Tuyến phố đi bộ Đồng Đăng: Kỳ vọng về một sản phẩm du lịch hấp dẫn nơi biên giới

Thứ 3, 10.12.2024 | 14:24:38
708 lượt xem

Với mong muốn tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, dự án phố đi bộ Đồng Đăng đã và đang được huyện Cao Lộc tích cực triển khai với mục tiêu xây dựng một sản phẩm du lịch độc đáo. Trong đó, kết hợp hài hòa giữa yếu tố tâm linh của đền mẫu Đồng Đăng, sự sôi động của chợ Đồng Đăng cùng vị trí địa lý thuận lợi hứa hẹn sẽ tạo nên một điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách.

Thị trấn Đồng Đăng nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, là một trong những khu kinh tế cửa khẩu có vai trò quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Đồng Đăng còn là nơi cư trú của 4 dân tộc chính: Kinh, Tày, Nùng, Hoa. Qua đó, tạo cho thị trấn một hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng như: hát then, sli, lượn... và rất nhiều món ăn mang đậm sự giao thoa văn hóa Việt - Trung (đồ nướng, vịt quay, lợn quay)… Ngoài ra, hệ thống di tích trên địa bàn cũng vô cùng phong phú, đa dạng như: Nhà bia Thủy Môn Đình; Pháo đài Đồng Đăng; Cột mốc số 0, Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị; Đền Mẫu Đồng Đăng…

Hứa hẹn điểm đến văn hóa độc đáo

Nhằm khai thác những lợi thế trên để xây dựng sản phẩm du lịch mới, thu hút du khách đến với huyện Cao Lộc, thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế - xã hội trên địa bàn phát triển, ngày 28/10/2022, UBND huyện Cao Lộc đã ban hành Quyết định số 3277/QĐ-UBND phê duyệt Đề án xây dựng tuyến phố đi bộ trên địa bàn thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc.

Theo đó UBND huyện lựa chọn 2 tuyến đường chính và 3 tuyến đường ngõ trên địa bàn thị trấn Đồng Đăng xây dựng tuyến phố đi bộ gồm: tuyến đường phố Hoàng Văn Thụ; tuyến đường phố Nam Quan; ngõ 1 và ngõ 5 đường Hoàng Văn Thụ; ngõ 6 phố Nam Quan. Khu vực đề xuất xây dựng Phố đi bộ Đồng Đăng có tổng chiều dài tuyến đường là: 1.442 m.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc cho biết: Để tuyến phố đi vào hoạt động và vận hành hiệu quả, thời gian qua, UBND huyện đã quan tâm đầu tư kinh phí để chỉnh trang lòng đường, vỉa hè và đang tiếp tục đầu tư các hạng mục cơ bản khác như cổng chào, trang trí đường điện chiếu sáng... Đặc biệt,UBND  huyện đã thành lập Ban Quản lý phố đi bộ, đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan và UBND các xã, thị trấn tuyên truyền đến Nhân dân trên địa bàn về chủ trương, mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng phố đi bộ, hoạt động của phố đi bộ. Huyện dự kiến khai trương Phố đi bộ vào dịp Lễ hội Đền Mẫu Đồng Đăng xuân Ất Tỵ 2025. Do đó, từ ngày 20/11/2024, người dân trên địa bàn huyện có thể đến UBND thị trấn Đồng Đăng đăng ký bán hàng trên phố đi bộ.

Hiện nay, các cơ quan chức năng huyện Cao Lộc và UBND thị trấn Đồng Đăng đã vận động hơn 100 hộ kinh doanh chuyển đổi sang kinh doanh các mặt hàng phục vụ du lịch như: giải khát, đồ ăn nhanh, ẩm thực, sản vật đặc trưng của địa phương, đồ lưu niệm, thủ công mỹ nghệ… Đồng thời, tích cực kết nối, liên kết với các công ty du lịch, lữ hành xây dựng tour, tuyến du lịch tạo sức hút với du khách, kéo dài thời gian lưu trú, mang lại cơ hội và động lực phát triển du lịch cho huyện.

