Đồng chí Hoàng Văn Thụ – Tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời

Thứ 6, 03.11.2023 | 08:56:16
891 lượt xem

Đồng chí Hoàng Văn Thụ – Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của Lạng Sơn đã trọn đời cống hiến cho Đảng, cho dân tộc. Giữ nhiều cương vị lãnh đạo của Đảng ngay từ khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng đồng chí Hoàng Văn Thụ không vì danh lợi, sống bình dị, nêu gương sáng về sự trung thành, lòng tận tụy phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân;...

Mẫu mực về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, khiêm tốn, giản dị, là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên hiện nay học tập, rèn luyện để phụng sự Tổ quốc, Nhân dân.


Cán bộ Thư viện tỉnh giới thiệu cuốn sách về đồng chí Hoàng Văn Thụ cho học sinh trên địa bàn thành phố Lạng Sơn -Ảnh: La Mai

Trong bài Ðạo đức cách mạng đăng trên Tạp chí Học tập, tháng 12/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Trong Ðảng ta, các đồng chí Trần Phú, Ngô Gia Tự, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều đồng chí khác đã vì dân, vì Ðảng mà oanh liệt hy sinh, đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập”.

Luôn đặt lợi ích của Ðảng, của Nhân dân, của dân tộc lên trên hết

Người chiến sỹ cộng sản Hoàng Văn Thụ là tấm gương sáng của tinh thần yêu nước, giác ngộ lý tưởng cộng sản và kiên định lập trường của giai cấp công nhân. Ngay từ khi chưa giác ngộ chủ nghĩa Mác – Lênin, với lập trường của người yêu nước, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã hiểu rõ nỗi khổ của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động, sớm tham gia hưởng ứng các cuộc vận động do tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên phát động.

Những năm đầu thế kỷ XX, ở miền đất Xứ Lạng, trong số những thanh niên người Tày sớm giác ngộ cách mạng nhờ được tiếp xúc các tài liệu tuyên truyền và báo chí của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên có Hoàng Văn Thụ và Lương Văn Tri, hai thanh niên dân tộc Tày đã cùng một số bạn thân cùng chí hướng, lập một nhóm thanh niên yêu nước, tổ chức hội họp bí mật, trao đổi sách báo mang tư tưởng tiến bộ khi đó. Do nhiệt tình cách mạng thôi thúc, vào cuối năm 1927, Hoàng Văn Thụ và Lương Văn Tri bí mật lên đường bắt liên lạc với tổ chức cách mạng.

Đồng chí Hoàng Văn Thụ luôn vượt qua mọi khó khăn gian khổ, nêu cao ý thức chấp hành tổ chức, kỷ luật của người đảng viên cộng sản; gương mẫu đi đầu, sẵn sàng gánh vác nhiệm vụ khó khăn nhất; có tinh thần đứng mũi chịu sào, ý thức trách nhiệm cao với công việc; chăm lo đoàn kết đồng chí, đồng bào, tin tưởng tuyệt đối vào quần chúng Nhân dân, có thái độ kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, đầu hàng, phản bội. Trong những tháng ngày hoạt động tại Long Châu – Trung Quốc, nơi đất khách quê người với nhiều thiếu thốn, anh đã vượt qua khó khăn, sống những ngày thiếu thốn nhất để tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1930, khi vào học làm thợ ở Nhà máy cơ khí Nam Hưng (Quảng Tây – Trung Quốc), lương của thợ máy phải tằn tiện mới đủ sống, ban ngày làm trong nhà máy, ban đêm làm thêm bên ngoài, Hoàng Văn Thụ không quản khó khăn, bước vào đời sống thợ thuyền và trở thành một thợ máy lành nghề. Những năm 1940-1941, cơ sở của Đảng bị khủng bố, bị vỡ nhiều nơi, mặc dù phải hoạt động trong hoàn cảnh khó khăn lại bị kẻ thù theo dõi gắt gao nhưng đồng chí Hoàng Văn Thụ luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi Đảng giao phó.

Ngay sau khi Chi bộ Long Châu được thành lập, đồng chí Hoàng Văn Thụ được phân công gây dựng phong trào cách mạng ở tỉnh Lạng Sơn, bí mật tuyên truyền đường lối cách mạng trong quần chúng Nhân dân ở Lũng Nghịu (Trung Quốc), tiếp giáp với vùng núi Khơ Lếch (thuộc Văn Uyên khi đó, nay thuộc huyện Cao Lộc). Từ giữa năm 1935, thực dân Pháp tiến hành khủng bố khốc liệt, hàng loạt cơ sở bị phá vỡ, nhiều cán bộ và quần chúng cách mạng bị giết hoặc bị bắt giam. Chấp hành chủ trương của Xứ ủy Bắc kỳ về việc tiếp tục củng cố, phát triển phong trào cách mạng ở vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là vùng biên giới, là cán bộ đặc trách chỉ đạo vùng Cao – Bắc – Lạng, Hoàng Văn Thụ trực tiếp về Bắc Sơn vào giữa năm 1936.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ VII, họp từ ngày 6 đến ngày 8/11/1940 tại Đình Bảng (Bắc Ninh), đồng chí Hoàng Văn Thụ được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng, lãnh đạo việc duy trì phát triển Đội du kích Bắc Sơn và xây dựng khu căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ VIII (5/1941) đồng chí Hoàng Văn Thụ được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đặc trách công tác mặt trận và binh vận.

