Tràng Định: Các cơ sở làm bánh truyền thống tất bật sản xuất phục vụ thị trường tết

Thứ 6, 27.12.2024 | 08:58:39
359 lượt xem

Huyện Tràng Định từ lâu đã nổi tiếng với các loại bánh truyền thống như: bánh khảo, bánh phồng, khẩu sli, bánh chưng… Đây đều là các món bánh truyền thống không thể thiếu trong dịp tết của người dân Xứ Lạng. Thời điểm này, nhiều cơ sở làm bánh truyền thống trên địa bàn huyện đang tất bật sản xuất phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Ông Đàm Văn Học, khu 4, thị trấn Thất Khê tất bật phơi bánh phồng chuẩn bị cho thị trường tết

Những ngày cuối năm, có dịp đến huyện Tràng Định, chúng tôi cảm nhận được không khí hối hả của người dân thực hiện các công đoạn làm bánh, phơi bánh... Lượng hàng hóa tăng cao vào dịp tết không chỉ đem lại niềm vui cho các chủ cơ sở sản xuất (CSSX) bánh truyền thống mà còn giúp nhiều lao động địa phương có nguồn thu nhập ổn định.

Là một trong những gia đình sản xuất bánh phồng lâu năm, ông Đàm Văn Học, khu 4, thị trấn Thất Khê cho biết: Bánh phồng là một trong những món bánh truyền thống có từ lâu đời của người dân huyện Tràng Định. Hằng năm, cứ đến tháng 10 âm lịch, gia đình tôi lại chuẩn bị các nguyên liệu để làm bánh phục vụ thị trường tết. Từ 3 giờ sáng hằng ngày, gia đình tôi đã huy động 4 nhân lực để chuẩn bị giã bánh. Trung bình mỗi ngày, gia đình tôi làm được khoảng 30 kg gạo. Trong vòng 3 tháng (tháng 10, 11, 12), gia đình sản xuất được khoảng 1 đến 1,5 tấn bánh phồng khô (chưa chao), thu nhập đem lại khoảng 60 triệu đồng. Hiện nay, sản phẩm làm ra đến đâu đều tiêu thụ hết đến đó, thị trường tiêu thụ không chỉ trong huyện mà còn mở rộng ra các huyện khác trong tỉnh và một số tỉnh, thành như: Hà Nội, Bắc Giang…

Tương tự như gia đình ông Học, thời điểm này, CSSX bánh nướng, bánh khảo Nông Tuyết tại thôn Khuổi Sao, xã Chi Lăng cũng đang tất bật sản xuất. Bà Nông Thị Tuyết, chủ cơ sở cho biết: Bánh khảo là loại bánh không thể thiếu trong dịp tết cổ truyền của nhiều người dân. Gia đình tôi có truyền thống làm bánh khảo từ lâu đời nhưng khoảng 15 năm trở lại đây, gia đình tôi mới phát triển làm thương phẩm. Hiện, chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, gia đình tôi đang tích cực sản xuất. Từ tháng 10 âm lịch, đã có khách hàng bắt đầu đặt hàng bánh khảo.  Trung bình một ngày, gia đình tôi xuất bán ra thị trường khoảng 100 túi bánh khảo, với giá từ 50.000 – 100.000 đồng/túi (tùy loại nhân). Dự kiến, từ ngày 10/12 âm lịch đến 26/12 âm lịch, gia đình tôi sẽ tăng lượng sản xuất lên gấp 3 lần so với trước đây; đồng thời, tạo việc làm thời vụ cho 15 – 20 lao động địa phương với thu nhập từ 200.000 – 300.000 đồng/ người/ ngày.

Không chỉ CSSX của gia đình ông Học hay  bà Tuyết, hiện nay, các cơ sở làm bánh truyền thống trên địa bàn huyện Tràng Định cũng đang “tăng tốc” sản xuất để cung cấp hàng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Toàn huyện hiện có khoảng 50 cơ sở, hộ gia đình sản xuất các loại bánh truyền thống phục vụ tết như: bánh phồng, khẩu sli, bánh khảo, bánh chưng, kẹo lạc... tập trung chủ yếu tại thị trấn Thất Khê, xã Chi Lăng, xã Đề Thám. Đây cũng là huyện có số lượng cơ sở làm bánh truyền thống theo hướng hàng hóa nhiều nhất trên toàn tỉnh. Những năm qua, từ nghề làm bánh truyền thống đã đem lại thu nhập ổn định cho các hộ từ 60 đến hơn 200 triệu đồng/hộ/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán không còn nhiều, lượng khách đặt hàng cũng tăng gấp 2 đến 3 lần so với ngày thường. Do đó, bên cạnh việc tăng công suất sản xuất, để tạo dựng uy tín với khách hàng, các cơ sở đều lựa chọn nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, chú trọng đến các khâu sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, nhiều cơ sở còn đầu tư máy móc hiện đại, thiết kế bao bì, mẫu mã đẹp mắt để thu hút khách hàng cũng như đáp ứng được nhu cầu biếu, tặng của khách hàng trong dịp tết.

Chị Nguyễn Thị Vân Quỳnh, thôn Sơn Đông, xã Yên Vượng, huyện Hữu Lũng cho biết: Năm nào cũng vậy, cứ gần đến Tết Nguyên đán, gia đình tôi lại đặt mua bánh khảo và khẩu sli Tràng Định để ăn, đãi khách và làm quà biếu cho người thân. Tôi thấy các loại bánh được sản xuất tại huyện Tràng Định ăn rất ngon, vị ngọt nhẹ không quá gắt, khi mua về ăn ai cũng khen.

Ông Nguyễn Như Bình, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tràng Định cho biết: Nghề sản xuất bánh khảo, bánh phồng, khẩu sli... đã có từ lâu đời trên địa bàn huyện. Vào dịp tết, các hộ sản xuất đều tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh cũng như của các tỉnh, thành lân cận. Hiện nay, đang bước vào đợt cao điểm sản xuất, phòng đã và đang phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, rà soát, kiểm tra về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm trước khi cung cấp ra thị trường. Trong thời gian tới, phòng sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn tạo điều kiện để các cơ sở phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu sản phẩm, qua đó vừa góp phần phát triển nghề truyền thống, vừa tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Dịp Tết Nguyên đán được coi là “mùa vụ” quan trọng nhất trong năm đối với các CSSX bánh truyền thống của huyện Tràng Định nói riêng và của toàn tỉnh nói chung. Các loại bánh truyền thống tuy mộc mạc, giản dị nhưng chứa đựng nhiều nét văn hóa ẩm thực độc đáo của người dân Xứ Lạng, đặc biệt là vào mỗi dịp tết đến, xuân về. Chính vì vậy, việc phát triển các CSSX bánh truyền thống không chỉ góp phần tạo sinh kế cho người dân mà còn góp phần quan trọng vào việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc.


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/trang-dinh-cac-co-so-lam-banh-truyen-thong-tat-bat-san-xuat-phuc-vu-thi-truong-tet-5033007.html

  • Từ khóa