Các đồng chí: Chuẩn đô đốc Nguyễn Phong Cảnh, Chính ủy Vùng 2 Hải quân và Đại tá Phùng Kim Lân, Phó tổng biên tập Báo QĐND đồng chủ trì tọa đàm. Tham dự tọa đàm có hơn 350 đại biểu, đại diện lãnh đạo các đơn vị LLVT; chính quyền địa phương, sở, ngành các tỉnh, thành phố ven biển phía Nam; đại diện ngư dân và cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân.
 

Hoạt động phối hợp ngày càng toàn diện, hiệu quả

Phát biểu đề dẫn, Chuẩn đô đốc Nguyễn Phong Cảnh nêu bật mục đích, ý nghĩa buổi tọa đàm, nhằm trao đổi những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác phối hợp giữa các lực lượng cùng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo; đồng thời đề xuất những nội dung cần tăng cường triển khai trong thời gian tới. Chuẩn đô đốc Nguyễn Phong Cảnh nhấn mạnh: Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, biển, đảo Việt Nam nói chung và khu vực phía Nam nói riêng có vai trò đặc biệt quan trọng, làm tăng chiều sâu phòng thủ đất nước ra hướng biển. Vì vậy, chúng ta cần tăng cường hơn nữa những khả năng quản lý, làm chủ biển, đảo, làm động lực thúc đẩy các vùng khác trong đất liền phát triển. Chúng ta phải có quyết tâm cao, tập trung huy động mọi tiềm năng và lợi thế của biển, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng và an ninh (QPAN) trên biển, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và ngư dân các địa phương yên tâm làm ăn trên các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đây là trách nhiệm chung, cần sự phối hợp chặt chẽ và ngày càng hiệu quả giữa các đơn vị LLVT, lực lượng chức năng các địa phương và cả hệ thống chính trị...
 

Các đại biểu dự tọa đàm tham quan một số hình ảnh hoạt động của đơn vị. Ảnh: XUÂN CƯỜNG


Phát biểu tham luận, Đại tá Lê Văn Thu, Chủ nhiệm Chính trị Vùng Cảnh sát biển 3, chia sẻ kinh nghiệm về hiệu quả hoạt động ký kết, phối hợp giữa các lực lượng. Đại tá Lê Văn Thu nhấn mạnh: "BTL Vùng Cảnh sát biển 3 đã tổ chức ký kết quy chế phối hợp với 40 cơ quan chức năng trên địa bàn các tỉnh duyên hải; phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch tuyên truyền biển, đảo; phổ biến, giáo dục cho cán bộ, nhân dân địa phương… Phạm vi hoạt động phối hợp không chỉ bó hẹp khi có vụ việc xảy ra mà cần mở rộng phối hợp cả trong hỗ trợ nâng cao năng lực công tác và giao lưu, gặp gỡ, hội thảo... Chúng tôi xác định, phối hợp phải đa dạng, luôn giữ vững tư tưởng chỉ đạo, phương châm, nguyên tắc, yêu cầu phối hợp; không ngừng nâng cao khả năng dự báo những tình huống chiến lược, chiến thuật để đưa ra chủ trương, đối sách, biện pháp phù hợp với đặc điểm thực tiễn hoạt động trên biển và sự phát triển nhiệm vụ của các lực lượng"...
 

Đại tá Ngô Trí Hà, Phó Tham mưu trưởng Vùng 2 Hải quân phân tích làm rõ thêm tính đa dạng trong nội dung, hình thức phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đại tá Ngô Trí Hà nói: "Không chỉ phối hợp với đơn vị LLVT, chúng tôi còn phối hợp với cấp ủy, chính quyền, ban tuyên giáo, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), doanh nghiệp… các địa phương để cùng thực hiện nhiệm vụ trên biển. Nội dung phối hợp tập trung vào một số vấn đề chủ yếu, như: Công tác trao đổi, xử lý thông tin; huy động nhân lực, tàu thuyền dân sự trong diễn tập; phối hợp huấn luyện dân quân tự vệ biển với tự vệ các công ty, doanh nghiệp; phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển; tuyên truyền cho ngư dân không đánh bắt hải sản trái phép… Khi có nhiệm vụ đột xuất thì các cơ quan, đơn vị phải kịp thời thông tin cho nhau, thống nhất nhận định, đánh giá, xử lý thông tin, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp xử lý phù hợp".
 

