Từng bước hình thành vùng trồng dược liệu gắn với xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ

Thứ 2, 11.12.2023 | 15:03:23
771 lượt xem

Thời gian qua, bên cạnh sự chủ động của người dân, các cấp, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã quan tâm triển khai nhiều giải pháp hình thành và phát triển vùng trồng dược liệu, hướng đến xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bà Lù Thị Lường, xã Đình Lập, huyện Đình Lập cho biết: Được chính quyền xã tuyên truyền về lợi ích, giá trị của cây dược liệu, trong đó có cây sa nhân, năm 2018, tôi đã mua 500 cây về trồng dưới tán rừng thông. Tận dụng những diện tích đất còn trống, từ năm 2019, tôi tiếp tục mở rộng diện tích trồng. Đến nay, gia đình có khoảng 11.000 cây sa nhân. Ưu điểm của loại cây trồng này chính là trồng được dưới tán rừng, giúp tăng giá trị kinh tế trên cùng một diện tích đất, khả năng sinh trưởng tốt. Hiện nay, toàn bộ cây sa nhân đã cho thu hoạch. Năm 2023, gia đình tôi thu được 1 tạ quả sa nhân tươi. Bên cạnh đó, gia đình tôi còn kết hợp tỉa cây con bán cho các hộ trồng khác, thu nhập được hơn 10 triệu đồng.

Hiện nay, Đình Lập là một trong những huyện phát triển dược liệu lớn của tỉnh. Ông Nguyễn Chiến Hiệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Đình Lập cho biết: Trước đây, các loại cây dược liệu chủ yếu mọc tự nhiên dưới tán cây rừng, nhận thấy có tiềm năng phát triển kinh tế từ loại cây trồng này, thời gian qua, phòng đã tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho bà con nông dân. Đồng thời, định hướng người dân mở rộng diện tích, hình thành vùng sản xuất tập trung cây dược liệu. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 230 ha cây dược liệu gồm: sa nhân, ba kích, trà hoa vàng… tại các xã: Bắc Xa, Kiên Mộc, Bính Xá.

Người dân xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình chăm sóc cây trà hoa vàng

Không chỉ Đình Lập, hiện nay, các huyện như: Hữu Lũng, Lộc Bình, Bắc Sơn… cũng quan tâm, tuyên truyền người dân mở rộng diện tích trồng cây dược liệu. Nhận thấy nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước rất lớn, hơn nữa cây dược liệu trồng dưới tán rừng tận dụng được tối đa diện tích đất, bên cạnh sự chủ động của các huyện, ngành chuyên môn trên địa bàn tỉnh cũng đã thực hiện các giải pháp phát triển cây dược liệu.

Cụ thể, công tác tuyên truyền, tập huấn được ngành chuyên môn chú trọng thực hiện. Theo đó, riêng trong năm 2023, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức được 470 hội nghị tuyên truyền, tập huấn lồng ghép về phát triển cây dược liệu với các hình thức tuyên truyền đa dạng như: tuyên truyền lưu động, phối hợp đưa tin, bài qua hệ thống loa truyền thanh, phát tờ rơi, tuyên truyền trên mạng xã hội với trên 32.000 lượt người tham gia.

Bên cạnh đó, các ngành chức năng liên quan thực hiện phối hợp nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật. Điển hình năm 2021, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã nghiên cứu thành công quy trình nhân giống sa nhân tím bằng phương pháp tách chồi và xây dựng các tài liệu hướng dẫn bảo tồn, thâm canh. Từ kết quả đó, chi cục đã ứng dụng vào thực tiễn bằng cách triển khai 2 mô hình trồng sa nhân tím bằng phương pháp nhân giống tách chồi trong nhà lưới quy mô 100m2 và trồng dưới tán rừng quy mô 1.000m2 tại xã Đình Lập, huyện Đình Lập. Theo đó, cây sa nhân tím trồng bằng cây giống tách chồi tại các mô hình trên phát triển rất tốt, bước đầu đã cho ra quả 2 vụ/năm. Từ kết quả đó, chi cục đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân trên địa bàn huyện Đình Lập để tiếp tục nhân rộng mô hình. Đây là tiền đề để bảo tồn, phát triển nguồn gen cây dược liệu trên địa bàn tỉnh, hứa hẹn là loại cây đem lại hiệu quả kinh tế. Trong năm 2023, các đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục triển khai dự án nghiên cứu, phát triển một số loài dược liệu quý hiếm có giá trị cao như: ngũ gia bì gai, lá khôi, đẳng sâm, ba kích tím, bình vôi, hà thủ ô, hoàng tinh hoa đỏ, lan một lá…

