Xúc tiến thương mại trong tình hình mới: Thay đổi để thích ứng

Thứ 4, 18.10.2023 | 08:43:57
689 lượt xem

Từ năm 2022 đến nay, sau khi đại dịch COVID-19 được khống chế, cả nước nói chung và tỉnh Lạng Sơn nói riêng tập trung phát triển về kinh tế số. Trong bối cảnh tính cạnh tranh của các thương hiệu sản phẩm ngày càng gay gắt, Sở Công Thương đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (XTTM) đổi mới các chương trình XTTM cốt lõi phù hợp với tình hình mới.

Khách hàng tham quan gian hàng của tỉnh Lạng Sơn tại chương trình Xúc tiến thương mại ở thành phố Đà Nẵng

Trước những biến động và tính cạnh tranh của kinh tế thị trường, công tác XTTM được xác định là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã thích ứng với xu thế mới, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ưu tiên sản phẩm chủ lực

Một trong những nội dung đầu tiên ngành công thương thay đổi trong việc thực hiện chương trình XTTM là cách thức lựa chọn sản phẩm. Ông Vi Văn Hoàn, Phó Trưởng Phòng Xúc tiến thương mại, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại cho biết: Bên cạnh việc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đăng ký tham gia các chương trình XTTM như trước đây, trung tâm tham mưu sở chủ động lựa chọn những sản phẩm thế mạnh của tỉnh, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng, bao bì, nhãn mác để tham gia các chương trình. Cụ thể, từ năm 2022 đến nay, ngành công thương đã chọn khoảng 50 sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh tham gia các chương trình XTTM trong và ngoài nước. Có thể kể đến một số sản phẩm như: tinh dầu hồi, thạch đen, trà diếp cá Lụa Vy, bún gấc Lệ Tri…

Như trong tháng 8/2023, khi tham dự Hội chợ Quốc tế Thương mại, Du lịch và Đầu tư hành lang kinh tế Đông Tây – Đà Nẵng, Trung tâm Khuyến công và XTTM đã tham mưu Sở Công Thương lựa chọn gần 40 sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm đặc trưng của các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để trưng bày, quảng bá.

Việc chủ động lựa chọn những sản phẩm chủ lực, tiềm năng đã góp phần tăng hiệu quả của hoạt động XTTM, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kết nối thị trường, đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đơn cử, chỉ tính riêng các chương trình XTTM lớn từ năm 2022 đến nay, đã có khoảng 30 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh kết nối và ký kết được hợp đồng phân phối, đưa sản phầm vào các đại lý bán lẻ, siêu thị trong và ngoài tỉnh như: Hà Nội, Bắc Ninh, An Giang…

Điển hình như tháng 6/2023, Siêu thị Tứ Sơn tỉnh An Giang đã ký kết hợp tác, phân phối sản phẩm đặc trưng của 2 tỉnh với Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu Nông Lâm sản Lạng Sơn (huyện Chi Lăng) và Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư xuất nhập khẩu Đức Quý (huyện Tràng Định). Bà Phạm Thu Giang, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu Nông Lâm sản Lạng Sơn cho biết: Qua tham dự các chương trình XTTM do Sở Công Thương tổ chức, các sản phẩm đặc trưng của tỉnh mà công ty đang phân phối như tinh dầu hồi, khẩu sli, tinh bột nghệ… đã được Siêu thị Tứ Sơn biết đến và ký kết hợp tác phân phối sản phẩm, đây là siêu thị rất lớn của khu vực phía Nam chuyên phân phối các đặc sản vùng miền. Tháng 9/2023 vừa qua, sau các quy trình kiểm tra chất lượng sản phẩm nghiêm ngặt của siêu thị, công ty đã chính thức đưa được 2 lô hàng với một số sản phẩm như: tinh dầu hồi, khẩu sli quế… lên kệ hàng của Siêu thị Tứ Sơn.

Từ việc tham gia các chương trình XTTM, nhiều sản phẩm đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đã dần khẳng định được thương hiệu, lên được các kệ hàng của những siêu thị lớn như: Bún ngô Thuận Anh, dầu thực vật cao cấp dưỡng thần, dầu sở Xứ Lạng, trà diếp cá Lụa Vy, macca sấy nứt vỏ, chè Ô Long, tinh dầu hồi, thạch đen, tinh bột nghệ… Đặc biệt, ngoài thị trường Trung Quốc, sản phẩm thạch đen dạng bột và hoa hồi khô đã xuất sang thị trường các nước lớn như Ấn Độ, DuBai và một số nước châu Âu.

