HLV Nguyễn Đức Thắng: ‘Tôi từng ngại ngùng vì 30 tuổi mới học xong cấp ba’

Thứ 2, 04.01.2021 | 14:24:53
582 lượt xem

Từng là tuyển thủ quốc gia và có thể sống tốt với nghề, nhưng HLV Nguyễn Đức Thắng không ngừng học hỏi. Bởi theo ông, nếu không có kiến thức, con người sẽ vô giá trị.

HLV Nguyễn Đức Thắng trò chuyện với VnExpress tháng 12/2020. Ảnh: An Ngọc.

Tôi đến Bình Định để làm bóng đá chuyên nghiệp.

- Vài ngày trước, Bình Định nhận gói tài trợ 300 tỷ đồng cho ba năm. Đấy phải chăng là lý do ông quyết định ở lại, dù trước đó xuất hiện tin đồn chia tay CLB ngay sau khi thăng hạng V-League?

- Các bạn nghĩ tôi là người màng danh lợi ư? Không hề. Con người quan trọng nhất phải hiểu được bao nhiêu là đủ. Với tôi, "đủ" là khi tôi được làm điều mà mình yêu thích, chu toàn với gia đình, đầy đủ nghĩa vụ với bạn bè, họ hàng.

Đúng là sau mùa giải 2020, tôi cảm thấy khá mệt mỏi. Chặng đường mà tôi đi cùng với Bình Định diễn ra không đúng như mong đợi, nỗ lực, cố gắng của bản thân và tập thể. Tôi có cảm giác rằng Bình Định vẫn làm chưa tới cái đích mình vạch ra, dù thăng hạng ở mùa giải chỉ có một suất lên V-League thay vì một suất rưỡi như mọi khi.

Bản thân tôi xác định đến Bình Định để làm bóng đá chuyên nghiệp, giúp cho CLB địa phương trở nên "nhà nghề". Nếu không đảm bảo tính chất đó, tôi sẽ dừng lại. Tôi có nhiều công việc, nhiều sự lựa chọn. Tôi hoàn toàn có thể về huấn luyện các bạn nhỏ ở trung tâm cộng đồng. Về nhà tôi vẫn cảm thấy vui vẻ hạnh phúc, đâu nhất thiết cần phải làm ở một CLB tại V-League. Nhưng cũng may, sau đó tôi và CLB tìm thấy chung chí hướng. Khi cả hai đã thống nhất được quan điểm làm việc thì tôi sẵn sàng tiếp tục gắn bó với đội bóng ngay cả khi tập thể còn nhiều thách thức, khó khăn tại mùa giải tới đây. Đó mới là yếu tố quan trọng hàng đầu để tôi tiếp tục gắn bó với bóng đá nơi này.

- Rốt cuộc, đâu là nguyên nhân sâu xa khiến ông kết duyên với Bình Định, vốn là địa phương rời xa bóng đá đỉnh cao suốt 12 năm qua?

- Phải nói là "cái duyên". Tháng 11/2019, tôi nhận được lời mời của chú Dương Ngọc Hùng (cựu HLV thủ môn đội tuyển Việt Nam và cũng là huyền thoại bóng đá Việt Nam trong những năm 1980-1990) tham dự một trận giao hữu và tiệc liên hoan tại Bình Định. Hôm đó, tôi được biết nhà tài trợ đã âm thầm ủng hộ CLB Bình Định suốt năm 2019, bao gồm chi trả ăn, ở, di chuyển và các công tác hậu cần. Điều đó làm tôi có cảm tình.

Một tuần sau, tôi nhận được điện thoại hẹn gặp họ tại TP HCM. Thông qua kế hoạch đầu tư mà họ muốn dành cho CLB Bình Định cũng như tham vọng đưa tôi về để phát triển, lấy lại niềm tin, mang lại sức sống cho bóng đá địa phương này, tôi đồng ý. Ở góc độ làm nghề, tôi cũng muốn được chung tay giúp bóng đá của một địa phương phát triển hơn.