Theo đó, thời gian qua, BTL Vùng 2 Hải quân đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển, xử lý kịp thời các tình huống xảy ra. Hình thức phối hợp cũng rất phong phú, phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ của từng đơn vị bảo vệ ven bờ, duy trì an ninh và bảo vệ tầm xa, huy động được lực lượng, phương tiện để xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống... Từ năm 2010, BTL Vùng 2 Hải quân đã chủ động phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố ven biển Nam Bộ ký kết văn bản hiệp đồng về huy động tàu, thuyền dân sự tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Nhờ vậy, các cuộc diễn tập trên biển của BTL Vùng 2 Hải quân tổ chức thành công đều có sự huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia. 
 

Ứng dụng công nghệ, đa dạng hình thức tuyên truyền, giáo dục

Không khí cuộc tọa đàm trở nên sôi nổi khi Thượng tá Nguyễn Trìu Mến, Phó chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Sóc Trăng chia sẻ kinh nghiệm về công tuyên truyền cho ngư dân chấp hành nghiêm pháp luật trên biển. Với phạm vi 72km bờ biển, đông ngư dân hành nghề đánh bắt hải sản, BĐBP Sóc Trăng đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân thông qua các bến bãi tự quản, tổ hợp tác khai thác thủy sản và bến bãi an toàn, tổ tự quản ANTT… Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp tuyên truyền trên đài truyền thanh các huyện, thị xã; tổ chức biên soạn tài liệu tuyên truyền, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức, kết hợp sử dụng hệ thống loa phát thanh và các máy thông tin liên lạc đường xa, quy định các tần số hoặc điện thoại trực tiếp đến các chủ phương tiện, thuyền trưởng... “Chúng tôi đã tham mưu giúp chính quyền địa phương chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp thành lập và duy trì có nền nếp Câu lạc bộ Tư vấn pháp luật ở các xã, phường, thị trấn trên khu vực biên giới biển, kịp thời hỗ trợ, tư vấn pháp lý cho ngư dân khi có yêu cầu. Phương pháp tuyên truyền này vừa sát với nhu cầu tiếp nhận thông tin của ngư dân, vừa thuận tiện nắm bắt tình hình địa bàn dân cư để chủ động ứng phó kịp thời với các tình huống trên biển”, Thượng tá Nguyễn Trìu Mến nhấn mạnh.
 

Các đại biểu gặp gỡ, trao đổi tại tọa đàm.


Phát biểu của Thượng tá Nguyễn Trìu Mến tại tọa đàm cũng chính là thực tế sinh động chúng tôi ghi nhận khi đến tác nghiệp ở nhiều địa bàn ven biển. Những cách làm hiệu quả ở các đơn vị biên phòng, hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư... cho thấy, không chỉ lựa chọn thời điểm tuyên truyền thích hợp, thông qua hệ thống loa phát thanh, cán bộ, chiến sĩ còn đến tận nhà, xuống tận tàu để phát tờ rơi, giải thích tỉ mỉ các khoản mục, những điều cấm trong quá trình đánh bắt hải sản ở khu vực giáp ranh cho ngư dân hiểu và thuận tiện chấp hành. Cách làm này thực sự hiệu quả trong điều kiện ngư dân thường xuyên đi biển, ít có điều kiện sinh hoạt tập trung. Đại tá Đỗ Văn Yên, Chủ nhiệm Chính trị Vùng 2 Hải quân, cho biết: "Ngư dân là lực lượng đông đảo góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển. Do vậy, phải tuyên truyền để bà con hiểu được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, từ đó chấp hành nghiêm pháp luật và có ý thức đoàn kết tạo nên sức mạnh bảo vệ chủ quyền. Nội dung, hình thức tuyên truyền cần hết sức linh hoạt, sáng tạo, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng. Cùng với tuyên truyền, các đơn vị LLVT và kiểm ngư cần hỗ trợ ngư dân, thực sự là chỗ dựa cho bà con yên tâm vươn khơi, bám biển...".
 

