So với Việt Nam thì các nước Đông Nam Á đưa ra mức thưởng rất "khủng" nếu các vận động giành HCV Olympic Tokyo 2020 (diễn ra từ 23/7 đến 8/8/2021).
Với Thể thao Việt Nam, từ năm 2016 đến nay, tiền thưởng cho vận động viên (VĐV) đoạt HCV Olympic được nâng ở mức 350 triệu đồng (khoảng 15.000 USD), nếu phá thêm kỷ lục sẽ nhận 140 triệu đồng.
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã làm nên lịch sử cho thể thao Việt Nam với tấm HCV đầu tiên ở nội dung 10m súng ngắn hơi, cùng tấm HCB nội dung 50m súng ngắn bắn chậm tại Olympic Rio 2016.
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành HCV và HCB ở Olympic 2016.
Các VĐV đoạt HCB và HCĐ nhận lần lượt 220 triệu đồng và 140 triệu đồng. Đây đều là những con số cao hơn trước đây, nhưng vẫn kém rất nhiều so với Philippines hay Indonesia.
Quốc gia giàu thành tích nhất khu vực ở sân chơi này là Thái Lan, công bố mức thưởng hơn 309.000 USD cho tấm HCV Olympic. Malaysia thưởng 241.000 USD cho mỗi lần VĐV đứng trên bục cao nhất của Thế vận hội năm nay.
Singapore là quốc gia Đông Nam Á treo thưởng cao nhất cho mỗi tấm HCV Olympic. Quốc gia này sẽ thưởng 1 triệu USD (hơn 23 tỉ đồng) cho VĐV giành được thành tích xuất sắc này. VĐV nhận HCB và HCĐ sẽ nhận lần lượt 500.000 USD và 250.000 USD.
Joseph Schooling đánh bại Michael Phelps để giành HCV bơi lội Olympic 2016.
Mức thưởng này giữ nguyên so với Olympic Rio năm 2016. Cách đây 5 năm, kình ngư Joseph Schooling được thưởng 1 triệu USD với tấm HCV nội dung 100m bướm nam, sau khi vượt qua huyền thoại Michael Phelps. Đây là tấm HCV Olympic đầu tiên trong lịch sử Singapore.
Indonesia duy trì mức thưởng cao dành cho VĐV đoạt HCV với 746.000 USD (hơn 17 tỉ đồng). Tiền thưởng cho VĐV đoạt HCB và HCĐ lần lượt là 378.000 USD và 188.000 USD. Trong lịch sử Olympic, Indonesia đã giành 7 HCV Thế vận hội, đều ở môn cầu lông.
Philippines có mức thưởng tăng đáng kể cho tấm HCV Olympic, với 600.000 USD (gần 14 tỷ đồng). Ngoài ra, HCB nhận 300.000 USD và HCĐ nhận 120.000 USD. Đây đều là những con số cao hơn so với trước đây nhằm khích lệ các vận động viên.
Chủ tịch Hội đồng của Tổ chức Thể thao MVP (MVPSF) Al Panlilio của Philippines cho biết: "Chúng tôi đánh giá cao sự hy sinh của các VĐV. Không dễ dàng gì để tập luyện trong bối cảnh dịch Covid-19, nhưng họ vẫn kiên trì để mang đến cho người Philippines điều gì đó để mong đợi và tự hào.
Chúng tôi hy vọng phần thưởng này sẽ giúp VĐV có thêm động lực để thực sự nỗ lực hết mình và giành HCV đầu tiên cho Philippines ở Thế vận hội. Chúng tôi đã chờ tấm HCV quá lâu và biết rằng nó sẽ truyền cảm hứng cho người dân".
Thùy Anh/dantri.com.vn