Ban đầu, nhiều bạn bè đã hỏi tôi "Tại sao lại nhận một đội hạng Nhất như thế?". Trong thâm tâm, tôi muốn làm mới lại bản thân. Sau những năm tháng làm bóng đá đỉnh cao với Sài Gòn FC và Thanh Hoá, tôi muốn có sự thay đổi. Với những đội bóng ở V-League, tôi có sẵn các cầu thủ chuyên nghiệp, cơ sở vật chất tương đối đầy đủ. Còn với Bình Định, tôi phải xây lại từ đầu. Đó vừa là thách thức, vừa là đòn bẩy và cũng là cơ hội, thôi thúc tôi tới đây.

Suy nghĩ của tôi không giống số đông. Không thể gọi bóng đá Việt Nam là bóng đá chuyên nghiệp. Có bao nhiêu nhà tài trợ đứng ra chung sức và đi cùng các đội bóng? Quá nhiều bài học trong lịch sử. Các nhà tài trợ đến rồi đi. Họ chưa xây dựng nền tảng cho đội bóng. Họ chỉ làm thương hiệu trên phương diện của một nhà tài trợ và sau đó kết thúc nhiệm vụ khi đạt mục đích. Còn ở đây, tôi thấy từ lãnh đạo nhà tài trợ cho đến thành viên làm việc chuyên môn đều là người con của Bình Định. Họ muốn đóng góp, xây dựng quê hương. Trên cơ sở ấy, tôi muốn cùng họ chung tay xây lại ngôi nhà bóng đá Bình Định.

- Nhân nói tới chuyện xây dựng nhân sự, đâu là tiêu chí ông đặt ra khi tuyển chọn, chuyển nhượng cầu thủ?

- Thứ nhất là niềm tin. Thứ hai, trình độ chuyên môn và tư cách đạo đức phải song hành với nhau. Năm nay, tôi lấy về hai cầu thủ ngoại cho Bình Định là Ahn Byung Keon và Rimario. Với Ahn Byung Keon, tôi chưa nói chuyện với cậu ấy lần nào trước khi chiêu mộ. Nhưng tôi thấy ở Ahn phẩm chất chuyên môn và đạo đức. Người Hàn Quốc có thừa sự kỷ luật và chuyên nghiệp. Ahn là cầu thủ có tố chất bẩm sinh của một thủ lĩnh. Tôi cần điều đó ở hàng thủ Bình Định. Mùa qua, hàng thủ của chúng tôi cơ bản chơi tốt nhưng nhiều khi vẫn phải nhận những bàn thua "theo kiểu hạng Nhất".

Rimario thì đơn giản, vì hai chúng tôi đã quá hiểu nhau. Tôi có niềm tin nơi cậu ấy. Tôi đã làm việc với Rimario ở Thanh Hoá. Ngoài thời gian huấn luyện trên sân tập buổi sáng, tôi còn làm việc với cậu ấy cả buổi tối. Tôi muốn giúp cậu ấy hiểu hơn về chiến thuật, lối chơi đồng đội. Tôi muốn Rimario hiểu rằng chơi bóng tại Việt Nam khác chơi bóng ở nước ngoài ra sao. Năm ngoái, cậu ấy còn nhờ tôi tư vấn rằng mình nên chọn đội bóng nào tại V-League là phù hợp. Khi Rimario đến Hà Nội, tôi từng nói nếu cậu không thay đổi sẽ không thể thành công vì cách vận hành ở CLB thủ đô là hoàn toàn khác

- Tuy nhiên, Ahn hay Rimario đều là những "gương mặt cũ" ở V-League?