Ông Ngô Đăng Hoài, lãnh đạo Chi đội Kiểm ngư số 2 (Cục Kiểm ngư, Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT), bày tỏ tâm huyết về trách nhiệm hỗ trợ ngư dân kết hợp tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật. Ông Hoài cho rằng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm bảo vệ chủ quyền trên biển là phải bảo vệ và hỗ trợ ngư dân. Ông Hoài kể, năm ngoái, tàu KN-261 và KN-265 trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên biển đã tham gia cùng các lực lượng cứu hộ, chữa cháy và cứu nạn 6 ngư dân tàu cá BTh 97409TS; tiến hành thăm khám, chăm sóc sức khỏe, bảo đảm quần áo, phục vụ ăn uống cho họ trong suốt những ngày trên tàu trước khi bàn giao cho Hải đoàn 129 (Quân cảng Sài Gòn). Những năm qua, chi đội thực hiện nhiệm vụ trên biển đã tham gia sửa chữa giúp đỡ hàng trăm tàu cá ngư dân, cung cấp nước ngọt, lương thực, thực phẩm; tuyên truyền hàng nghìn tờ rơi, sách kiến thức pháp luật kiểm ngư. Trung bình mỗi chuyến tuần tra trên biển, lực lượng kiểm ngư Chi đội 2 đã tiếp cận khoảng 300 ghe cá, phát tờ rơi và sổ tay pháp luật về kiểm ngư, thông qua máy liên lạc hướng dẫn chủ những ghe cá ở khu vực đường phân định, giúp bà con hiểu thêm kiến thức pháp luật, yên tâm đánh bắt hải sản khu vực giáp ranh.
 

Nhiều ý kiến của các đại biểu cũng nêu bật vai trò của LLVT chung sức hỗ trợ ngư dân, đặc biệt là cứu hộ, cứu nạn. Dẫn chứng sinh động vừa mới xảy ra cũng được đại biểu chia sẻ tại tọa đàm. Đó là ngày 26-7, tàu 744 thuộc Hải đội 922 (Hải đoàn 129) đã đưa 7 tàu cá PY 95139 TS bị nạn trên biển vào bờ an toàn, bàn giao cho cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Trước đó, ngày 9-7, tàu cá QNg 95255 TS gặp sự cố, trôi về gần Trung tâm Hậu cần-Kỹ thuật nghề cá đảo Sinh Tồn. Cán bộ, chiến sĩ đã hỗ trợ khắc phục sự cố ngay trên biển, giúp tàu hoạt động trở lại. Trước đó, trong sự cố tai nạn biển của tàu cá QNg 92341 đầu tháng 7-2018, hơn 10 cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Côn Đảo đã cứu được 5 thuyền viên thoát nạn khi tàu bị phá nước, chìm dần… Anh Vũ Văn Lâm, chủ tàu cá ở phường 13, TP Vũng Tàu kể lại: “Trong cơn bão số 12 cuối năm 2017, nhiều tàu cá được tàu của Cảnh sát biển và BĐBP hỗ trợ nước ngọt, thực phẩm để kịp vào bờ tránh trú. Tàu của tôi do chủ quan không theo dõi thông tin cảnh báo nên lúc sóng to, gió lớn mới quay vào bờ thì phát hiện thiếu nhiên liệu. Đúng lúc đó chúng tôi được tàu của Hải đoàn Biên phòng 18 (BĐBP) hỗ trợ nhiên liệu và chạy kèm vào tận cảng. Bà con ngư dân chúng tôi rất yên tâm, tin tưởng ở sự tương trợ của lực lượng bảo vệ biển khi cần thiết”.
 