Theo đó, để tạo sự đồng thuận trong Nhân dân trên địa bàn, công tác tuyên truyền, vận động được các cấp, ngành trên địa bàn huyện đẩy mạnh. Bà Phương Thanh Loan, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Đăng cho biết: Ngay sau khi có kế hoạch cụ thể triển khai xây dựng tuyến phố đi bộ thị trấn Đồng Đăng, chính quyền thị trấn cùng các tổ chức chính trị xã hội và người dân địa phương đã bắt tay ngay vào thực hiện các phần việc cụ thể như: phối hợp tuyên truyền về nội dung và ý nghĩa của việc tổ chức tuyến phố đi bộ Đồng Đăng. Thông báo thường xuyên, liên tục tại các cuộc họp khu dân cư. Tổ chức buổi làm việc với các hộ dân sinh sống trên tuyến đường xây dựng phố đi bộ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân tiếp tục cùng vào cuộc và tích cực đồng tình, ủng hộ cao cho hoạt động phố đi bộ lần này...

Thời gian qua, việc xây dựng phố đi bộ Đồng Đăng nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực từ người dân sinh sống trên địa bàn. Được biết, khu Nam Quan hiện có 389 hộ dân, trong đó có khoảng gần 150 hộ trong khu vực tuyến phố đi bộ Đồng Đăng, đến nay đã có 50% số hộ dân trong tuyến phố đi bộ đăng ký kinh doanh các mặt hàng kinh doanh. Bà Nông Kim Liên, khu Nam Quan, thị trấn Đồng Đăng cho biết: Từ ngày nghe tin có phố đi bộ, cả khu chúng tôi ai cũng háo hức. Bao nhiêu năm buôn bán ở đây, cũng mong có một không gian thật đẹp, thu hút nhiều khách du lịch đến với khu Nam Quan hơn. Hiện nay, gia đình tôi đang kinh doanh mặt hàng nước giải khát, vừa qua chúng tôi đã đăng ký tham gia kinh doanh tại phố đi bộ cũng với mặt hàng này. Tôi mong rằng phố đi bộ sẽ giúp cho việc kinh doanh của gia đình tôi và mọi người được thuận lợi hơn.

Hiện nay thị trấn Đồng Đăng đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện để kịp hoàn thành mọi công việc theo kế hoạch đề ra. Cụ thể, thị trấn đang tổ chức lao động vệ sinh, dọn dẹp khuôn viên tổ chức các hoạt động và các tuyến đường để đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh khu vực nơi tổ chức tuyến phố đi bộ. Đến nay, một số hạng mục công trình của phố đi bộ đã được các đơn vị liên quan trên địa bàn huyện hoàn thiện như: mặt đường, lát vỉa hè và một số hạng mục sân khấu, cổng chào…

Ngoài phố đi bộ Đồng Đăng, trên địa bàn tỉnh hiện đã có 2 tuyến phố đi bộ gồm: Phố đi bộ Kỳ Lừa (thành phố Lạng Sơn), phố đi bộ Đình Lập (huyện Đình Lập). Các tuyến phố đi bộ nói trên đã tạo ra không gian vui chơi thư giãn cho cộng đồng và du khách, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao giá trị văn hóa du lịch. Do đó, việc triển khai phố đi bộ Đồng Đăng sẽ là sản phẩm du lịch độc đáo, riêng biệt, trở thành sản phẩm bổ trợ cho các phố đi bộ khác trên địa bàn tỉnh.

Công nhân đang thi công làm đường tại tuyến đường Nam quan, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc

Khơi dậy tiềm năng du lịch từ giá trị riêng biệt

Bà Hoàng Thị Phương Huệ, Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Cao Lộc cho biết: Việc xây dựng tuyến phố đi bộ của huyện được tiến hành trên cơ sở bảo tồn giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể kết hợp với phát triển du lịch, thương mại dịch vụ tạo nét đẹp về văn hóa và văn minh đô thị đặc trưng của miền núi phía Đông Bắc, điểm nhấn là “Không gian văn hóa tâm linh” với đa dạng các hoạt động trải nghiệm văn hóa tâm linh gắn kết với di tích thờ đạo Mẫu Việt Nam. Theo tính toán của đề án, các tuyến phố đi bộ sẽ thu hút khoảng 2.000 lượt khách/ngày (trong thời gian thí điểm), đón khoảng 4.000-5000 lượt khách/ ngày (trong thời gian cao điểm của mùa lễ hội).