- Nếu để ý kỹ, các bạn sẽ thấy trong suốt bốn đến năm năm qua, đa số những cầu thủ tôi dùng đều là gương mặt mới. Năm 2016 là Maurice. Năm 2017, tôi đưa Marcelo về Sài Gòn FC trước khi V-League khởi tranh đúng một tuần. Rồi cầu thủ thứ hai ở mùa giải đấy là Patrick Cruz chỉ chào sân ở hiệp 2 tại vòng 2, lúc Sài Gòn gặp Đà Nẵng. Tôi chọn cầu thủ theo tiêu chí của tôi. Với Bình Định, các bạn cũng hãy đợi đi. Tôi sẽ có cầu thủ mới đấy.

Tôi rút lui vì sợ mình là vật cản của Sài Gòn FC.

- CLB chuyên nghiệp đầu tiên mà ông dẫn dắt là Sài Gòn FC - một đội bóng "nhiều chuyện" trong lịch sử tồn tại V-League. Là người đích thân đưa cả đội "Nam tiến", ông gặp phải những thách thức nào trong giai đoạn nhạy cảm đó?

- Năm 2016, khoảng nửa ngày trước khi báo chí đưa tin, tôi mới biết việc lãnh đạo quyết định đưa CLB vào TP HCM. Với tôi, TP HCM là nhà. Tôi sống ở thành phố này đủ lâu để có một mối quan hệ đủ lớn. Tôi có mẹ nuôi, chị kết nghĩa, đông đảo anh em, bạn bè. Với tôi, việc đội bóng "nam tiến" không sao cả. Nhưng với các học trò thì tôi thương, phải nói là thương lắm.

Có những người mới chỉ về Hà Nội sau một thời gian dài phiêu bạt tại Đồng Nai hay khắp các tỉnh thành khác. Họ có gốc gác phía Bắc như Vĩnh Phúc, Nam Định hay xa hơn là Nghệ An. Các cầu thủ ấy muốn về Hà Nội để được gần nhà hơn. Rồi anh Trường Minh – người từng có thời gian phiên dịch tại Liên đoàn Bóng đá Việt Nam quyết định đầu quân cho đội bóng mà tôi dẫn dắt chỉ vì muốn đảm bảo công việc gần nhà. Ngọc Duy, Quốc Long cũng vậy. Họ đã có tuổi và chấp nhận đá cho đội bóng ít tham vọng hơn vì muốn gần vợ, gần con. Nhưng mọi thứ lại diễn ra theo cách họ không mong muốn. Tất cả phải lên đường vào trong Nam. Tôi thương các cầu thủ thật sự.

- Mang trên vai cả tai tiếng về một đội bóng "Hồn trương ba da hàng thịt", ông đã làm những gì để Sài Gòn FC được khán giả tại đây đón nhận?

- Đúng là đã có những thay đổi trong con người và lối chơi của Sài Gòn. Tôi đã ngồi với nhiều cựu cầu thủ Sài Gòn, Hải Quan, Công an TP HCM. Tôi hỏi họ rằng người Sài Gòn thích bóng đá như thế nào. Nhập gia thì phải tuỳ tục. Sài Gòn phải là đội bóng mang đúng phong cách Sài Gòn. Mùa 2016, chúng tôi chơi thực dụng. Nhưng chỉ một năm sau, đội thay đổi cách chơi. Chúng tôi chơi đẹp lắm. Năm 2017, Sài Gòn có rất nhiều siêu phẩm. Riêng ở trận gặp Quảng Nam, Sài Gòn luân chuyển bóng với 30 chạm qua 11 cầu thủ trước khi Xuân Dương ghi bàn tuyệt đẹp. Các bạn tìm lại ở V-League, liệu có bao nhiêu pha phối hợp nào thành bàn đẹp như thế?

