Tính đến hết ngày thi đấu thứ 10 tại Paralympic Tokyo 2020, đoàn Trung Quốc đã giành được 183 huy chương, trong đó có 85 Huy chương vàng (HCV) và chắc chắn sẽ dẫn đầu bảng xếp hạng thành tích khi Thế vận hội chỉ còn hai ngày thi đấu. Môn bơi cũng có một ngày kỷ lục với 16 HCV được trao hôm qua, trong đó các tay đua đã xác lập bảy kỷ lục thế giới, hai kỷ lục Paralympic.
VĐV Jessica Long (Mỹ) giành HCV thứ ba tại Paralympic Tokyo 2020. Ảnh: IOC
Trong ngày thi đấu hôm qua, VĐV bơi lội giàu thành tích nhất của Mỹ Jessica Long đã giành HCV nội dung bơi 100 m bướm nữ hạng S8. Đây cũng là HCV thứ ba và là huy chương thứ sáu của chị tại Paralympic Tokyo 2020. Bắt đầu thi đấu từ Paralympic Athens 2004 khi mới 12 tuổi, Long đã ghi dấu ấn tuổi 29 ở kỳ Paralympic lần này bằng những tấm huy chương mới, nâng số lượng huy chương chị đã đạt được qua năm kỳ Paralympic đúng con số 29, trong đó có 16 HCV.
Khi nói đến kỷ lục của những cuộc chinh phục trên đường đua xanh Paralympic, sẽ khó tìm thấy ai xứng đáng hơn nữ VĐV bơi lội người Mỹ này. Cô sinh ra ở Siberia của Nga và bị chẩn đoán mắc chứng hemimelia dạng sợi, nghĩa là không có hầu hết các xương ở bàn chân. Vì lo lắng sẽ không thể chăm sóc cô đúng cách khi còn quá trẻ, mẹ của J Long lúc đó mới 16 tuổi, đã được thuyết phục để đưa cô vào trại trẻ mồ côi. Khi cô được 13 tháng, hai vợ chồng Beth và Steve Long đã nhận nuôi và đưa cô sang Mỹ.
Chỉ năm tháng sau, Long phải cắt cụt cả hai chân dưới đầu gối để có thể học cách đi lại bằng chân giả. Tổng cộng, Jessica đã trải qua 25 cuộc phẫu thuật. Năm 10 tuổi, với sự khuyến khích của bà ngoại, Jessica tham gia tập luyện môn bơi và chỉ hai năm sau đó, tên của cô đã có trong danh sách đội tuyển bơi của Mỹ tham dự Paralympic Athens 2004 và trở thành VĐV trẻ nhất thi đấu tại Thế vận hội.
Hôm qua, môn bơi có nhiều nội dung thi đấu chung kết và cũng xác lập nhiều kỷ lục nhất trong ngày thi đấu thứ 10 với 16 HCV được trao và bảy kỷ lục thế giới cùng hai kỷ lục Thế vận hội. Trong đó, các “kình ngư” Mỹ giành bốn HCV, Trung Quốc cùng có số lượng HCV như Mỹ, song có một kỷ lục thế giới và một kỷ lục Paralympic.
Đội tuyển bơi của Nga chỉ vô địch ở hai nội dung, nhưng cả hai đều phá kỷ lục thế giới. HCV và kỷ lục thế giới đầu tiên của họ do VĐV Zhdanov xác lập ở nội dung bơi ngửa 50 m nam hạng thương tật S4 với thành tích 40 giây 99, trong khi HCV và kỷ lục thế giới thứ hai được đội bơi mang về ở nội dung bơi tiếp sức hỗn hợp 4 x 100 m nam với thời gian 4 phút 6 giây 59.
Người cầm cờ cho đoàn Pháp ở lễ khai mạc là Stéphane Houdet và đối tác đánh đôi của anh là Nicolas Peifer đã mang về HCV thứ chín cho đoàn Pháp sau khi vô địch nội dung quần vợt xe lăn đôi nam. Cặp đôi người Pháp đã đánh bại cặp đôi Alfie Hewett và Gordon Reid của Vương quốc Anh với tỷ số 2 - 1 trong trận chung kết sau khi gặp nhau ở Paralympic Rio 2016.
Thi đấu cùng Peifer, tay vợt Houdet, 50 tuổi, người nắm giữ 23 danh hiệu Grand Slam ở nội dung đơn và đôi đã có thêm huy chương Paralympic thứ năm của mình và là HCV thứ ba. Ở nội dung đồng đội nam hạng 1 - 2 của môn bóng bàn, đội Pháp cũng đánh bại Hàn Quốc để giành HCV. Tại nhà thi đấu Tokyo Metropolitan Gym, cặp đôi người Pháp Fabien Lamirault và Stéphane Molliens đã đánh bại hai tay vợt người Hàn Quốc là Cha Soo Yong và Park Jin Cheol với tỷ số 3 - 2.
Cũng ở môn bóng bàn, trong số năm HCV, đội tuyển bóng bàn Trung Quốc đã vô địch ở ba nội dung. Thi đấu đồng đội nam hạng 6 - 7, cặp Yan Shao và Liu Keli thắng cặp đôi Bayley William - Karabardk Paul của Anh với tỷ số 2 - 0. Hai tay vợt Lian Hao - Zhao Yi Oing thắng cặp Ma Lin - Coughlan Joei của Australia 2 - 0 ở nội dung đồng đội nam hạng 9 - 10, trong khi hai VĐV Zhang Bian - Zhou Ying đánh bại cặp VĐV của Thụy Điển là Anna Canin và Lundback Ingela với tỷ số 2 - 1.
Ở môn điền kinh, VĐV Raymond Martin của Mỹ đã làm được điều mà hầu hết các VĐV khác không thể làm được khi đoạt HCV ở nội dung 100 m hạng T52 nam để trở thành người giành huy chương trong mọi nội dung chung kết từng tham gia thi đấu. Đây là HCV đầu tiên của VĐV này tại ở Tokyo, nhưng đó là sự nối tiếp những kỷ lục của anh ở môn đua xe lăn.
Tính từ lần đầu tiên tham dự Paralympic London 2012, Raymond Martin đã dự ba kỳ đại hội, lọt vào 13 lượt thi chung kết và đều giành huy chương, trong đó có 10 HCV. Tay đua 27 tuổi này hy vọng có thể sẽ tham dự Paralympic lần thứ tư của mình tại Paris vào năm 2024 khi cho biết: “Tôi đang tập trung học đại học và hoàn thành vào tháng 12/2023, tức là ngay trước Paralympic 2024, khi đó tôi sẽ xem xét có thi đấu tiếp không”.
Trong các nội dung khác, điền kinh có 13 HCV được trao, trong đó xác lập bảy kỷ lục Paralympic và một kỷ lục thế giới. Ở nội dung đua tiếp sức đa năng 4 x 100 m (chạy và đua xe lăn), đội tuyển Mỹ đã phá kỷ lục thế giới với thời gian 45 giây 52 (kỷ lục cũ là 46 giây 2 do đội tuyển Trung Quốc xác lập cùng ngày ở vòng thi đấu trước đó).
Theo nhandan.vn