Một trong những bước tiến quan trọng thúc đẩy hiệu quả công tác phối hợp tuyên truyền biển, đảo, bảo vệ ngư dân, cứu hộ, cứu nạn trên biển được nhiều đại biểu chia sẻ, đó là việc ứng dụng các thiết bị công nghệ hiện đại. Thông qua mạng lưới thông tin và sự phối hợp nhịp nhàng của các lực lượng, việc kêu gọi, hướng dẫn ghe tàu của ngư dân vào tránh, trú bão gặp nhiều thuận lợi. Lực lượng chức năng nắm chắc số lượng tàu, vị trí từng phương tiện để có sự hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời. Trong nhiều trường hợp tàu, ghe cá của ngư dân bị phá nước (bị thủng do va đập) hoặc gặp nạn, nếu không có sự hỗ trợ tích cực của các thiết bị công nghệ thông tin sẽ rất khó để xác định đúng vị trí, thời điểm xảy ra sự cố để triển khai biện pháp ứng cứu kịp thời. Đặc biệt, những tình huống ngư dân bị nạn, mắc bệnh nặng khi đi biển đã được cấp cứu kịp thời bằng các phương tiện vận chuyển hiện đại hoặc mổ cấp cứu thông qua hội chẩn từ đất liền bằng công nghệ trực tuyến. Những năm qua, hệ thống Nhà giàn DK1 đã trở thành điểm tựa vững chắc của ngư dân. Những cán bộ vừa trở về từ một số Nhà giàn DK1 cho biết, nhờ sự hỗ trợ tích cực của công nghệ, cán bộ, chiến sĩ nhà giàn đã kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân gặp nạn trên biển. 
 

Đầu tư có chiều sâu, mở rộng diện phối hợp, tạo sức mạnh đồng bộ

Trao đổi tại tọa đàm, các đại biểu đều khẳng định, hoạt động phối hợp của các lực lượng, đơn vị, địa phương đã đi vào nền nếp, hiệu quả thông qua những quy chế phối hợp, chương trình, kế hoạch hành động, có kịch bản ứng phó với những tình huống nảy sinh theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để công tác phối hợp ngày càng đi vào chiều sâu, mở rộng diện phối hợp, tạo sức mạnh đồng bộ, chúng ta cần nâng cao hơn nữa tính hiệu quả của các chương trình, nhất là trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ, hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, công tác cứu hộ, cứu nạn. Đại tá Nguyễn Quốc Văn, Phó chính ủy Vùng 2 Hải quân kiến nghị: Cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các đơn vị trong LLVT và giữa các đơn vị LLVT với cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội, sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các cơ quan thông tấn, báo chí… để tổ chức hoạt động tuyên truyền biển, đảo được thường xuyên, liên tục, hấp dẫn về hình thức, phong phú về nội dung. Tùy theo đặc điểm, khả năng, các đơn vị cần thực hiện tốt phương châm “Tích cực, chủ động, sâu rộng, hiệu quả” trong tuyên truyền biển, đảo. Từ kinh nghiệm của Vùng 2 Hải quân, Đại tá Nguyễn Quốc Văn cho rằng, cần tập trung vào hai hình thức trọng tâm là tuyên truyền miệng và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với các hình thức khác, như: Thông qua hoạt động công tác dân vận, chính sách, văn hóa nghệ thuật, giáo dục quốc phòng, an ninh và công tác đối ngoại để tuyên truyền. “Chúng ta phải xây dựng, bồi dưỡng, động viên, nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ báo cáo viên các cấp trong hoạt động tuyên truyền biển, đảo thông qua các hình thức: Tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp thông tin, hội thi, tọa đàm trao đổi... để công tác tuyên truyền thêm hiệu quả”, Đại tá Nguyễn Quốc Văn nhấn mạnh.
 

Phân tích từ thực tiễn của lực lượng giữ gìn an ninh trật tự ven bờ, Đại tá Nguyễn Chí Quang, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh Bến Tre đề xuất: Công tác tuyên truyền chúng ta đã làm thường xuyên, như: In, phát tờ rơi, vận động qua loa phát thanh, qua hội nghị… Mặc dù khá hiệu quả nhưng cần đổi mới tuyên truyền bằng cách phối hợp làm các phóng sự chuyên sâu, đoạn video clip theo chủ đề tuyên truyền trên đài truyền hình; ứng dụng công nghệ kỹ thuật, phương tiện hiện đại vào công tác tuyên truyền… Gần đây, BĐBP Bến Tre đẩy mạnh phối hợp liên ngành tuần tra kiểm soát, đăng ký phương tiện xuất nhập tại các đồn, trạm kiểm soát biên phòng; kiên quyết không cho phương tiện xuất bến khi không có đủ giấy tờ theo quy định; phối hợp với Sở NN&PTNT theo dõi, hướng dẫn, duy trì có nền nếp, hiệu quả hoạt động kiểm tra nghề cá tại các cảng cá... Làm được điều đó cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chứ riêng BĐBP khó có thể hoàn thành nhiệm vụ.
 

