường thị trấn đã triển khai thực hiện tốt công tác quản lý thai kỳ với những nội dung quan trọng như: tư vấn, khám sản khoa, siêu âm, xét nghiệm, tiêm chủng, ghi sổ theo dõi, tư vấn dinh dưỡng phụ nữ mang thai.

Bác sĩ Hà Thị Đỗ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đình Lập cho biết: Với đặc thù là một huyện miền núi, biên giới nên điều kiện chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ khi mang thai và sau sinh, trẻ sơ sinh ở vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế, thời gian qua Trung tâm đã chỉ đạo các trạm y tế xã, thị trấn tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cho chị em phụ mang thai đồng thời tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức cho cán bộ làm công tác dân số, đề phòng các tai biến sản khoa. Đến nay, toàn huyện có trên 80% phụ nữ mang thai khám thai định kỳ ít nhất 4 lần/3 kỳ; 99,04% phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế; 99,36% phụ nữ đẻ do nhân viên y tế đã qua đào tạo đỡ.

Từ việc nhận thức được tầm quan trọng của việc quản lý thai kỳ, để sinh con khỏe mạnh, làm mẹ an toàn, phụ nữ mang thai đã chủ động thực hiện các biện pháp quản lý thai kỳ. Chị Phan Thị Hồng, xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn cho biết: Thường xuyên khám thai ở trạm y tế xã, tôi được các y, bác sĩ tuyên truyền và hiểu rõ về chế độ dinh dưỡng, thực hiện đầy đủ các xét nghiệm sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Nhờ đó, hai bé nhà tôi đều sinh ra khỏe mạnh, bé nào cũng nặng trên 3kg. Các con sinh ra khỏe mạnh nên việc chăm con của tôi cũng không vất vả như các cụ thường hay kể, tôi có thời gian chăm sóc bản thân và tập trung cho công việc chuyên môn.

Cùng với chị Hồng, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có hơn 9.600 phụ nữ mang thai, trong đó có 82,8% phụ nữ mang thai khám thai định kỳ ít nhất 4 lần; 99,7% phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế; 99,9% phụ nữ đẻ do nhân viên y tế đã qua đào tạo đỡ; 73,2% phụ nữ có thai dưới 8 tháng được tiêm vắc – xin phòng uốn ván.

Nhiều biện pháp hỗ trợ

Sinh con vào ngày đầu tiên của tháng 10/2023, chị Hoàng Thị Trang, xã Chiến Thắng, huyện Chi Lăng rất hạnh phúc trong khoảnh khắc đầu tiên nhìn thấy đứa con đỏ hỏn được bác sĩ đặt lên ngực mẹ. Chị Trang kể: Tôi sinh cháu thứ hai tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh bằng phương pháp sinh mổ. Lúc mổ xong, bác sĩ đặt con áp lên ngực tôi rồi đẩy cả mẹ và con về phòng điều trị tích cực; bác sĩ cho biết đây là biện pháp da kề da, mới được áp dụng mấy năm gần đây.

Không riêng con của chị Trang, tất cả em bé được sinh ra ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh ngay sau khi chào đời sẽ được tiếp xúc “da kề da” với mẹ liên tục và kéo dài ít nhất 90 phút sau sinh và hoàn tất lần bú đầu tiên. Với những mẹ sinh mổ thì có thể cho bé kề da với bố, người thân hoặc thực hiện ngay sau khi kẹp dây rốn muộn. Đây là một trong những biện pháp giúp tăng sự liên kết giữa mẹ và trẻ, đồng thời giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh đang được Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện có hiệu quả từ năm 2014 đến nay.

Bác sĩ Phạm Thanh Huyền, Phó Trưởng Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Những giây phút đầu đời của em bé, là những giây phút quan trọng nhất. Đó là khoảng thời gian em bé được sinh ra và thích nghi với môi trường bên ngoài. Để chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh, thì cái ôm đầu tiên hay biện pháp da kề da là rất quan trọng. Trước đây, em bé sinh xong, sẽ được đem đi cân, rồi mới để mẹ ôm, còn bây giờ sau khi cắt rốn xong, em bé sẽ được da kề da với mẹ.

Được biết, ngoài da kề da, những năm qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn áp dụng nhiều can thiệp trong và ngay sau đẻ để đảm bảo sức khỏe, giúp phụ nữ sau sinh làm mẹ an toàn như: Lau khô và ủ ấm; tiếp xúc da kề da (trẻ được đặt lên bụng mẹ ngay sau khi sinh trong vòng một giờ); tiêm bắp 10 đơn vị oxytoxin; kẹp dây rốn muộn (1 đến 3 phút sau khi thai sổ hoặc sau khi dây rốn đã ngừng đập); kéo dây rốn có kiểm soát; xoa đáy tử cung; hỗ trợ cho trẻ bú mẹ sớm và bú hoàn toàn trong vòng 1 giờ sau đẻ; chăm sóc Kangoroo đối với trẻ đẻ non (dùng cơ thể bố, mẹ làm lồng ấp giúp trẻ hạn chế mất nhiệt, tăng sức đề kháng, tăng tình cảm, nhanh có phản xạ mẹ con)… Bình quân mỗi năm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận từ 4.000 đến 5.000 ca đẻ, nhờ những biện pháp hỗ trợ y tế mới, tích cực trên đây thì mỗi năm chỉ có khoảng 10 trẻ có những biểu hiện khác thường cần can thiệp (hạ đường huyết, hạ thân nhiệt), giảm 20 trẻ so với năm 2015 (từ 30 đến 40 trẻ).

Các kỹ thuật này sau khi áp dụng thành công tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã được chuyển giao cho các trung tâm y tế tuyến huyện và các trung tâm y tế tuyến huyện đã áp dụng thường xuyên trong quá trình đỡ đẻ, chăm sóc sản phụ, trẻ sơ sinh. Đến nay, tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh toàn tỉnh được chăm sóc tuần đầu sau đẻ đạt 75,1% (đạt 100% so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2023). Từ đó góp phần giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ trẻ em với tỷ suất tử vong mẹ/1.000 trẻ sơ sinh là 15,5% (đạt chỉ tiêu kế hoạch, dưới 45,5%).

Như vậy, những biện pháp chủ động, thiết thực của ngành y tế đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, tạo sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn thể người dân về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng hợp lý cho phụ nữ mang thai, giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh. Từ đó hỗ trợ phụ nữ làm mẹ an toàn, cho trẻ một khởi đầu khỏe mạnh, góp phần nâng cao chất lượng dân số.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/xa-hoi/616225-giam-tu-vong-ba-me-tre-so-sinh-quan-ly-tot-thai-ky-ho-tro-lam-me-an-toan.html

  • Từ khóa