Ngày 25/8/1943, đồng chí Hoàng Văn Thụ bị địch bắt, giam cầm, tra tấn hết sức dã man, bị khép tội tử hình, nhưng chúng không lay chuyển được tấm lòng yêu nước, trung thành tuyệt đối với cách mạng của đồng chí. Ðồng chí đã thực hiện xuất sắc chủ trương của Ðảng “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”. Trong xà lim, Hoàng Văn Thụ vẫn tìm mọi cách hiến dâng những giờ phút còn lại của cuộc đời cho cách mạng.

Sáng sớm ngày 24/5/1944, trên đường đi ra pháp trường xử bắn, đồng chí Hoàng Văn Thụ hiên ngang trước quân thù, dõng dạc hô to: “Việt Nam độc lập muôn năm! Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm !”. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã thể hiện quan điểm cách mạng toàn diện của một cán bộ lãnh đạo luôn gắn bó mật thiết với Nhân dân, với cơ sở, sâu sát thực tiễn, có tầm nhìn chiến lược, vận dụng sáng tạo lý luận cách mạng vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta.

Ðồng chí đã trực tiếp giác ngộ, vận động quần chúng, đóng góp tích cực trong việc thành lập các chi bộ đảng và phát triển tổ chức đảng ở các Ðảng bộ Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Vĩnh Yên; củng cố, xây dựng nhiều cơ sở đảng ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… Những nơi đồng chí đến sống và hoạt động đều để lại những tình cảm gắn bó yêu thương. Quần chúng Nhân dân thường gọi Hoàng Văn Thụ với những cái tên quen thuộc như đồng chí Bảy, anh Lý.

Khi kẻ thù khủng bố ác liệt, đồng chí khẳng định: “Chúng ta không lo. Cách mạng đã thấm sâu vào quần chúng rồi. Quân địch cố nhiên không để cho chúng ta yên, nhưng quần chúng nhất định không xa rời cách mạng. Chỉ sợ những người lãnh đạo chúng ta xa quần chúng, không sợ quần chúng xa chúng ta. Quân địch không có quần chúng ủng hộ. Chẳng bao lâu chúng ta sẽ chắp được mối, lúc ấy quần chúng lại che chở cho chúng ta và phong trào lại đi lên”. Điều đó làm nên những giá trị quy tụ được lòng người, làm cách mạng phải biết tin yêu đồng chí, đồng bào, đồng thời cũng làm cho quần chúng nhân dân tin vào Đảng, tự nguyện đi theo Đảng làm cách mạng.

Đồng chí Hoàng Văn Thụ hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Hình ảnh hiên ngang, bất khuất của đồng chí trước pháp trường làm cho kẻ thù khiếp sợ, là bản anh hùng ca về bản lĩnh, khí tiết và ý chí người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất của Ðảng Cộng sản Việt Nam.

Noi gương người chiến sĩ cộng sản kiên trung

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng luôn coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Công cuộc đổi mới ngày càng phát triển với những thành tựu to lớn, công tác xây dựng Đảng có những thành công quan trọng nhưng cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém; thậm chí có nhiều yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ. Trước yêu cầu mới, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (tháng 11/2012) ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, trong đó vấn đề hàng đầu là kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Vì thế, việc cán bộ, đảng viên tự tu dưỡng, rèn luyện, học tập vì lương tâm, danh dự, trách nhiệm của người cộng sản có ý nghĩa rất quan trọng, căn bản và bền vững đối với nhiệm vụ xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Hội nghị Trung ương 4 khóa XII (tháng 10/2016) ban hành Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII là sự tiếp nối nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đề ra trước đây, đồng thời phản ánh yêu cầu bức thiết hiện nay cần phải nhận thức rõ, quyết tâm chính trị cao, hành động mạnh mẽ, giải pháp đồng bộ để tạo ra sự chuyển biến căn bản, vững chắc với hiệu quả thiết thực. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đề ra mục tiêu, quan điểm và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trước yêu cầu của sự nghiệp phát triển đất nước, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay cần phải được đẩy mạnh và tăng cường hơn nữa. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, những chiến sỹ cách mạng tiền bối như Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Văn Thụ là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, lâu dài và là tiêu chí cao nhất của phong trào thi đua của cán bộ, đảng viên, của các chi bộ, tổ chức đảng và các tầng lớp Nhân dân.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ mãi mãi là niềm tự hào của toàn Ðảng, toàn thể dân tộc. Nhân dân Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam mãi mãi không quên Hoàng Văn Thụ, gương sáng về phẩm chất, đạo đức cách mạng. Bài thơ của đồng chí Hoàng Văn Thụ để lại trước khi hy sinh là những lời nhắn nhủ, căn dặn chúng ta về ý chí cách mạng, về sự tuyệt đối trung thành với Đảng, với dân tộc:

Việc nước xưa nay có bại thành

Miễn sao giữ trọn được thanh danh

Phục thù chí lớn không hề nản

Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành

Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm

Chí còn theo dõi buổi tung hoành

Bạn hỡi gần xa hăng chiến đấu

Trước sau xin giữ tấm lòng thành.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/chinh-tri/621554-dong-chi-hoang-van-thu-tam-guong-dao-duc-cach-mang-sang-ngoi.html

  • Từ khóa