Qua nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh đã luôn thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh giáo dục, đào tạo, thực sự trở thành mái ấm, nơi chắp cánh ước mơ cho hàng nghìn học sinh dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.
Cô và trò Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh nghiên cứu, trao đổi tài liệu ngoài giờ lên lớp
Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh tiền thân là trường Thanh niên Dân tộc tỉnh Lạng Sơn được thành lập từ năm 1973. Những ngày đầu thành lập, thầy trò nhà trường phải học nhờ dưới mái đình xã Tân Liên và nhà dân quanh khu vực, sau đó vừa dạy học, vừa dựng trường, làm lớp học. Trong suốt chặng đường phát triển, trường đã nhiều lần phải di chuyển, đổi tên. Đến năm 1991, trường được chuyển đến xây dựng tại vị trí hiện nay là thôn Pò Mỏ, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn. Từ đó đến nay nhờ thực hiện tốt công tác giáo dục và đào tạo, nhà trường vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân Chương Lao động hạng Ba năm 2003, hạng Nhì năm 2008 và Huân Chương Lao động hạng Nhất năm 2013.
Chú trọng công tác giáo dục
Suốt chặng đường 50 năm xây dựng, phát triển, qua các giai đoạn lịch sử, vượt qua buổi đầu gian khó, nhà trường phát triển nhanh về quy mô, cơ sở vật chất cũng dần dần được trang bị đầy đủ. Qua đó, Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh là trường học đầu tiên cấp THPT được UBND tỉnh công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia năm 2009. Từ đó đến nay, cơ sở vật chất nhà trường vẫn tiếp tục được các cấp, ngành quan tâm đầu tư đảm bảo thuận lợi cho các hoạt động giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy học, kiểm tra đánh giá và thực hiện chuyển đổi số. Nhà trường thực sự trở thành mái ấm, nơi chắp cánh ước mơ cho hàng ngàn học sinh đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện tốt công tác giáo dục, giáo viên nhà trường thường xuyên trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực tự học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; chương trình, kế hoạch giảng dạy theo quy định được giáo viên thực hiện đầy đủ, nghiêm túc; luôn tạo điều kiện, hướng dẫn học sinh rèn luyện kỹ năng tự học, giúp học sinh vận dụng sáng tạo kiến thức đã học, chú trọng phụ đạo, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh yếu để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Cùng đó, do học sinh là con em các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, trình độ nhận thức không đồng đều, nên ngoài giờ học chính khoá trên lớp, nhà trường còn phân công giáo viên trực, kèm riêng, củng cố kiến thức cho học sinh vào buổi chiều và buổi tối các ngày trong tuần.
Cô Lành Hương Lan, giáo viên bộ môn Sinh học của nhà trường (trong 3 năm trở lại đây được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” năm học 2020 – 2021; Tỉnh ủy Lạng Sơn tặng bằng khen “Điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2022) cho biết: là giáo viên bộ môn, để thực hiện tốt công tác giảng dạy, chúng tôi luôn tích cực đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và hướng dẫn học sinh tham gia các cuộc thi; chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, giúp các em phát huy, vận dụng tốt các năng lực trong học tập, rèn luyện.
Hằng năm, nhà trường đều cử giáo viên bồi dưỡng nâng cao chất lượng học sinh khá, giỏi để thành lập các đội tuyển thi chọn học sinh giỏi các cấp; đồng thời xây dựng kế hoạch phụ đạo, vá “lỗ hổng” kiến thức cho những học sinh học lực còn yếu. Duy trì hoạt động sinh hoạt tập thể, giáo dục kỹ năng sống nhằm bồi dưỡng tình cảm tốt đẹp, lý tưởng sống, nâng cao ý thức cho học sinh trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giúp các em gần gũi, đoàn kết hơn trong học tập và cuộc sống, tạo môi trường thuận lợi để học sinh rèn đức, luyện tài.
Em Kiềng Minh Nghĩa học sinh lớp 12A3 (gia đình thuộc hộ nghèo luôn vượt khó vươn lên trong học tập, 2 năm liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi xuất sắc) chia sẻ: Dưới mái trường nội trú này, em luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc tận tình, chu đáo cũng như chia sẻ, động viên của thầy cô giáo và bạn bè, qua đó đã giúp em yên tâm học tập. Em luôn tự hứa sẽ cố gắng hết mình, vượt qua khó khăn để học thật giỏi sau này trở thành người công dân có ích cho xã hội.
Nhờ sự nỗ lực không ngừng của các thầy cô giáo, tinh thần và khát vọng vươn lên trong học tập của học sinh, thầy và trò nhà trường vượt qua nhiều khó khăn, thách thức đạt thành tích cao trong giảng dạy và học tập. Trong 5 năm học trở lại đây, trường có những tiến bộ vượt bậc trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh với tổng số 538 giải, trong đó có 7 giải nhất, 51 giải nhì, 193 giải ba. Hằng năm, tỉ lệ học sinh khá giỏi của nhà trường đạt trên 98%, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của trường luôn đạt 100%; học sinh đỗ đại học, cao đẳng đạt từ 70% đến 80%. Nhờ đó, chất lượng giáo dục duy trì đứng tốp đầu khối THPT không chuyên của tỉnh.