Khách hàng tham quan gian hàng của tỉnh Lạng Sơn tại hội nghị kết nối giao thương và xúc tiến thương mại tại Hà Nội

Kết nối, mở rộng thị trường tiềm năng

Để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm địa phương, ngành công thương đã chủ động tìm hiểu, xác định những thị trường tiềm năng trong nước cũng như quốc tế. Từ năm 2022 đến nay, ngoài các chương trình XTTM tổ chức tại tỉnh, Sở Công Thương đã tham mưu tổ chức các đoàn tham gia 12 chương trình XTTM, chương trình kết nối giao thương quy mô lớn tại các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế.

Điển hình tháng 6/2023, Sở Công Thương đã tổ chức đoàn tham gia chương trình “Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ với doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức XTTM” tại thủ đô Hà Nội. Tham gia sự kiện một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của tỉnh như: Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư xuất nhập khẩu Đức Quý; Xí nghiệp rượu Mẫu Sơn; Chi nhánh Công ty Cổ phần Du lịch và xuất nhập khẩu Lạng Sơn… đã tiếp cận được với các cơ quan đại diện, tổ chức XTTM nước ngoài tại Việt Nam, gặp gỡ với các nhà phân phối, doanh nghiệp xuất khẩu trên cả nước để tìm hiểu thông tin thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Chỉ tính riêng các chương trình XTTM lớn từ năm 2022 đến nay, đã có khoảng 30 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh kết nối và ký kết được hợp đồng phân phối, đưa sản phầm vào các đại lý bán lẻ, siêu thị trong và ngoài tỉnh như: Hà Nội, Bắc Ninh, An Giang…

Hay để hướng đến thị trường xuất khẩu lớn Trung Quốc, tháng 9/2022, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt – Trung tại Lạng Sơn và tháng 6/2023 tham gia Hội chợ Thương mại Trung – Việt (Bằng Tường) tại Khu Công nghiệp ven biên, thị Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc để giới thiệu về tiềm năng của tỉnh, cùng các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương; chia sẻ, kết nối giao thương với các doanh nghiệp của Trung Quốc để xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm nông sản vào thị trường Trung Quốc… Qua 2 hội chợ, đã có 6 hợp đồng hợp tác được ký kết giữa doanh nghiệp Lạng Sơn với doanh nghiệp trong và ngoài nước, như: Công ty Minh Dương (Trung Quốc) ký kết với Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư xuất nhập khẩu Đức Quý (Lạng Sơn); Công ty TNHH Hà Châu (Lạng Sơn) ký kết với HTX Vĩnh Kim (Tiền Giang); Công ty Ngọc Diệp (Lạng Sơn) ký hợp đồng hợp tác xuất khẩu với Công ty Nông sản Sơn La…

Ngoài ra, thời gian qua, Sở Công Thương đã triển khai một nội dung mới trong công tác XTTM đó là khai thác các hoạt động trên môi trường điện tử, mở rộng kênh phân phối để đáp ứng xu thế chuyển đổi số. Theo đó, sở đã thiết lập gian hàng số của Trung tâm Khuyến công và XTTM trên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn; hỗ trợ đăng sản phẩm của 18 doanh nghiệp, HTX đưa lên sàn để quảng bá thông tin, hình ảnh thương hiệu, sản phẩm. Đồng thời, sở đã hỗ trợ và hướng dẫn 32 lượt doanh nghiệp, HTX về kỹ năng quảng bá giới thiệu sản phẩm trên nền tảng trực tuyến, kỹ năng tham gia hiệu quả trên các sàn giao dịch thương mại điện tử…

Ông Trần Anh Thuần, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và XTTM cho biết: Hiện nay, hoạt động XTTM được các tỉnh, thành trong nước cũng như các nước trên thế giới quan tâm triển khai, do vậy tính cạnh tranh của thị trường ngày càng gay gắt. Để nâng cao hiệu quả quảng bá sản phẩm, tìm kiếm và kết nối thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của tỉnh, trung tâm tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, phân loại thị trường nội địa, cũng như thị trường xuất khẩu để lựa chọn tham gia các chương trình XTTM phù hợp. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ số vào việc triển khai các chương trình để đáp ứng xu thế phát triển kinh tế số hiện nay.

Việc đổi mới hoạt động XTTM đã góp phần quảng bá và kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm của địa phương. Đặc biệt nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Trong 9 tháng đầu năm 2023, hàng xuất khẩu địa phương đạt 119 triệu USD, đạt 77,3% kế hoạch, tăng 41,7% so với cùng kỳ năm 2022.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/618008-xuc-tien-thuong-mai-trong-tinh-hinh-moi-thay-doi-de-thich-ung.html

  • Từ khóa