Ngoài ra, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố cũng quan tâm đề xuất dự án để trồng cây dược liệu trên địa bàn. Cụ thể, từ đầu năm 2023 đến nay, các sở, ngành, UBND huyện, thành phố đã tổ chức thẩm định 3 dự án trồng dược liệu dưới tán rừng với tổng quy mô 1.200 ha, cấp 1 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhà máy sơ chế nông sản, cây dược liệu (huyện Tràng Định), hướng dẫn trình tự, thủ tục về đầu tư cho 1 công ty đầu tư dự án trồng cây dược liệu quý và xây dựng nhà máy sản xuất thuốc, mỹ phẩm (huyện Lộc Bình)…

Từ những giải pháp của ngành chuyên môn và sự chủ động của người dân, đến nay, toàn tỉnh đã bước đầu hình thành vùng trồng dược liệu tại các huyện: Đình Lập, Lộc Bình, Bắc Sơn, Văn Lãng với tổng diện tích trên 780 ha với các loại chủ yếu như: sa nhân, ba kích, trà hoa vàng, cát sâm… Mặc dù không có thống kê cụ thể của ngành chức năng, song qua tìm hiểu từ phòng NN&PTNT các huyện và một số hộ trồng dược liệu, giá trị kinh tế của những loại cây dược liệu khá cao. Cụ thể như, quả sa nhân tươi có giá 60 đến 70 nghìn đồng/kg; hạt cát sâm khô khoảng 600 nghìn đồng/kg; trà hoa vàng tươi khoảng 600 nghìn đồng/kg; trà hoa vàng khô giá từ 4 đến 5 triệu đồng/kg…

Qua đó, tạo tiền đề ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hình thành các mối liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã bước đầu hình thành liên kết sản xuất dược liệu giữa doanh nghiệp với các hộ dân trên địa bàn huyện Văn Lãng và Bắc Sơn.

Ông Phạm Trung Kiên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Dược liệu Kim Sơn (huyện Bắc Sơn) cho biết : Nhận thấy nhu cầu của thị trường về sử dụng các sản phẩm từ cây dược liệu rất cao và mong muốn hạn chế khai thác ồ ạt, bảo tồn nguồn gen quý, năm 2019, công ty đã liên kết với 5 hộ dân tại 2 xã Hưng Vũ và Trấn Yên, huyện Bắc Sơn trồng thử nghiệm 5 ha cây dược liệu gồm các loại như: cốt khí, cát sâm, thìa canh… Qua 1 năm, cây sinh trưởng phát triển tốt, công ty tiếp tục nhân rộng liên kết trồng các loại dược liệu trên ở địa bàn huyện với tổng diện tích khoảng 62 ha, 100 hộ dân tham gia. Theo đó, công ty hỗ trợ tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dược liệu cho người dân, hỗ trợ phân bón theo phương thức đối trừ, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Trung bình mỗi năm, sản lượng thu hoạch từ 300 đến 400 tấn dược liệu khô, doanh thu trên 10 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Thời gian tới, để phát triển trồng cây dược liệu theo hướng bền vững, tạo thu nhập ổn định cho bà con nông dân, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây dược liệu dưới tán rừng. Đồng thời, tham mưu Sở NN&PTNT hỗ trợ, hướng dẫn thiết lập chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác trồng dược liệu và kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến các sản phẩm từ dược liệu.

Việc mở rộng diện tích và phát triển vùng trồng dược liệu, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm có ý nghĩa quan trọng, tạo thu nhập ổn định cho người dân, đồng thời, góp phần thực hiện phương án “lấy ngắn nuôi dài”, để phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/kinh-te/629884-tung-buoc-hinh-thanh-vung-trong-duoc-lieu-gan-voi-xay-dung-chuoi-lien-ket-tieu-thu.html

  • Từ khóa