Bộ thiết bị dạy học số về khu vực Đông Nam Á: Góp phần nâng cao hiệu quả dạy và học môn Địa lí

Thứ 6, 01.11.2024 | 14:19:42
468 lượt xem

Tại Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lạng Sơn lần thứ 16 năm 2024, dự án bộ thiết bị dạy học số về khu vực Đông Nam Á của nhóm học sinh lớp 11, Trường THPT chuyên Chu Văn An gồm: Bế Phụng Tiên, Vi Hoàng Khánh Như, Phạm Ngọc Nhi, Nguyễn Hồng Ngọc, Mã Khánh Vy dưới sự hướng dẫn của cô Nguyễn Thu Hằng, giáo viên môn Địa lí là 1 trong 2 sản phẩm, dự án xuất sắc đạt giải nhất. Bộ thiết bị dạy học số về khu vực Đông Nam Á bao gồm các bản đồ, bảng số liệu, biểu đồ, trò chơi tương

Bộ thiết bị dạy học số về khu vực Đông Nam Á được Trường THPT Hữu Lũng đưa vào dạy và học

Em Bế Phụng Tiên, lớp 11D2, Trường THPT chuyên Chu Văn An, thành phố Lạng Sơn, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Qua nghiên cứu, chúng em nhận thấy có một số phần mềm học tập trực tuyến có thể thúc đẩy phát triển năng lực cá nhân của người học, giúp học sinh có thể học tập mọi lúc, mọi nơi thông qua thiết bị điện tử. Chính vì vậy, từ tháng 9/2023 đến tháng 4/2024, chúng em đã nghiên cứu và tạo ra sản phẩm “Bộ thiết bị dạy học số về khu vực Đông Nam Á” nhằm góp phần nâng cao chất lượng học tập môn Địa lí ở bậc học THCS và THPT.

Để tạo ra bộ thiết bị dạy học số về khu vực Đông Nam Á, nhóm nghiên cứu đã chủ động tìm kiếm, tham khảo sách, báo, tài liệu liên quan để nắm vững kiến thức về văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế về khu vực Đông Nam Á; khai thác tài nguyên học tập trực tuyến để mở rộng hiểu biết. Thành viên nhóm nghiên cứu cũng tích cực tham gia những khóa học trực tuyến về công nghệ giáo dục, thiết kế nội dung số, sử dụng phần mềm, công cụ thiết kế khác để nâng cao kỹ năng. Sau khi có kiến thức, kỹ năng, nhóm nghiên cứu đã sử dụng các phần mềm Canva, Microsoft Powerpoint 365 để thiết kế cấu trúc bản đồ, bảng số liệu, biểu đồ về khu vực Đông Nam Á; dùng các hiệu ứng tương tác trong phần mềm Acticule Storyline để thiết kế bản đồ, bảng số liệu, biểu đồ cũng như trình chiếu, chèn thông tin, hình ảnh, video…

Bộ thiết bị dạy học số về khu vực Đông Nam Á bao gồm hệ thống 6 bản đồ, 3 biểu đồ, 3 bảng số liệu. Trên mỗi bản đồ, biểu đồ, bảng số liệu đều chứa thông tin về đối tượng địa lí cần tìm hiểu. Trong phần bản đồ có các nội dung như: các nước Đông Nam Á, điều kiện tự nhiên, dân cư, nông nghiệp, công nghiệp, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Phần bảng số liệu, biểu đồ có các nội dung như: quy mô, cơ cấu, tỷ lệ gia tăng tự nhiên của dân số khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2000 - 2020; quy mô GDP theo giá hiện hành, tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực Đông Nam Á và thế giới giai đoạn 2000 - 2020; giá trị xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giai đoạn 2010 - 2020… Phần trò chơi tương tác chứa nhiều trò chơi hấp dẫn liên quan đến kiến thức địa lí như: thử tài ghép tranh, vòng quanh đường phố Đông Nam Á… Kho học liệu gồm các tờ gấp, tranh cổ động; video, hình ảnh, phiếu học tập, inforgraphic, các câu hỏi trắc nghiệm về khu vực. Bộ thiết bị gồm các tệp dữ liệu, người dùng có thể tải về máy vi tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh để tìm hiểu, học tập mọi lúc, mọi nơi ngay cả khi không có mạng internet. Bộ thiết bị với các nội dung liên quan đến chương trình Địa lí lớp 7, 8; lớp 10, 11, 12; phần lịch sử lớp 11 khu vực Đông Nam Á, vì vậy rất hữu ích trong việc hỗ trợ học sinh tự học, cùng đó cũng có thể sử dụng trong các hoạt động ngoại khoá, ôn thi học sinh giỏi…

Cô Nguyễn Thu Hằng, giáo viên môn Địa lí, hướng dẫn nhóm nghiên cứu chia sẻ: Quá trình nghiên cứu và thực hiện dự án, học sinh gặp rất khó khăn, việc xử lý và phân tích thông tin từ nhiều nguồn khác nhau có thể gây nhầm lẫn, khiến cho nhóm mất nhiều thời gian xác thực. Chính vì vậy, sau khi hoàn thành, nhóm đã phải dùng thử rất nhiều lần nhằm đảm bảo bộ dụng cụ học tập hoạt động tốt. Cùng đó, chúng tôi cũng nhờ các chuyên gia thẩm định nhằm mang đến những thông tin, dữ liệu chính xác nhất phục vụ dạy và học.

Sau khi thử nghiệm, bộ thiết bị học tập số về khu vực Đông Nam Á đã được nhiều giáo viên môn Địa lí trên địa bàn tỉnh đánh giá cao về tính khoa học, sư phạm, thẩm mỹ cũng như khả năng áp dụng và nhân rộng vào thực tiễn. Tháng 12/2023, khi sản phẩm được nghiên cứu thành công, nhóm đã tham gia Cuộc thi thiết bị dạy học số cấp tỉnh năm 2023 do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức và xuất sắc đạt giải nhất. Từ tháng 12/2023 đến tháng 4/2024, nhóm tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp và mở rộng các tính năng của bộ dụng cụ để tham gia Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lạng Sơn lần thứ 16 năm 2024. Đến nay, bộ thiết bị học tập số về khu vực Đông Nam Á đã được chia sẻ cho một số trường THPT trên địa bàn tỉnh để ứng dụng vào thực tiễn dạy và học.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/bo-thiet-bi-day-hoc-so-ve-khu-vuc-dong-nam-a-gop-phan-nang-cao-hieu-qua-day-va-hoc-mon-dia-li-5026830.html

  • Từ khóa