Đội tuyển futsal Việt Nam đối đầu Brazil ở trận ra quân tại World Cup

Thứ 2, 13.09.2021 | 08:49:57
421 lượt xem

Ngày 12/9, trước trận đầu ra quân gặp Brazil, HLV Phạm Minh Giang và các học trò đã nghiên cứu rất kỹ các điểm mạnh của đội bóng số 2 thế giới để tìm cho mình lối chơi phù hợp nhất.

Đội tuyển futsal Việt Nam đối đầu Brazil ở trận ra quân tại World Cup - 1

Lịch thi đấu bảng D của đội tuyển Việt Nam.

Ở lần thứ hai lọt vào VCK World Cup futsal, đội tuyển futsal Việt Nam nằm ở bảng D cùng các đội Brazil, Panama và CH Séc. Không khó để đoán Brazil là đội mạnh nhất tại bảng đấu này, đồng thời là ứng cử viên vô địch số một của giải.

Cũng chính vì thế mà có lẽ bất ngờ sẽ không đến ở trận đấu đầu tiên của đội tuyển Việt Nam, vào lúc 0h ngày 14/9 (theo giờ Việt Nam).

Đội tuyển futsal Việt Nam đối đầu Brazil ở trận ra quân tại World Cup - 2

Năm 2013, đội tuyển futsal Việt Nam từng thắng Brazil tại TPHCM, nhưng đấy chỉ là một trận giao hữu.

Với truyền thống hàng đầu thế giới trong môn futsal, khi đã 5 lần vô địch giải đấu này (1989, 1992, 1996, 2008 và 2012), Brazil sẽ quyết đánh bại đội tuyển futsal Việt Nam để có khởi đầu tốt.

Bất ngờ, với đội tuyển futsal Việt Nam, có lẽ chỉ được chờ đợi từ lượt trận thứ hai, vào ngày 17/9 tới đây, khi đối thủ là Panama, đối thủ mà đội tuyển futsal Việt Nam đặt chỉ tiêu giành chiến thắng, để nuôi hy vọng giành quyền vào vòng 1/8, ít nhất là với tư cách một trong 4 đội xếp thứ ba có thành tích tốt nhất tại các bảng.

Có tổng cộng 24 đội tham dự VCK futsal 2021 tại Lithuania, chia thành 6 bảng, mỗi bảng có 4 đội, thi đấu vòng tròn một lượt ở từng bảng. Hai đội đứng đầu mỗi bảng, cùng 4 đội đứng thứ ba có thành tích tốt nhất sẽ vào vòng 1/8. Từ vòng 1/8, các trận đấu sẽ diễn ra theo thể thức knock-out sau một lượt trận.

Đội tuyển futsal Việt Nam đối đầu Brazil ở trận ra quân tại World Cup - 3

Brazil vẫn là ứng cử viên vô địch hàng đầu của FIFA World Cup futsal 2021. 

Ngoài Brazil, các ứng cử viên vô địch nặng ký khác có đương kim vô địch Argentina (2016) và cựu vô địch Tây Ban Nha (2000, 2004). Ngoài ra, các đội Nga (đương kim Á quân), Bồ Đào Nha và Iran cũng được đánh giá rất cao. Điều đáng tiếc là cựu Á quân World Cup futsal Italia lại không có mặt ở giải năm nay. 

Giải đấu năm nay cũng không có bảng đấu "tử thần", bởi sự chênh lệch giữa các đội mạnh và đội yếu ở từng bảng là khá lớn. Tại bảng D của đội tuyển futsal Việt Nam, Brazil được đánh giá cao nhất, sau đó tới CH Czech, còn tuyển Việt Nam và Panama sẽ tranh nhau vé vớt. 

Tại bảng A, bảng đấu nhẹ nhất, chủ nhà Lithuania chung bảng với Venezuela, Kazakhstan và Costa Rica, không đội nào là đội mạnh.

Đội tuyển futsal Việt Nam đối đầu Brazil ở trận ra quân tại World Cup - 4

Đội tuyển futsal Việt Nam đã có chuyến tập huấn tại Tây Ban Nha trước khi tham dự VCK World Cup futsal 2021.

Ở bảng B, đương kim Á quân Nga khả năng cao sẽ nhất bảng, trong khi Uzbekistan tranh vé nhì bảng với Ai Cập, còn Guatemala bị đánh giá thấp nhất trong bảng đấu này.

Tại bảng C, Bồ Đào Nha gần như cầm chắc vé đầu bảng, trong khi đại diện của Đông Nam Á và Thái Lan sẽ tranh vé với Morocco và Quần đảo Solomon. Trong số này, Quần đảo Solomon là ẩn số của giải. 

Ở bảng E, cựu vô địch thế giới Tây Ban Nha mạnh nhất, trong khi cựu vô địch châu Á Nhật Bản có cơ hội trước Angola và Paraguay, những đội bóng cũng không thật mạnh trong môn futsal.

Đội tuyển futsal Việt Nam đối đầu Brazil ở trận ra quân tại World Cup - 5

Đương kim vô địch Argentina cũng được đánh giá rất cao tại giải năm nay.

Còn tại bảng F, đương kim vô địch thế giới Argentina và đội bóng giàu thành tích nhất châu Á Iran sẽ cạnh tranh ngôi đầu bảng, trong khi Mỹ và Serbia sẽ nhắm vào chiếc vé vớt dành cho các đội đứng thứ ba có thành tích tốt nhất.

Khác với môn bóng đá, trong môn futsal, Đức, Hà Lan, Pháp, Uruguay hầu như không quan tâm phát triển môn chơi này, họ cũng không mấy khi góp mặt ở các VCK World Cup futsal. Trường hợp tương tự cũng rơi vào các đội Bắc Âu, vốn là những quốc gia có "số má" trong môn bóng đá sân cỏ.

Cũng trong môn futsal, dạng bất ngờ động trời như sự kiện Đan Mạch vô địch châu Âu năm 1992, Hy Lạp đoạt cúp bạc Euro năm 2004, hay Uruguay vô địch World Cup 1950, chưa bao giờ xảy ra hoặc có cơ hội xảy ra, vì chênh lệch giữa các nhóm đội là rất lớn. 

Đấy cũng là một phần lý do mà qua 8 lần tổ chức giải, chỉ mới có ba đội vô địch World Cup futsal, gồm Brazil (5 lần), Tây Ban Nha (hai lần) và Argentina (một lần).


Kim Điền/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/the-thao/doi-tuyen-futsal-viet-nam-doi-dau-brazil-o-tran-ra-quan-tai-world-cup-20210912205929956.htm#dt_source=Cate_TheThao&dt_campaign=MainList&dt_medium=1

  • Từ khóa