Phòng bệnh truyền nhiễm trong trường học: Tăng giám sát, tiêm đủ vắc xin

Thứ 4, 08.01.2025 | 08:53:00
322 lượt xem

Trường học là nơi tập trung đông người nên rất dễ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: cúm, tiêu chảy, sốt xuất huyết, tay chân miệng... Những năm qua, các ngành liên quan đã chủ động phối hợp với các trường học trên địa bàn triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm, đảm bảo sức khoẻ cho học sinh và các hoạt động giáo dục.

Học sinh Trường Tiểu học Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn được tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu, uốn ván

Hiện nay, toàn tỉnh có 649 trường học với hơn 220.000 giáo viên, học sinh, chiếm gần 30% dân số của tỉnh. Vì thế, công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm trong trường học luôn được ngành y tế đặc biệt quan tâm. Để ngăn chặn bệnh truyền nhiễm trong trường học, hằng năm, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp thực hiện tốt công tác y tế trường học (YTTH). Trong đó, chú trọng tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cũng như giám sát hoạt động của đội ngũ nhân viên YTTH; tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên; triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, nâng cao sức khoẻ, sức đề kháng cho học sinh, sinh viên và cung cấp vật tư hóa chất khử khuẩn, xử lý khi có dịch bệnh xảy ra.

Được biết, toàn tỉnh hiện có 212 cán bộ làm công tác YTTH từ tỉnh đến xã; hơn 500 nhân viên YTTH. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các trung tâm y tế huyện, thành phố tổ chức tập huấn cho cán bộ phụ trách YTTH  tuyến xã, nhân viên YTTH trên địa bàn. Bình quân mỗi năm, các đơn vị tổ chức được hơn 20 lớp tập huấn cho trên 1.000 lượt người tham gia.

Công tác YTTH được quan tâm, các trường học trên địa bàn đều có phòng y tế được trang bị đầy đủ danh mục thuốc, vật tư y tế theo quy định. Các trường học được trạm y tế cung cấp thuốc sát khuẩn CloraminB và hướng dẫn cách pha, lau rửa sàn nhà, bàn ghế, phản nằm ở các lớp học. Các nhân viên YTTH còn được tập huấn về cách nhận biết, cách phòng và cách ly trẻ bị bệnh, cách xử trí ban đầu và hướng dẫn phụ huynh xử trí những trường hợp trẻ bị nhiễm bệnh, tránh lây lan ra các trẻ khác.

Cô Hoàng Kim Cảnh, nhân viên y tế Trường Tiểu học xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng cho biết: Để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, nhà trường thường xuyên thực hiện tốt công tác vệ sinh trường lớp, phun khử khuẩn đầu năm học mới, trang bị đầy đủ dụng cụ y tế, danh mục thuốc thiết yếu. Hằng năm, nhà trường phối hợp với Trạm Y tế xã tổ chức khám sức khỏe, tẩy giun định kỳ để đảm bảo sức khỏe của học sinh. Mặt khác, giáo viên các lớp thường xuyên giám sát, phát hiện kịp thời những trường hợp có biểu hiện bệnh để đưa lên phòng y tế xử lý, không để bệnh lây lan. Mỗi năm, có trung bình khoảng 200 lượt học sinh được chăm sóc ban đầu khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe.

Việc truyền thông giáo dục sức khoẻ được các trường học tổ chức lồng ghép các cuộc họp hội đồng, hoạt động ngoài giờ lên lớp; tích hợp vào các môn học... Bình quân mỗi năm, các trường học tổ chức được trên 16.000 lượt tuyên truyền cho trên 980.000 lượt cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh, học sinh. Qua đó, giúp cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh nhận thức và biết cách phòng, tránh dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe, nâng miễn dịch cho học sinh.

Chị Nông Thu Lan, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Cuối tháng 11/2024, cô giáo gọi điện thông báo con tôi bị ho, sốt, nghi cháu bị cảm cúm nên tôi đã đến phòng y tế của trường đón cháu về để chăm sóc, điều trị tại nhà, tránh lây cho các bạn khác cùng lớp. Tại đây, tôi còn được nhân viên y tế của trường hướng dẫn cách điều trị, chăm sóc cho con tôi tại nhà để cháu sớm khỏi bệnh, không ảnh hưởng đến việc học.

Bác sĩ Dương Anh Dũng, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Để phòng tránh bệnh truyền nhiễm, cùng với tăng cường giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các ca bệnh, tuyên truyền vận động phụ huynh đưa con đi tiêm chủng đúng lịch, đủ liều, trong năm 2024, chúng tôi đã phối hợp rà soát số lượng trẻ 7 tuổi ở các trường học chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu, uốn ván để tiêm vét, tiêm bù cho trẻ.

Trong năm 2024, các trạm y tế xã, phường, thị trấn đã phối hợp với các trường học trên địa bàn rà soát, tiêm bù tiêm vét vắc-xin phòng bệnh bạch hầu, uốn ván cho trẻ 7 tuổi để nâng cao khả năng miễn dịch cho học sinh tại các trường học. Qua rà soát, toàn tỉnh có khoảng 13.800 trẻ em 7 tuổi cần được tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu, uốn ván. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có trên 13.000 trẻ đã được tiêm, đạt tỷ lệ 95%.

Với sự chủ động và tích cực trên, việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh trên địa bàn được quản lý tốt, không để phát sinh, bùng phát thành dịch, góp phần bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Trong năm 2024, tình hình bệnh truyền nhiễm trên địa bàn 11 huyện, thành phố chủ yếu phân bố rải rác, không có yếu tố dịch tễ gây dịch hay ổ dịch. Một số bệnh truyền nhiễm có số ca mắc giảm mạnh so với năm 2023 như: sốt xuất huyết 11 ca, giảm 179 ca; tay chân miệng 51 ca, giảm 124 ca; bệnh đau mắt đỏ do vi-rút Adeno 58 ca, giảm 219 ca…


Theo baolangson.vn

https://baolangson.vn/ngan-benh-truyen-nhiem-trong-truong-hoc-tang-giam-sat-nang-mien-dich-5034198.html

  • Từ khóa