Nắm bắt nhu cầu ngày càng cao của người dân đối với các sản phẩm đồ ăn vặt, nhóm sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn gồm: Hà Thị Bích Vân, Phùng Thị Hằng, Dương Thị Hiền, Lương Thị Vân, Vũ Hoàng Long dưới sự hướng dẫn của cô giáo Tô Lan Anh - giảng viên môn tiếng Anh đã nghiên cứu và tạo ra sản phẩm khởi nghiệp khô vịt lá mác mật. Sản phẩm đạt giải ba tại Cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2024.
Nhóm khởi nghiệp quảng bá sản phẩm khô vịt lá mác mật
Em Hà Thị Bích Vân, trưởng nhóm khởi nghiệp cho biết: Ý tưởng khởi nghiệp của chúng em xuất phát từ mong muốn tạo ra thêm sản phẩm đặc trưng của tỉnh Lạng Sơn, có thể ăn liền. Từ đó góp phần quảng bá sản phẩm quê hương, giúp người dân tiêu thụ sản phẩm và phát triển kinh tế. Từ tháng 9/2023 chúng em bắt tay vào nghiên cứu, sau hơn một tháng thử nghiệm, đã cho ra được những sản phẩm đầu tiên.
Nguyên liệu để làm khô vịt lá mác mật phải là giống vịt cổ xanh được nuôi tại huyện Tràng Định. Thời gian nuôi vịt cổ xanh kéo dài trên 3 tháng cùng với việc thường xuyên được thả suối khiến thịt vịt không quá béo và cho chất lượng thịt thơm ngon. Cùng đó, lá mác mật là gia vị không thể thiếu để tạo nên khô vịt mang hương vị đặc trưng. Thịt vịt sau khi sơ chế, làm sạch, khử tanh thì tiến hành lọc bỏ da và xương rồi luộc cùng các gia vị gồm: lá mác mật, hành tây, gừng, sả… Khi thịt chín, để nguội rồi tiến hành xé sợi, sau đó tiếp tục ướp với lá mác mật, tiêu, tỏi, ớt, sả, xì dầu, bột canh… để thịt thấm đều gia vị. Sau đó tiến hành cho thịt vịt đã tẩm ướp vào lò, sấy đến khi thịt khô nhưng vẫn giữ được độ mềm dẻo là hoàn thành.
Khô vịt lá mác mật thành phẩm có vị ngọt tự nhiên của thịt, nhờ được tẩm ướp khéo léo với các loại gia vị mà miếng khô vịt có mùi thơm của lá mác mật, sả, ớt.
Hiện sản phẩm khô vịt lá mác mật được bán theo túi với giá 35.000 đồng 50gram và 75.000 đồng 100gram. Mỗi tháng nhóm chế biến khoảng 60 con vịt, doanh thu từ sản phẩm khô vịt lá mác mật và các phụ phẩm khác như nội tạng, chân, xương… đạt khoảng 22 triệu đồng. Trừ các chi phí, mỗi tháng nhóm có thu nhập hơn 9 triệu đồng.
Nhóm khởi nghiệp đã gửi sản phẩm đến Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia (Cầu Giấy, Hà Nội) để kiểm tra các chỉ tiêu hóa lý và vi sinh vật. Kết quả không phát hiện các vi sinh vật gây hại, an toàn cho sức khỏe con người. |
Bên cạnh chế biến sản phẩm, nhóm cũng chú trọng nghiên cứu thiết kế bao bì sản phẩm, mở rộng việc quảng bá và bán sản phẩm trên các mạng xã hội zalo, facebook. Nhờ đó, sản phẩm đã được nhiều người biết đến và ủng hộ.
Cô Tô Lan Anh, hướng dẫn nhóm khởi nghiệp cho biết: Do là sinh viên phần lớn thời gian các em học tập, nghiên cứu trên lớp nên thời gian dành cho dự án khởi nghiệp không nhiều. Trong quá trình triển khai dự án, nhóm cũng gặp nhiều khó khăn do hạn chế về trang thiết bị chế biến, nhất là quá trình sơ chế vịt, lọc da, bỏ xương là những công đoạn khó phải mất rất nhiều thời gian. Thịt vịt tuy ngon nhưng chế biến không khéo sẽ không hết được vị tanh, nhất là khi đây là sản phẩm ăn liền và bảo quản trong thời gian dài. Tuy nhiên, các thành viên đều rất sáng tạo, chủ động đưa ra các giải pháp, phương án để khắc phục. Do đó, đã tạo ra được sản phẩm thơm ngon đặc trưng mang đậm hương vị của Xứ Lạng.
Khô vịt lá mác mật là sản phẩm ăn liền, hoàn toàn không sử dụng chất bảo quản. Trong môi trường nhiệt độ phòng, thời gian bảo quản sản phẩm có thể lên đến 6 tháng, trong ngăn mát hay tủ đông thời gian bảo quản sẽ lâu hơn. Sản phẩm hiện được bán chủ yếu cho học sinh, sinh viên và tại các hội chợ… bước đầu đã có một lượng khách hàng ổn định. Nhóm cũng đã hợp đồng bao tiêu sản phẩm với một số hộ chăn nuôi vịt cổ xanh theo phương pháp truyền thống trên địa bàn huyện Tràng Định nhằm tạo ra sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, hương vị thơm ngon.
Thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục đầu tư máy móc phục vụ quá trình chế biến sản phẩm, đồng thời tích cực huy động vốn, học hỏi thêm về quy trình chế biến, bảo quản để sản phẩm ngày càng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Việc tạo ra sản phẩm ăn liền khô vịt lá mác mật không chỉ góp phần giúp nông dân trên địa bàn tỉnh tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập mà còn phát triển thêm một sản phẩm đặc trưng gắn với tỉnh Lạng Sơn. Tin rằng, thời gian tới nhóm sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.
Theo baolangson.vn