Phòng cháy chữa cháy: Sự chủ động của các cơ sở khám, chữa bệnh

Thứ 5, 30.11.2023 | 14:49:26
806 lượt xem

Cơ sở khám, chữa bệnh là nơi thường xuyên tập trung đông người, nhiều máy móc, thiết bị có giá trị, nếu xảy ra sự cố cháy nổ sẽ gây thiệt hại lớn. Do đó, ngoài việc làm tốt công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh luôn nêu cao ý thức chủ động phòng cháy, sẵn sàng chữa cháy, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản.

Cán bộ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh tham gia diễn tập PCCC

Toàn tỉnh hiện có 215 cơ sở khám, chữa bệnh công lập gồm: 4 bệnh viện tuyến tỉnh, 11 trung tâm y tế huyện, thành phố và 200 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Ngoài ra còn có hệ thống y tế tư nhân với hơn 260 phòng khám đa khoa, chuyên khoa… Bình quân mỗi ngày, các cơ sở này có hàng chục nghìn cán bộ, bác sĩ, y tá, điều dưỡng, hộ lý, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có mặt tại các khoa, phòng.

Ông Lý Kim Soi, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Để chủ động trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), Sở Y tế đã yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc nâng cấp, bảo trì thường xuyên các trang thiết bị PCCC, kịp thời bổ sung các thiết bị hỏng; tổ chức huấn luyện nghiệp vụ, thực tập phương án chữa cháy nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng trong công tác PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh là nơi thường xuyên tập trung đông người với khoảng hơn 2.000 cán bộ, bác sĩ, y tá, điều dưỡng, hộ lý, người bệnh và người nhà người bệnh có mặt tại các khoa, phòng. Ông Lê Ngọc Ân, Đội Trưởng Đội PCCC cơ sở Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Đội PCCC cơ sở của bệnh viện có 80 thành viên thường xuyên được huấn luyện nghiệp vụ và sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy đã được trang bị. Hằng năm, chúng tôi luôn chủ động tiến hành rà soát lại các phương tiện phục vụ cho công tác PCCC; phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH), Công an tỉnh thực hiện huấn luyện các tình huống chữa cháy. Mặt khác, Đội PCCC cơ sở thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn 44/44 khoa, phòng sắp xếp máy móc và các vật dụng gọn gàng; thường xuyên nhắc nhở cán bộ, nhân viên và người nhà bệnh nhân chủ động thực hiện nghiêm túc các biện pháp PCCC.

Cùng với các bệnh viện tuyến tỉnh, các trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế và các cơ sở y tế tư nhân cũng đã nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác PCCC tại đơn vị; chủ động xây dựng kế hoạch, phát động phong trào Toàn dân tham gia PCCC tới toàn thể viên chức, người lao động; trang bị đầy đủ hệ thống PCCC theo quy định như: bình cứu hỏa, hệ thống báo cháy tự động, đường dẫn nước chữa cháy đến các khoa, phòng… Đồng thời, thành lập các tổ, đội PCCC theo quy định, thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức huấn luyện PCCC, hướng dẫn cán bộ, nhân viên, người lao động các kỹ năng cơ bản để xử lý tình huống cháy, nổ. Theo số liệu tổng hợp của Sở Y tế, hiện nay, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn đã thành lập được hơn 200 tổ, đội PCCC cơ sở theo quy định với hơn 1.000 thành viên. Bình quân mỗi năm, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tổ chức diễn tập PCCC&CNCH được khoảng 15 cuộc với hơn 700 người tham gia.

Bác sĩ Hoàng Duy Thiện, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đình Lập cho biết: Bình quân mỗi ngày, trung tâm có hơn 200 cán bộ, nhân viên, bệnh nhân và người nhà ở các khoa, phòng. Để đảm bảo an toàn PCCC, trung tâm đã thành lập Đội PCCC cơ sở (15 thành viên) và phối hợp huấn luyện nghiệp vụ PCCC định kỳ; thường xuyên kiểm tra an toàn PCCC tại các khoa, phòng. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền trực tiếp qua những buổi giao ban, họp hội đồng người bệnh về các nội quy, các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC để nâng cao ý thức của cán bộ, nhân viên y tế và người dân trong việc đảm bảo an toàn PCCC.

Mặt khác, các cơ sở y tế thường xuyên chỉ đạo tổ, đội PCCC, lãnh đạo các khoa, phòng phối hợp tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân viên, người lao động, người bệnh về một số quy định của pháp luật về công tác PCCC như: Luật PCCC 2001, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật PCCC năm 2013, Chỉ thị số 47-CT/TW, Kết luận số 02-KL/TW, Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ… về công tác PCCC. Bình quân mỗi năm, các cơ sở y tế trên địa bàn tổ chức tuyên truyền lồng ghép tại các khoa, phòng được hơn 300 cuộc cho gần 4.000 người.

Nhờ tích cực triển khai các biện pháp PCCC, trong những năm qua, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh không để xảy ra cháy, nổ, giúp người dân cảm thấy yên tâm khi đến khám, chữa bệnh. Chị Hoàng Hồng Anh, xã Sơn Hà, huyện Hữu Lũng cho biết: Bố tôi bị cao huyết áp, đái tháo đường, điều trị tại Trạm Y tế xã và Trung tâm Y tế huyện đã hơn 4 năm nay. Khi đưa ông đi khám, điều trị, tôi thấy các máy móc, thiết bị, vật dụng tại các cơ sở y tế đều được nhân viên sắp xếp rất gọn gàng. Nội quy PCCC và các bình chữa cháy được bố trí đầy đủ ở các khoa, phòng, nhân viên thường xuyên nhắc nhở bệnh nhân đảm bảo an toàn khi sử dụng điện, PCCC nên gia đình tôi rất yên tâm.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, ngành y tế tỉnh tiếp tục phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ năng PCCC cho nhân viên y tế; tăng cường kiểm tra an toàn PCCC tại các cơ sở y tế, kịp thời phát hiện những thiếu sót và hướng dẫn cơ sở khắc phục, đảm bảo an toàn PCCC để cán bộ, y, bác sĩ yên tâm công tác, làm tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/xa-hoi/627810-phong-chay-chua-chay-su-chu-dong-cua-cac-co-so-kham-chua-benh.html

  • Từ khóa