Chất cầu thủ phía Nam chơi thoáng đạt, không toan tính. Còn cầu thủ phía Bắc thực dụng hơn. Vậy nên, tôi buộc phải bỏ đi hơn 10 cầu thủ phía Bắc chỉ sau một mùa giải tại Sài Gòn. Tôi chỉ giữ lại những cái tên tốt nhất trong đội hình. Bù lại, tôi lấy những cầu thủ gốc miền Trung, miền Nam dù chất lượng có thể không hơn. Tôi cất công tìm kiếm, chắt lọc sao cho đúng chất của bóng đá Sài Gòn. Ở Sài Gòn FC có sự xen kẽ một chút thực dụng của Hải Quan, một chút máu lửa của Công an TP HCM, một chút hào hoa của Cảng Sài Gòn.

- Nhưng cuộc vui nào cũng đến hồi kết. Đâu là lý do thật sự đằng sau quyết định chia tay Sài Gòn FC đầu V-League 2018 của ông?

- Tôi là người nhạy cảm. Kết thúc mùa 2017, chủ trương của Sài Gòn FC là tìm một doanh nghiệp địa phương để tiếp quản. Anh Đông (Chủ tịch Nguyễn Giang Đông) cũng lớn tuổi, muốn trở về Hà Nội. Lúc ấy, tôi đang học khoá cuối của lớp HLV chuyên nghiệp. Tôi rất bận và không thường xuyên liên lạc với lãnh đạo, cầu thủ Sài Gòn. Thông tin chuyển giao khi đó tôi biết khá muộn. Sau đó, tôi biết chuyện anh Đại (Trần Tiến Đại), người học cùng với tôi ở lớp HLV bằng A trước kia làm Chủ tịch Sài Gòn.

Tôi ngồi nói chuyện với anh Đại. Dù anh ấy không trực tiếp bộc lộ nhưng tôi đoán được anh Đại muốn nói gì. Người phía Nam khi tiếp quản đội bóng có chủ trương nếu không phải quân họ đích thân đưa về thì sẽ khó làm việc. Tôi nhận thấy rằng mình là vật cản, nếu ở lại sẽ ngăn lãnh đạo mới xúc tiến kế hoạch tương lai. Vì vậy, tôi chủ động rút lui trước.

- Nửa năm sau, ông đến Thanh Hoá. Ông đánh giá thế nào về sự lựa chọn đó, nhất là sau những gì xảy ra với bầu Đệ?

- Lúc tôi về Thanh Hoá, anh Đệ chưa làm Chủ tịch. Khi đó, tập đoàn FLC vẫn là chủ đầu tư của đội bóng xứ Thanh. Anh Doãn Văn Phương - Chủ tịch CLB khi ấy - mời tôi về vào tháng 7/2018. Tôi nhận lời dẫn Thanh Hoá bởi khi đó họ có tham vọng, thực lực. Tôi biết Thanh Hoá khi ấy đầu tư rất nhiều. Họ cũng đưa một số HLV giỏi nhưng chưa thực sự thành công như mong đợi. Tôi nghĩ rằng với một đội bóng có chất lượng cầu thủ tốt, giàu khát khao như thế thì tại sao mình không làm việc. Tôi giúp Thanh Hoá giành ngôi á quân V-League và đứng thứ nhì ở Cup Quốc gia 2018, cũng gọi là có thành tích.

Thế rồi FLC rút khỏi CLB Thanh Hoá. Anh Phương nói với tôi rằng: "Anh Thắng, tôi có thể ký thanh lý hợp đồng (kéo dài một năm rưỡi) cho anh". Lúc bấy giờ, bóng đá Thanh Hoá đã trả lại cho tỉnh. Nhiều cầu thủ lo lắng về tương lai. Nhưng lãnh đạo tỉnh muốn tôi ở lại. Với một đội bóng đã cùng với mình đi qua nhiều thách thức và đạt được thành công, tôi không thể chỉ vì khó khăn chung và lợi ích tư mà từ bỏ.

