Khác với thông tin từng được phía đại lý chia sẻ vào năm 2023, Subaru Crosstrek khi về Việt Nam sẽ khó có giá dưới 1 tỷ đồng, dù nằm cùng cỡ với Mitsubishi Xforce hay Hyundai Creta.
Fanpage Subaru Asia - trang chính thức của Subaru châu Á - mới đây đăng tải hình ảnh la-zăng của một SUV kèm lời nhắn "sắp ra mắt". Giới chuyên gia nhận định, chi tiết này là bộ phận của Subaru Crosstrek, mẫu B-SUV từng được giới tư vấn hé lộ ở năm 2023.
Phía đại lý đã rục rịch chào khách đặt cọc mẫu xe này. Có tư vấn bán hàng chia sẻ, Subaru Crosstrek có thể sẽ được ra mắt Việt Nam vào tháng 10. Giá xe dự kiến vào khoảng 1,1 tỷ đồng, do được nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản.
Trong khi đó ở năm 2023, giới tư vấn bán hàng từng hé lộ Crosstrek sẽ được nhập khẩu từ Thái Lan và có giá dự kiến trong khoảng 700-800 triệu đồng. Thay đổi này xuất phát từ việc Tập đoàn Subaru quyết định đóng cửa nhà máy lắp ráp tại xứ sở chùa Vàng vào cuối năm nay.
Dù định vị ở phân khúc SUV cỡ B nhưng kích thước thực tế của Subaru Crosstrek thậm chí còn nhỉnh hơn một chút so với Toyota Corolla Cross, với chiều dài, chiều rộng và chiều cao lần lượt là 4.480mm, 1.800mm và 1.580mm (Ảnh: Subaru).
Thực tế, Subaru Crosstrek từng được phân phối tại Việt Nam dưới tên gọi XV. Xe cũng được nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản và có giá bán lên tới 1,5 tỷ đồng, đắt ngang một số mẫu xe sang, khó thu hút khách Việt.
Nếu áp dụng "bài học" này lên Crosstrek, mẫu xe này cũng sẽ khó cạnh tranh dù nằm ở phân khúc SUV cỡ B, nhóm xe đang nhận được nhiều sự quan tâm của khách Việt.
Mức giá dự kiến 1,1 tỷ đồng tuy thấp hơn giá bán XV nhưng vẫn cao hơn một số mẫu C-SUV như Mazda CX-5 (749-979 triệu đồng) hay Hyundai Tucson (769-919 triệu đồng) và thậm chí đã ngang bản tiêu chuẩn của một mẫu SUV cỡ D như Ford Everest (từ 1,109 tỷ đồng).
Subaru Crosstrek có chiều dài cơ sở lên tới 2.670mm, lớn hơn các đối thủ cùng phân khúc như Hyundai Creta hay Honda HR-V (đều là 2.610mm) (Ảnh: Subaru).
Cấu hình của Subaru Crosstrek dành cho Việt Nam vẫn là một ẩn số. Tham khảo thị trường quốc tế, xe có điểm mạnh là khối động cơ 2.0L, hút khí tự nhiên, kết hợp với hộp số tự động vô cấp và hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian, sản sinh 154 mã lực và 196Nm.
Trong khi đó, các đối thủ của Crosstrek như Mitsubishi Xforce hay Hyundai Creta chỉ sử dụng động cơ 1.5L, hút khí tự nhiên, có công suất dao động trong khoảng 103-115 mã lực.
Một số mẫu xe được trang bị máy 1.5L tăng áp như Honda HR-V hay Lynk & Co 06 vẫn có thông số ấn tượng hơn Crosstrek (trên 170 mã lực). Tuy nhiên, mẫu xe Nhật có lợi thế là hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian, hứa hẹn đem lại khả năng off-road tốt; các đối thủ đều sử dụng hệ dẫn động cầu trước.
Nội thất của Subaru Crosstrek có thiết kế khá giống mẫu Outback. Màn hình giải trí trung tâm có kích thước lên tới 11,6 inch, nhưng cụm đồng hồ sau vô-lăng chưa phải kỹ thuật số toàn phần (Ảnh: Subaru).
Nhìn vào các sản phẩm đang được kinh doanh bởi Subaru Việt Nam, có thể kỳ vọng Crosstrek khi về nước cũng sẽ được trang bị gói công nghệ EyeSight với nhiều tính năng an toàn hấp dẫn.
Hệ thống an toàn chủ động đang dần trở thành một trang bị bắt buộc ở phân khúc B-SUV, khi phần đông các mẫu xe đều có các tính năng hỗ trợ người lái. Như Creta có gói Hyundai SmartSense, HR-V có Honda Sensing, Yaris Cross có Toyota Safety Sense hay Xforce có Mitsubishi Motors Safety Sensing.
Theo dantri.com.vn