Quan tâm đời sống tinh thần, thể chất học sinh
50 năm sau ngày thành lập, năm học 2023 – 2024, trường có 68 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên, 100% giáo viên đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, trong đó có 30,1% trên chuẩn; cùng đó, trường có quy mô 20 lớp học với gần 600 học sinh, thuộc các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Sán chỉ, Mường… trong đó dân tộc Tày, Nùng chiếm gần 90%.
Giáo viên Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh tận tình hướng dẫn học sinh trong giờ học
Trao đổi với chúng tôi về ngôi trường đặc thù này, cô Vương Xuân Thuận, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh luôn ý thức là tấm gương cho học sinh về tác phong, đạo đức, lối sống, ứng xử, cách làm việc… Thầy, cô giáo luôn cộng đồng trách nhiệm trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; thực hiện “vừa dạy chữ, vừa dạy người”, giúp các em tự tin, mạnh dạn hòa nhập vào môi trường học tập và ăn ở nội trú khi phải xa gia đình. Ngoài ra, để giúp học sinh mới bước chân vào nhà trường nhanh chóng làm quen, hòa nhập với môi trường mới, nhiều thầy giáo, cô giáo đã tự học thêm tiếng dân tộc để có thể trò chuyện, nắm bắt tâm tư, tình cảm giúp các em tự tin hơn trong giao tiếp, học tập.
Trong 5 năm học trở lại đây, trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh có những tiến bộ vượt bậc trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh với tổng số 538 giải, trong đó có 7 giải nhất, 51 giải nhì, 193 giải ba. Hằng năm, tỉ lệ học sinh khá giỏi của nhà trường đạt trên 98%, kết quả học sinh thi tốt nghiệp THPT của trường luôn đạt 100%; học sinh đỗ đại học, cao đẳng từ 70% đến 80%. Nhờ đó, chất lượng giáo dục duy trì đứng tốp đầu khối THPT không chuyên của tỉnh. |
Là trường nội trú, các em ăn, ở và sinh hoạt tại trường nên việc quan tâm đến bữa ăn của các em học sinh như đảm bảo chất và lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm được nhà trường chú trọng. Với đặc thù của trường, nhiệm vụ của cán bộ, giáo viên không chỉ dạy kiến thức mà còn dạy cả kỹ năng sống, dạy học sinh lý tưởng sống tốt đẹp, khát khao học tập và khát vọng cống hiến để xây dựng quê hương, đất nước. Bởi vậy, nhà trường luôn quan tâm đến tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; các cuộc thi và biểu diễn giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao… để học sinh có cơ hội phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ và các kỹ năng cơ bản.
Nhờ đó trong 5 năm gần đây, học sinh nhà trường thường xuyên đạt giải cao tại các cuộc thi, như: giải Nhất Hội thao quốc phòng an ninh cấp tỉnh, học sinh dự thi cấp quốc gia đạt giải ba. Thi Vovinam cấp tỉnh năm 2023, đạt 14 huy chương cá nhân, 5 huy chương đồng đội, là đơn vị có tổng số huy chương cao nhất khối THPT; học sinh tham gia Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh lần thứ 12 đạt 45 huy chương, trong đó: 25 huy chương vàng, 8 huy chương bạc, 12 huy chương đồng, xếp thứ nhất toàn đoàn khối THPT.
Chia sẻ về quãng thời gian học tập tại trường, em Lý Anh Tuấn, lớp 11A2 (đạt giải Nhất Hội thao quốc phòng an ninh cấp tỉnh năm học 2022 – 2023) cho biết: Được học trong ngôi trường nội trú, em coi đây như ngôi nhà thứ 2 của mình, em thấy rất vui khi các thầy cô luôn chăm lo, dạy bảo em như cha mẹ và truyền dạy cho chúng em những kiến thức cần thiết để tiếp tục phấn đấu học tập, thực hiện ước mơ, hoài bão. Em tự hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt để sau này có thể trở thành người có ích cho quê hương.
Bên cạnh các hoạt động thể thao, nhà trường còn triển khai đa dạng hoạt động các câu lạc bộ học sinh như câu lạc bộ: Truyền thông, Vovinam, Nghệ thuật, Văn hóa các dân tộc, Tiếng Anh, Văn hóa đọc… giúp phát triển năng lực cá nhân, tinh thần sáng tạo, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân cho học sinh. Đồng thời, nhà trường chú trọng, đẩy mạnh các hoạt động giáo dục đặc thù để các em nhận thức được tinh thần trách nhiệm trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, lòng tự hào về truyền thống văn hóa, xác định được vai trò tiếp nối và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số của tỉnh Lạng Sơn, xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của các thế hệ nhà giáo, của Nhân dân các dân tộc Lạng Sơn.
Đánh giá về công tác giáo dục của nhà trường, ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song với sự quyết tâm, nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và tinh thần vượt khó học tập của học sinh, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong thời gian tới, nhà trường cần tiếp tục nâng cao công tác giáo dục gắn với giáo dục về đạo đức, kỹ năng sống, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thực hiện tốt công tác đảm bảo chế độ, chính sách đối với học sinh; thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao… xây dựng nhà trường trở thành một ngôi trường thân thiện, lành mạnh và an toàn, xứng đáng là nơi ươm mầm học sinh đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.
Theo baolangson.vn