Giai đoạn đó, cầu thủ tốt đều ra đi. Tôi muốn lấy người mới cũng không được. Tôi nhìn vào mắt những cầu thủ còn lại với đa phần là lực lượng dự bị trước đó. Tôi biết họ có thể chơi được V-League nhưng đúng là không dễ dàng. Điều quan trọng là phải cho họ thời gian, sự trải nghiệm và vượt qua sức ì. Điều này tôi phải cảm ơn anh Đệ. Trong sáu trận đầu tiên, Thanh Hoá chỉ có đúng ba điểm. Mọi thứ rất khó khăn. Nhưng sự xuất hiện của anh Đệ đã giúp Thanh Hoá tạo nên sức bật. Chúng tôi hoà 3-3 trước HAGL rồi đánh bại Quảng Nam trên sân nhà. Ấn tượng hơn, Thanh Hoá thắng 4-1 trước Hà Nội. Chuỗi tám trận sau đó, Thanh Hoá không thua. Vậy là niềm tin – yếu tố mà tôi vẫn nói là hàng đầu để đánh giá cầu thủ - đã phát huy tác dụng.

Nhưng tôi luôn nói rõ ràng với anh Đệ về quan điểm làm nghề. Tôi xác định làm bóng đá là phải chuyên nghiệp. Tôi phải có quyền quyết định về chuyên môn. Với lãnh đạo, đó chỉ là sự phối hợp, dựa trên đường lối, chủ trương chứ quyền sau cùng phải là HLV trưởng. Tôi mới là người ở cùng cầu thủ, tập cùng họ, hiểu được họ muốn gì. Khán giả, chuyên gia đâu ở đấy để mà đánh giá. Sau này, tôi cảm thấy mình không ổn ở Thanh Hoá. Tôi quyết định dừng lại để những người làm bóng đá Thanh Hoá phải hiểu ra vấn đề đang tồn tại ở đây.

Bóng đá là trò chơi trí tuệ, bản lĩnh nhưng cũng chỉ là một phần của cuộc sống.

- Từ kinh nghiệm thực tiễn, ông cho rằng đâu là bí quyết giúp HLV ở Việt Nam thành công, đặc biệt trong vấn đề giao tiếp, ứng xử với cầu thủ và lãnh đạo?

- Với cầu thủ, có hai khía cạnh cần chú ý, gọi là hai giai đoạn cũng được. Thứ nhất, phải làm việc thế nào với cầu thủ dưới 23 tuổi, tức nhóm bạn trẻ còn tiềm năng phát triển. Thứ hai, phải xử lý ra sao với những cầu thủ trên 23 tuổi. Với những cầu thủ đứng tuổi, họ đã hình thành tính cách, lối chơi, quan hệ xã hội phức tạp. Vì thế, tôi cần phương pháp làm việc tinh tế, khéo léo. Với các cầu thủ trẻ ở dạng tiềm năng, HLV phải có cái nhìn thấu đáo cũng như sự quan tâm, sâu xát thì mới có biện pháp đúng mực.

- Những quan sát, đúc kết ấy có phải được hình thành trong giai đoạn nào? Phải chăng là khi ông làm trợ lý cho HLV Henrique Calisto cách đây 13 năm, dù lúc đó vốn dĩ mới khởi nghiệp ở vai trò HLV U12 Thể Công?

- Năm 2005, tôi giải nghệ. Tôi dành hai năm sau đó để học xong cấp ba và nộp hồ sơ vào trường Đại học Từ Sơn. Đến năm 2012, tôi mới tốt nghiệp. Tôi đã từ chối khá nhiều cơ hội để làm cho một đội bóng trẻ. Từ lúc đá bóng, tôi đã thấy cái mình đang thiếu nhất là kiến thức.

Bạn thấy đấy, tôi chỉ tốt nghiệp phổ thông khi đã 30 tuổi. Nhiều khi tôi thấy rất ngại với chính bản thân, tại sao một cầu thủ nổi tiếng phải đi học ở Trung tâm giáo dục thường xuyên? Nhưng tôi biết rằng nếu như không lên đại học, không có kiến thức thì con người không có giá trị. Tôi học nghiêm túc ở Đại học Từ Sơn theo diện tại chức, vừa học vừa làm. Ban ngày, tôi làm lớp năng khiếu, tìm nguồn cho Thể Công. Tôi tìm mọi xó xỉnh, ngõ ngách ở các sân bóng phong trào. Đó là bước đầu, là hành trang cho công tác làm nghề của tôi.