Điểm nhấn của tuyến phố đi bộ Đồng Đăng đó là nơi đây sẽ trở thành trung tâm quảng bá văn hóa du lịch tâm linh tín ngưỡng của huyện, vì trong tuyến phố Hoàng Văn Thụ có đền mẫu Đồng Đăng - Điểm du lịch tâm linh của tỉnh (đây cũng là điểm du lịch tiêu biểu nằm trong tuyến du lịch Công viên địa chất toàn cầu UNESSCO Lạng Sơn) thu hút rất đông khách. Với đặc trưng “Không gian văn hóa tâm linh” huyện Cao Lộc có hướng thiết kế trang trí tuyến đường Hoàng Văn Thụ dài 230m trở thành tuyến phố trải nghiệm văn hóa tâm linh thờ đạo Mẫu Việt Nam với 18 cổng trang trí. Huyện cũng dự kiến sẽ trang trí các bức tranh 36 vị thánh của Đạo Mẫu và giới thiệu về các điểm đến trong vùng Công viên địa chất. Đến với phố đi bộ, người dân và du khách cũng được tham gia vào nghi lễ chầu văn trong đạo Mẫu (hay còn gọi là hầu đồng).

Trong phố đi bộ còn có chợ Đồng Đăng - điểm đến du lịch mua sắm quen thuộc của du khách và dân cư địa bàn. Tuyến đường ở trung tâm thị trấn nên dễ dàng kết nối tour du lịch đến các điểm tham quan lân cận như: Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Ga quốc tế Đồng Đăng, trung tâm thương mại Đồng Đăng, nhà bia Thủy Môn Đình …         

Theo đề án khi tuyến phố được chính thức đi vào hoạt động, sẽ có từ 20 - 40 sự kiện văn hóa, các hoạt động giao lưu, lễ hội quảng bá, thu hút du khách và cộng đồng dân cư địa phương (trung bình 2 tuần/1 sự kiện chuyên đề, lễ hội) được diễn ra. Các hoạt động của tuyến phố đi bộ sẽ bao gồm: ẩm thực, mua sắm, biểu diễn văn hóa với rất nhiều sản phẩm văn hoá mang đậm bản sắc của Xứ Lạng như: hát then, hát sli, lượn, múa sư tử mèo…

Việc tổ chức phố đi bộ từ 18 - 24 giờ vào các ngày thứ 7, chủ nhật hằng tuần sẽ giúp các công ty du lịch, lữ hành có thêm lựa chọn thu hút khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú cho du khách khi đến thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc. Du khách ở lại sẽ chi tiêu nhiều hơn, mang lại cơ hội và động lực phát triển du lịch huyện. Chị Nguyễn Thị Nga, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Trước đây tôi cũng có dịp đến Đồng Đăng vài lần, chủ yếu là đi thăm quan đền Mẫu Đồng Đăng và các khu chợ biên giới, còn về du lịch thì chưa có nhiều điểm nhấn. Vừa qua nghe tin có phố đi bộ, tôi nghĩ Đồng Đăng sẽ trở nên hấp dẫn hơn nhiều. Tôi cũng nghe nói phố đi bộ sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, chắc chắn sẽ rất vui. Cứ nghĩ đến cảnh được dạo quanh phố vào buổi tối cuối tuần, thưởng thức ẩm thực địa phương, mua sắm đồ lưu niệm trong một không gian mới lạ, tôi lại thấy thích thú. Mong là sẽ được sớm trải nghiệm các hoạt động độc đáo tại đây.

Với sự đầu tư đúng mức và sự chung tay của cộng đồng, tin tưởng rằng phố đi bộ Đồng Đăng hứa hẹn sẽ trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, góp phần đưa du lịch Lạng Sơn nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung đến gần hơn với bạn bè quốc tế.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/tuyen-pho-di-bo-dong-dang-ky-vong-ve-mot-san-pham-du-lich-hap-dan-noi-bien-gioi-5029970.html

  • Từ khóa