Bảo hiểm thân thể học sinh, sinh viên: Cần truyền thông rõ, triển khai sâu, đảm bảo quyền lợi người tham gia

Thứ 3, 31.10.2023 | 08:29:25
665 lượt xem

Bảo hiểm thân thể học sinh, sinh viên (HSSV) là loại hình tự nguyện. Trong những năm học qua, việc tổ chức triển khai bảo hiểm thân thể trong trường học đã có hiệu quả nhất định, hỗ trợ HSSV không may gặp rủi ro. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có lúc, có nơi, có trường chưa thực sự tốt dẫn đến còn nhiều ý kiến trong phụ huynh, HSSV.

Do đó, các cơ quan liên quan cần phối hợp truyền thông, tuyên truyền sâu, rộng, rõ ràng, “minh bạch” hơn trong quá trình triển khai đến phụ huynh, HSSV để loại hình bảo hiểm này thực sự phát huy hiệu quả.

Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn tìm hiểu thông tin về bảo hiểm, việc làm

Hằng năm, việc tổ chức cho HSSV tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộc và bảo hiểm thân thể tự nguyện được ngành giáo dục đặc biệt quan tâm.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 20 công ty bảo hiểm hoạt động và đều cung cấp các gói bảo hiểm theo nhu cầu của khách hàng. Đối với bảo hiểm thân thể HSSV, nhiều năm qua, “thị phần” chủ yếu vẫn là một số đơn vị cung cấp dịch vụ bảo hiểm như: Công ty Bảo Việt Lạng Sơn; Bảo hiểm Bưu điện Lạng Sơn; Công ty Bảo Minh Lạng Sơn… Hằng năm, các đơn vị này đều được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) giới thiệu, thông tin đến các cơ sở giáo dục để các phòng GD&ĐT, các nhà trường lựa chọn, phối hợp triển khai.

Trong năm học 2022 – 2023, Công ty Bảo Việt Lạng Sơn đã ký thoả thuận hợp tác tuyên truyền bảo hiểm với một số phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Trong năm học vừa qua, Bảo Việt Lạng Sơn đã giải quyết chi trả quyền lợi cho 4.121 trường hợp ốm đau, bệnh tật, tai nạn với tổng số tiền bảo hiểm là 4,425 tỷ đồng. Trong đó có 1.610 trường hợp giáo viên và 2.511 trường hợp học sinh. Bảo hiểm miễn phí cho 230 em học sinh là con liệt sĩ, thương binh loại 1 và học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ, gia đình đặc biệt khó khăn.

Cùng với Bảo Việt Lạng Sơn, trong nhiều năm qua, Bảo hiểm Bưu điện Lạng Sơn triển khai bảo hiểm thân thể tự nguyện cho giáo viên, HSSV tới tất cả các nhà trường trong tỉnh Lạng Sơn. Theo thống kê từ ngày 5/9/2022 đến ngày 1/6/2023, Bảo hiểm Bưu điện Lạng Sơn đã giải quyết cho 2.068 trường hợp ốm đau, tai nạn với tổng số tiền bảo hiểm  2,45 tỷ đồng, trong đó có 1.100 trường hợp giáo viên, 968 trường hợp học sinh. Bảo hiểm cũng đã miễn phí cho 550 HSSV là con thương binh, con liệt sĩ, trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc con của giáo viên học tại trường.

Các đơn vị bảo hiểm thực hiện trách nhiệm tương đối kịp thời, tuy nhiên,  trên thực tế nhiều bậc phụ huynh chưa hiểu đầy đủ về loại hình bảo hiểm này nên cũng có những băn khoăn, e ngại tham gia.

Tuyên truyền còn hạn chế

Mặc dù số liệu thống kê của các công ty bảo hiểm về chi trả cho các trường hợp không may gặp rủi ro hằng năm lên đến hàng tỷ đồng nhưng trên thực tế, công tác tuyên truyền về loại hình bảo hiểm này từ các công ty và nhà trường đến phụ huynh vẫn còn bỏ ngỏ khiến nhiều phụ huynh vẫn khá “mù mờ” thông tin.

Đầu năm học 2023 – 2024, chị N.H.Phương (phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn) đi họp phụ huynh cho 2 bé hiện đang là học sinh lớp 6 và lớp 9. Khi giáo viên thông tin đến các phụ huynh về những khoản tiền đóng trong năm học mới, bên cạnh học phí, BHYT bắt buộc, các quỹ phải nộp thì còn có mục bảo hiểm thân thể với mức đóng 100 nghìn đồng/học sinh.

Chị N.H.Phương chia sẻ: Mức đóng không phải là nhiều so với những khoản thu khác nhưng cô giáo không thông tin đầy đủ là đóng bảo hiểm thân thể này là nhà trường ký với đơn vị bảo hiểm nào, rồi quyền lợi học sinh được hưởng những gì, những sự việc không may như nào xảy ra thì được chi trả… Thế nên khi lấy khảo sát ở trong nhóm lớp trên zalo tôi không tích vào mục mua loại hình bảo hiểm tự nguyện này cho con mà chỉ tham gia BHYT.