Nói về Henrique Calisto, đó là một người thầy tử tế. Mỗi lần Long An thi đấu ở Hà Nội hay đội tuyển Việt Nam tập trung, ông thường gặp tôi. Năm 2006, ông muốn tôi đá cho Long An nhưng tôi từ chối vì đã treo giày. Đến lần thứ hai, ông mời tôi về làm trợ lý ở đội tuyển Việt Nam. Khi đó, tôi mới có bằng C huấn luyện, còn chưa hoàn thành xong khóa bằng B.

Nhiều người hỏi tôi rằng tại sao với chỉ bằng cấp như thế mà lên được đội tuyển Việt Nam. Tôi khẳng định niềm tin của HLV dành cho trợ lý còn quan trọng hơn nhiều lần so với bằng cấp. Bằng cấp có thể mua được nhưng kiến thức thì không. Sau này, nếu cầu thủ của tôi xin đi học, tôi đồng ý hết. Năm 2016, Duy Long của Sài Gòn đang có phong độ rất cao. Tôi thật sự cần cậu ấy ở V-League. Nhưng đúng lúc Duy Long phải thi tốt nghiệp, tôi cũng đồng ý cho cậu ấy nghỉ để tập trung đèn sách. Bóng đá là trò chơi trí tuệ, bản lĩnh nhưng cũng chỉ là một phần của cuộc sống. Tôi sẵn sàng chia sẻ. Bạn không thể sống mãi với bóng đá. Bạn phải có gia đình, xã hội, có mục tiêu khác chứ không thể đau đáu với trái bóng tròn tới già.

- Đã có đủ trải nghiệm đỉnh cao, từ thời cầu thủ cho tới khi làm trợ lý ĐTQG rồi sau này làm việc ở V-League, ông đánh giá thế nào về sự phát triển hai năm qua của bóng đá Việt Nam ở cấp độ ĐTQG?

- Nền tảng cho thành công của các cấp độ ĐTQG từ năm 2018 là sơ đồ ba trung vệ. Nhưng chúng ta cần hiểu đúng bản chất của bóng đá. Chiến thuật này không hề mới. Những năm 1980-1990, đội trẻ Thể Công đã áp dụng sơ đồ này. Nhưng tại sao hiện tại, đội tuyển dùng được còn CLB thì không, dù biết là nó tốt? Vì chúng ta đâu thể nhân bản diện rộng những nhân tố như Trọng Hoàng, Văn Hậu hai bên cánh hay các trung vệ Ngọc Hải, Tiến Dũng, Đình Trọng?

Năm 2018, sơ đồ ấy bùng lên với thành công ban đầu của U23 Việt Nam. Nó bùng lên nhờ đâu? Là nhờ gió. Mà gió theo tiếng Hán là phong. Phải có phong thì mới trào lên, bùng lên được chứ. Chúng ta đâu chuyên nghiệp. Bóng đá Việt Nam vẫn còn đang phong trào lắm. Một nền bóng đá phong trào như hiện tại mà đòi đá chuyên nghiệp như đội tuyển Việt Nam thì làm sao được. Nền bóng đá chúng ta không chuyên nghiệp. Xã hội chúng ta chưa có một cái nhìn khách quan. Trong những người đến với bóng đá, không nhiều người muốn cống hiến, hy sinh bản thân để phục vụ quyền lợi cho đội bóng, cầu thủ. Tôi cũng muốn đội bóng của tôi chơi với sơ đồ mới lắm chứ. Nhưng thực phẩm của tôi không "ngon", không "tươi" thì làm sao chế biến món ăn cao cấp được.