Đại tá Đào Quang Hiển, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kiến nghị: Mỗi lực lượng, mỗi ngành cần nỗ lực, có trách nhiệm, làm tốt vai trò trong từng nhiệm vụ. Chúng tôi đang thực hiện phương châm: Quản lý người, phương tiện tận gốc; nắm toàn diện, kiểm soát có trọng điểm; đồng thời tích cực cải cách thủ tục hành chính; thận trọng, khoa học, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế ra biển hoạt động theo quy định của pháp luật; thực hiện “4 biết” (biết người, biết phương tiện, biết chủ phương tiện, biết ngành nghề và địa bàn hoạt động)... để quản lý, nắm chắc địa bàn, kịp thời có phương án xử lý, hỗ trợ ngư dân. Quản lý toàn diện, kiểm soát có trọng điểm, tập trung quản lý, kiểm soát người, phương tiện có dấu hiệu nghi vấn; người, phương tiện hoạt động xa bờ, dài ngày; người, phương tiện nước ngoài đến khu vực biên giới biển hoạt động được cơ quan có thẩm quyền cho phép; đảm bảo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước.
 

Những ngày cuối tháng 7, nhóm phóng viên Báo QĐND đã khảo sát thực tế tại vùng biển Bình Thuận, Vũng Tàu, Tiền Giang… và ghi nhận nhiều ý kiến của lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị LLVT, đại diện chính quyền địa phương về công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trong đó, vấn đề trang bị hệ thống thông tin liên lạc hiện đại cho các lực lượng tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo cần được quan tâm toàn diện hơn nữa; đồng thời cần có biện pháp chăm lo chế độ, chính sách cho lực lượng thực thi pháp luật trên biển, quan tâm đến mô hình hoạt động của lực lượng dân quân biển.
 

Tại tọa đàm, ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), kiến nghị: Cần đầu tư, hỗ trợ nhiều hơn nữa trong thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đặc biệt đầu tư tàu vỏ sắt có thể vươn xa bám biển vừa khai thác, vừa bảo vệ chủ quyền biển, đảo và ngư trường hoạt động. Lãnh đạo các địa phương ven biển cần đồng bộ chính sách hỗ trợ ngư dân, đầu tư, xây dựng trạm bờ, tích hợp định vị vệ tinh lắp đặt trên tàu cá và quan tâm chỉ đạo chặt chẽ công tác phối hợp giữa các lực lượng bảo đảm hiệu quả thiết thực, tránh hình thức, chung chung…
 

Bày tỏ sự thống nhất và phấn khởi trước những ý kiến tâm huyết tại buổi tọa đàm, phát biểu kết luận, Đại tá Phùng Kim Lân cảm ơn sự phối hợp, giúp đỡ của BTL Vùng 2 Hải quân, giúp buổi tọa đàm đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra. 
 

Đại tá Phùng Kim Lân phát biểu kết luận tọa đàm.


Các ý kiến tham luận đã bám sát nội dung, chất lượng tốt, nêu bật kinh nghiệm thực tế của các đơn vị trong phối hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo; phân tích, làm rõ những yêu cầu đặt ra và kiến nghị, đề xuất những vấn đề thiết thực trong phối hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo phía Nam Tổ quốc. Những kinh nghiệm, bài học mà đại diện lãnh đạo các đơn vị, địa phương, bà con ngư dân nêu ra đều rất phong phú, điển hình, mang hơi thở thực tiễn. Báo QĐND sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng tuyên truyền sâu rộng hơn nữa bằng nhiều hình thức, biện pháp, chương trình đa dạng, phong phú để cung cấp thông tin chính thống liên quan đến biển, đảo Việt Nam, chung sức cùng các lực lượng giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.