Khó khăn, vướng mắc trong bảo quản, xử lý vật chứng, tài sản

Thứ 4, 25.10.2023 | 08:38:33
814 lượt xem

Công tác bảo quản, xử lý vật chứng, tài sản đóng vai trò quan trọng phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Thời gian qua, công tác quản lý, bảo quản, xử lý vật chứng, tài sản của các cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) trên địa bàn tỉnh còn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.

Những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác bảo quản, xử lý vật chứng, tài sản tại các cơ quan THADS chủ yếu do thiếu kho vật chứng, điều kiện cơ sở vật chất bảo quản vật chứng chưa đảm bảo, không có lò tiêu hủy chuyên dụng và chưa có quy trình, hướng dẫn cụ thể đối với việc tiếp nhận, bảo quản và xử lý vật chứng (đặc biệt đối với những vật chứng như ma tuý, hoá chất, đạn tự chế, dược liệu)…

Vật chứng đặc biệt (ma túy) được tiêu hủy bằng lò đốt

Nỗi lo kho vật chứng

Từ năm 2018 đến nay, các cơ quan THADS tỉnh tiếp nhận gần 4.300 vụ với trên 29.000 vật chứng các loại để bảo quản, xử lý. Số lượng vật chứng lớn, song trên thực tế, toàn tỉnh chỉ có Cục THADS tỉnh có kho vật chứng cơ bản đảm bảo theo quy định, còn lại 11 chi cục THADS các huyện, thành phố đều chưa có kho vật chứng đạt tiêu chuẩn. Chủ yếu các đơn vị cải tạo phòng làm việc trong trụ sở để làm kho hoặc thuê kho, bãi của các cá nhân, doanh nghiệp.

Ông Phùng Xuân Bắc, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Cao Lộc cho biết: Với trung bình trên 1.000 vật chứng/năm, ngoài việc bố trí một phòng làm việc khoảng 16m2 làm kho, đơn vị phải thuê kho cách trụ sở làm việc gần 3km với chi phí 60 triệu đồng/năm để bảo quản các vật chứng, tài sản cồng kềnh, số lượng lớn. Kho vật chứng không tập trung dẫn đến khó khăn trong việc tiếp nhận, quản lý, xử lý vật chứng, tài sản. Trong bối cảnh số lượng vật chứng, tài sản tạm giữ ngày càng nhiều và đa dạng về chủng loại, chúng tôi rất lo lắng khi điều kiện không đảm bảo sẽ tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến công tác bảo quản, quản lý.

Bên cạnh đó, hiện 100% các đơn vị đều không có công chức chuyên trách quản lý kho vật chứng mà bố trí cán bộ kiêm nhiệm. Bà Triệu Thị Phượng, Thư ký THADS kiêm thủ kho, Chi cục THADS huyện Văn Lãng cho biết: Tôi được giao kiêm nhiệm công tác thủ kho từ năm 2014 đến nay. Trung bình mỗi năm, chi cục tiếp nhận khoảng 2.000 vật chứng của trên 100 vụ việc, do chưa được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ quản lý kho nên những năm qua, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngoài công tác chuyên môn tôi còn dành thời gian tự tìm hiểu, nghiên cứu các văn bản liên quan, đồng thời vừa làm vừa rút kinh nghiệm, song đôi khi không tránh khỏi lúng túng khi tiếp nhận một số vật chứng có tính chất đặc thù.

Phải bảo quản vật chứng trong điều kiện khó khăn, hằng tháng, thủ kho và thủ quỹ của các cơ quan THADS trên địa bàn đều thực hiện kiểm kê tài sản, tang vật nhằm đảm bảo đúng và đủ. Nhờ đó, những năm qua, công tác bảo quản vật chứng không xảy ra tình trạng mất mát, hư hỏng, thay đổi hiện trạng ban đầu. Song, trong điều kiện bảo quản chưa được đảm bảo vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể xảy ra liên quan đến cháy nổ, an ninh trật tự… Ngoài ra, từ năm 2020 đến nay, do kho vật chứng của cơ quan THADS chưa đủ tiêu chuẩn, để đảm bảo an toàn cho các vật chứng, đặc biệt như ma túy hoặc có giá trị tài sản lớn, các cơ quan THADS đã chủ động phối hợp bảo quản vật chứng tại kho của cơ quan công an.

Khó trong xử lý vật chứng, tài sản

Ngày 28/9/2021, Cục THADS tỉnh tiếp nhận vụ án Lâm Đình Hưng cùng đồng bọn phạm tội buôn lậu. Trong số vật chứng liên quan có trên 160 tấn dược liệu thuốc bắc và hoa quả khô. Do số lượng vật chứng lớn, kho vật chứng của cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án không đủ điều kiện nên phải thuê kho lạnh rộng 200 m2 với tiêu chuẩn nhiệt độ, độ ẩm phù hợp. Song từ đó đến nay, do bất cập giữa bản án và quy định của Luật Dược liên quan đến xử lý vật chứng đặc thù là thuốc bắc không rõ nguồn gốc xuất xứ nên  số lượng vật chứng này vẫn phải bảo quản theo quy định, dự tính chi phí thuê kho trong thời gian Cục THADS phụ trách quản lý (hơn 2 năm) đã lên tới trên 1 tỷ đồng, chưa kể các chi phí vận tải, bốc xếp, nâng hạ, kiểm đếm, phân loại.