Cũng giống như chị N.H.Phương, thời gian qua mặc dù vẫn tham gia mua bảo hiểm thân thể cho con nhưng anh L.V.Tùng (thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc) không hiểu hết được loại hình bảo hiểm này như thế nào. Anh chia sẻ: Thấy danh mục các khoản tiền đóng góp thì gia đình nộp thôi, chứ cháu nhà tôi tham gia bảo hiểm thân thể cũng không thấy có phát thẻ hay giấy chứng nhận gì nên không rõ khi con bị gì thì được chi trả, mà công ty nào chi trả và phải làm hồ sơ như thế nào cả… Tất nhiên là gia đình mong con khoẻ mạnh, an toàn trong quá trình tham gia học tập nhưng nếu có rủi ro thì gia đình cũng không biết làm như nào để được hưởng quyền lợi.

Đây chỉ là hai trong nhiều ý kiến của phụ huynh khi được hỏi về bảo hiểm thân thể tự nguyện HSSV và là chủ đề được bàn luận nhiều mỗi dịp họp phụ huynh đầu năm để triển khai các khoản thu trong năm học mới.

Tại nhiều lớp học, các phụ huynh cũng nêu ý kiến hỏi giáo viên chủ nhiệm về đơn vị bảo hiểm mà nhà trường phối hợp ký kết thoả thuận mua bảo hiểm thân thể hay các quyền lợi liên quan nhưng phần lớn giáo viên không nắm được và “khất” phụ huynh là sẽ hỏi lại nhà trường và thông tin sau. Mặc dù không có thống kê đầy đủ về việc triển khai này nhưng trên nhiều diễn đàn của phụ huynh, nhiều ý kiến bày tỏ của các phụ huynh cho thấy, công tác truyền thông, tuyên truyền về loại hình bảo hiểm tự nguyện này giữa các công ty và nhà trường tại nhiều lớp, nhiều trường chưa thực sự sâu, rộng, hiệu quả, chưa chuyển tải được các thông tin cơ bản đến phụ huynh, HSSV để họ hiểu ý nghĩa, quyền lợi và quyết định tham gia.

Qua tìm hiểu được biết, việc triển khai giữa công ty bảo hiểm và các phòng giáo dục, các nhà trường chủ yếu được thực hiện bằng văn bản, các công ty bảo hiểm cũng hỗ trợ các nhà trường khâu tuyên truyền đối với những trường có đề nghị hỗ trợ. Việc tập huấn, nâng cao kỹ năng tuyên truyền hay kiến thức về loại hình bảo hiểm này cho giáo viên, đội ngũ y tế trường học cũng chưa được thường xuyên.

Không chỉ vấn đề tuyên truyền, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ ý kiến khâu giải quyết thủ tục, hồ sơ hưởng mất nhiều thời gian, nhiều sự việc mức chi trả không lớn nên cũng ảnh hưởng đến tâm lý của phụ huynh không muốn tham gia cho con…

Cần phối hợp tuyên truyền 3 bên hiệu quả

Qua tìm hiểu và nắm bắt thông tin từ Sở GD&ĐT được biết, bảo hiểm thân thể HSSV là loại hình tự nguyện nên ngành GD&ĐT không có định hướng cụ thể hay bắt buộc các nhà trường phải triển khai ký kết với đơn vị nào mà chỉ ban hành văn bản giới thiệu để các phòng GD&ĐT, các nhà trường xem xét, phối hợp thực hiện triển khai tuyên truyền đến các phụ huynh, HSSV. Trong các công văn giới thiệu, Sở GD&ĐT đều hướng dẫn phòng GD&ĐT, các nhà trường phối hợp với các công ty bảo hiểm như: Bảo Việt Lạng Sơn, Bưu điện Lạng Sơn, Bảo Minh Lạng Sơn… tổ chức tuyên truyền đề phòng hạn chế rủi ro cho giáo viên, HSSV; tiếp tục quan tâm triển khai tuyên truyền, vận động HSSV, giáo viên tham gia từng loại bảo hiểm ngay từ đầu năm học mới. Cùng với đó, hỗ trợ cho giáo viên, HSSV và các bậc phụ huynh khi tham gia bảo hiểm không may rủi ro để thu thập hồ sơ theo quy định của bảo hiểm nộp cho các công ty bảo hiểm mà HSSV đăng ký tham gia để giải quyết nhanh chóng, kịp thời đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm.

Thiết nghĩ, nếu các công ty bảo hiểm đã triển khai qua các nhà trường để tuyên truyền tới phụ huynh và HSSV thì cần phối hợp sâu, rộng, sát sao và hiệu quả hơn nữa để việc triển khai, thực hiện hiệu quả, đảm bảo ý nghĩa nhân văn, sẻ chia khó khăn, rủi ro cho đối tượng tham gia bảo hiểm. Qua đó, cũng không gây nhiều ý kiến trái chiều trong phụ huynh khi các nhà trường tổ chức họp phụ huynh đầu năm học mới.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/xa-hoi/620834-bao-hiem-than-the-hoc-sinh-sinh-vien-can-truyen-thong-ro-trien-khai-sau-dam-bao-quyen-loi-nguoi-tham-gia.html

  • Từ khóa