Ngôi vị số 1 của Ford Ranger ở phân khúc bán tải ngày càng được củng cố, khi mà doanh số của tất cả các đối thủ cộng lại cũng chưa bằng số lẻ của mẫu xe này. Các vị trí dưới Ranger không có xáo trộn.
Kết thúc tháng 10, mẫu xe bán tải đến từ Mỹ, cũng là sản phẩm duy nhất trong phân khúc được lắp ráp trong nước, đạt doanh số 1.475 chiếc, tăng hơn 100 chiếc so với tháng 9.
Tại thị trường Việt Nam, Ranger hội đủ yếu tố để có được vị trí thống lĩnh này, khi vừa sở hữu hình thức bắt mắt, vừa có giá bán dễ chịu, nhiều lựa chọn cho người mua, lại đang được ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ. Hiện Ford Ranger có tới 7 phiên bản, với giá bán từ 659 triệu đến 1,299 tỷ đồng (bản Raptor).
Ở vị trí thứ 2 là Mitsubishi Triton, ghi nhận doanh số tăng gấp hơn 2 lần so với tháng 9, đạt 454 chiếc, nhưng vẫn chưa đủ để áp sát Ranger.
Kế đến lần lượt là Mazda BT-50, Isuzu D-Max và Toyota Hilux; tất cả đều có doanh số dưới 100 xe. Riêng trường hợp Hilux thậm chí chưa bán nổi 20 chiếc, cũng là mẫu xe duy nhất ở phân khúc bán tải có doanh số giảm trong tháng 10. Lý do là Hilux đang chuẩn bị có phiên bản mới.
Không chỉ thống trị phân khúc của mình, Ranger còn là mẫu xe bán tải duy nhất lọt vào danh sách 10 xe bán chạy nhất toàn thị trường Việt Nam trong nhiều tháng (Ảnh: Ford Việt Nam).
Khép lại 10 tháng, doanh số của Ford Ranger đạt 12.710 chiếc, dẫn đầu phân khúc xe bán tải với khoảng cách rất xa so với các vị trí còn lại, khiến cuộc chơi có phần "đơn điệu".
Đứng thứ 2 vẫn là Mitsubishi Triton, với doanh số 10 tháng đạt 2.020 chiếc, chưa bằng số lẻ hàng nghìn của Ranger.
Các vị trí còn lại không có gì thay đổi, lần lượt là Mazda BT-50, Isuzu D-Max và Toyota Hilux; tất cả đều có doanh số dưới 1.000 chiếc.
Tới đây, sự ra mắt của Toyota Hilux 2024 được kỳ vọng sẽ giúp mẫu xe này thoát vị trí đội sổ, khi có giá dự kiến rẻ hơn tới cả trăm triệu đồng so với bản hiện tại (852 triệu đồng), về sát mặt bằng chung.
Phân khúc bán tải ở Việt Nam còn mẫu Nissan Navara nhưng không được công bố doanh số nên không xuất hiện trong thống kê hàng tháng.