Đây chỉ là một trong số các vụ việc vướng mắc liên quan đến quá trình xử lý vật chứng. Trên thực tế, công tác này còn gặp nhiều khó khăn như đương sự không đến nhận tài sản do tài sản giá trị thấp hoặc không còn giá trị (giấy tờ hết thời hạn sử dụng); trả tiền, tài sản cho người nước ngoài; bán tài sản chậm do không có người mua… khiến cho thời gian giải quyết các vụ việc kéo dài. Tính từ đầu năm 2018 đến hết tháng 6/2023, các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh đã xử lý xong 3.909 vụ với 26.196 vật chứng của các bản án đã có hiệu lực pháp luật; còn tồn 362 vụ với 2.967 vật chứng (trong đó có 51 vụ với 87 vật chứng tồn từ trước năm 2018). Việc xử lý vật chứng, tài sản kéo dài gây tốn kém cho ngân sách Nhà nước khi tổng chi phí bảo quản, xử lý số vật chứng trên thời gian qua là hơn 2 tỷ đồng, trong khi giá trị thu hồi sau khi xử lý vật chứng chỉ được 540 triệu đồng.

Thêm nữa, các cơ quan THADS còn gặp khó khăn trong việc xử lý vật chứng bằng hình thức tiêu hủy. Trung bình mỗi năm, các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh thực hiện trên 100 cuộc tiêu hủy vật chứng, song do chưa có hướng dẫn cụ thể về tiêu hủy vật chứng là ma túy và các loại vật chứng có yếu tố độc hại…, không có lò tiêu hủy chuyên dụng nên hầu hết việc tiêu hủy thực hiện theo các phương pháp thủ công (đập, đốt…), chưa đảm bảo an toàn. Để giải quyết những vật chứng này, thời gian qua, các cơ quan THADS đã chủ động xử lý theo các hình thức phù hợp hơn.

Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Chấp hành viên, Phó Chánh Văn phòng Cục THADS tỉnh cho biết: Từ năm 2019 đến nay, tôi thường xuyên được giao nhiệm vụ là Chủ tịch Hội đồng tiêu hủy vật chứng, tài sản của Cục THADS. Xét về tính chất, đối với một số loại vật chứng đặc biệt có số lượng lớn (ví dụ như trên 1kg ma túy), tôi đã tham mưu với lãnh đạo cục tiến hành liên kết với các đơn vị có đủ điều kiện như Công ty Cổ phần Thương mại – Dịch vụ Tân Minh (huyện Văn Quan), Công ty TNHH Huy Hoàng (thành phố Lạng Sơn)… để thực hiện tiêu hủy vật chứng, từ đó phần nào giảm thiểu nguy cơ gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của người tham gia tiêu hủy. Cụ thể trong năm 2023 (từ 1/10/2022 đến 1/10/2023), chúng tôi đã thực hiện 3 cuộc tiêu hủy tại lò đốt của Công ty Cổ phần Thương mại – Dịch vụ Tân Minh.

Ông Nguyễn Hữu Tài, quyền Cục trưởng Cục THADS tỉnh cho biết: Cũng như các địa phương trên cả nước, trước những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong công tác bảo quản, xử lý vật chứng, tài sản, chúng tôi đã nhiều lần đề xuất với các cấp, ngành có liên quan trong xây dựng kho vật chứng, lò tiêu hủy và điều chỉnh một số quy định liên quan đến công tác xử lý vật chứng cho phù hợp với thực tiễn. Song do điều kiện quỹ đất hạn chế, kinh phí đầu tư xây dựng lớn nên đến nay, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết. Trước mắt, chúng tôi sẽ chủ động sắp xếp cho công chức làm công tác quản lý kho vật chứng tại các đơn vị được trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao kỹ năng trong việc sắp xếp, bảo quản vật chứng và quản lý kho vật chứng. Ngoài ra, chúng tôi mong muốn có sự phối hợp, tạo điều kiện hơn nữa từ các cơ quan, đơn vị có liên quan trong thực hiện công tác này.

Có thể thấy, nếu khắc phục được những khó khăn, vướng mắc trên, công tác bảo quản, xử lý vật chứng, tài sản thuận lợi, hiệu quả sẽ rút ngắn thời gian giải quyết các vụ việc, đảm bảo an toàn, góp phần tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước.

Theo Điều 106 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm cũng như tiền bạc và vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội. Vật chứng được thu thập theo trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng quy định, chứa dựng các thông tin được xác định là chứng cứ có giá trị chứng minh tội phạm, người phạm tội cũng như các tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.


Vật chứng được xử lý như sau: Vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước hoặc tiêu hủy; vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước; vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/xa-hoi/619415-kho-khan-vuong-mac-trong-bao-quan-xu-ly-vat-chung-tai-san.html

  • Từ khóa