- Vậy các đội bóng ở V-League, chẳng hạn như Bình Định, cần làm gì để có thể thích ứng với chiến thuật ba trung vệ ĐTQG đang theo đuổi?

- Nhiều người nói 3-4-3 hay 4-2-3-1 là chiến thuật. Nhưng thực ra, nó chỉ là hệ thống thôi. Chiến thuật khác lắm. Chiến thuật là vị trí, là chất lượng cầu thủ và phẩm chất của cầu thủ bạn có trong tay. Mọi người đừng lầm tưởng 4-4-2, 4-3-3 là chiến thuật. Bạn thấy trên sân, các cầu thủ di chuyển liên tục không? Có lúc, hệ thống là 9-1-0 đấy (chín người tấn công, một người phòng ngự). Rồi chiến thuật là tấn công, phòng ngự, trì hoãn, cá nhân, đồng đội, theo hàng, theo nhóm, đánh vào chỗ nào, thời điểm nào đánh, ai đánh, ai nghi binh. Đấy mới là chiến thuật.

Hiện tại, đội hình mà tôi xây dựng cho Bình Định là "chuẩn V-League", kết hợp với nhiều cầu thủ trẻ tiềm năng. Nếu bỏ Tây, đội hình này dư sức chơi sòng phẳng với bất kỳ đội bóng nào ở V-League.

- Nhân dịp đầu năm mới 2021, ông có ước muốn gì với CLB Bình Định?

- Tôi là người thực tế. Tôi không nói hoặc mong Bình Định không rớt hạng. Nhưng trước tiên, đó là một mục tiêu, nhất là sau những gì diễn ra mùa 2020.

Khi ấy, do Covid-19 nên hạng Nhất chỉ được một đội lên V-League, một số người nói với tôi rằng nếu đã khó khăn như thế thì xin hạ chỉ tiêu. Như vậy, công việc của tôi tại Bình Định lại quá dễ dàng. Nhưng nghĩ đến sự phát triển của đội bóng, tôi cho rằng nếu mình không duy trì mục tiêu lên hạng, đó không phải tín hiệu cho sự phát triển. Nếu cuộc sống mà không đi lên thì vô nghĩa lắm. Và thực ra, mục tiêu đưa Bình Định thăng hạng không phải là áp lực lớn nhất. Cái khó ở đây là khi đến Bình Định, tôi nhận ra độ vênh giữa tư tưởng lãnh đạo và suy nghĩ cầu thủ. Lãnh đạo mới của Bình Định chưa làm bóng đá bao giờ, trong khi các cầu thủ lại quá quen với lối mòn của bóng đá Việt Nam hiện tại. Trong vai trò của một HLV, tôi hiểu rằng mình là ở người giữa, phải cầm cương và giải quyết được vấn đề này. Tôi mừng là mình đã làm được điều đó. Lãnh đạo CLB dần hiểu được rằng bóng đá Việt Nam có những vấn đề không đơn giản, không thể thỏa hiệp hay đột ngột thay đổi trong ngày một ngày hai. Ngược lại, cầu thủ cũng cần hiểu rõ hãy cứ làm việc đi rồi sẽ nhận về những điều xứng đáng. Đây không phải thời đại kim tiền, tiêu tiền không ghê tay như đầu thập niên. Cầu thủ của tôi cần bỏ ngay suy nghĩ cứ nhận tiền rồi mới đá.

Tiếp theo, tôi muốn kéo thật đông khán giả Bình Định đến sân Quy Nhơn. Nếu nhà tài trợ tuần nào cũng thấy người dân nô nức ra sân, họ sẽ gắn bó lâu dài với bóng đá. Đấy mới là trọng trách lớn lao nhất của tôi.


An Ngọc/Vnexpress.net

https://vnexpress.net/hlv-nguyen-duc-thang-toi-tung-ngai-ngung-vi-30-tuoi-moi-hoc-xong-cap-ba-4215896.html



  • Từ khóa