Ngoài tiền lương, chế độ dinh dưỡng đặc thù... vận động viên (VĐV) thể thao thành tích cao còn được bảo đảm học tập văn hóa, chính trị.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc giúp VĐV vừa duy trì tập luyện thể thao vừa học tập văn hóa là nhiệm vụ cấp thiết.
Dạy và học đặc thù
Gần một tháng qua, em Đỗ Minh Hiếu, học sinh Lớp 12A, Trường Phổ thông Năng khiếu Thể dục thể thao (TDTT) Hà Nội, VĐV đội tuyển trẻ bi sắt Hà Nội, luôn duy trì học văn hóa và học kỹ thuật môn bi sắt theo hình thức trực tuyến. Mỗi tuần, Minh Hiếu học 5 buổi văn hóa, gồm 3 buổi chiều và 2 buổi tối. Minh Hiếu kể rằng, ban đầu việc phải sử dụng hai phần mềm trực tuyến khá rắc rối, thời gian ngồi máy tính lâu khiến cơ thể mệt mỏi. Về sau, khi đã quen với nhịp học trực tuyến, Minh Hiếu luôn hoàn thành tốt các bài tập. Đỗ Minh Hiếu cho hay: “Càng ngày những buổi học trực tuyến của em càng thú vị hơn khi các thầy cô đã cắt giảm khối lượng kiến thức, thay vào đó có thêm những câu đố vui, trò chơi tương tác giúp mọi người giảm căng thẳng”.
Đại diện Công đoàn Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh tặng quà học sinh, vận động viên vovinam Lê Thị Bồng (giữa).Ảnh: THÀNH NHÂN |
Cũng giống như Đỗ Minh Hiếu, thời gian qua, VĐV Trần Út Ngọc, sinh viên năm thứ ba chuyên ngành võ karate, Trường Đại học TDTT Bắc Ninh, thành viên của đội tuyển đấu kiếm Việt Nam, đang nỗ lực hoàn thành các buổi học trực tuyến. Do đội tuyển đấu kiếm Việt Nam đang tập huấn tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) nên mỗi ngày, Út Ngọc tập luyện hai buổi theo giáo án của ban huấn luyện, buổi tối là quãng thời gian em học trực tuyến. Dù khá mệt mỏi sau mỗi buổi tập nhưng với Trần Út Ngọc, việc học trực tuyến trong thời điểm dịch bệnh vẫn là điều may mắn. Trần Út Ngọc lý giải: “Trước khi có dịch Covid-19, hằng ngày, sau mỗi buổi tập luyện thể lực, kỹ thuật, buổi tối em phải di chuyển từ Hà Nội đến Bắc Ninh để học tập. Mặc dù học trực tuyến, kiến thức mình thu được không bằng học trực tiếp, song đây cũng là cách để chúng em cắt giảm thời gian, sớm hoàn thành các môn học”.
Cũng đang học tập tại Trường Đại học TDTT Bắc Ninh, song thời gian qua, tuyển thủ đấu kiếm quốc gia Vũ Thành An, sinh viên năm thứ hai chuyên ngành golf đang phải điều trị chấn thương. Mặc dù chưa thể học cùng các bạn, song Thành An cho biết, sau khi chữa trị xong chấn thương, em sẽ dành thời gian để trả nợ môn. Đây cũng là cách học đặc thù đối với những VĐV thể thao thành tích cao, bởi trong quá trình học tập, các em còn bận đi thi đấu hoặc có quãng thời gian điều trị chấn thương và phục hồi thể trạng.
Chung tay tháo gỡ khó khăn
Trường Phổ thông Năng khiếu TDTT Hà Nội hiện đang dạy học văn hóa cho gần 1.500 em từ lớp 1 đến lớp 12, đó là các VĐV thuộc tuyến năng khiếu và tuyến trẻ của thể thao Hà Nội. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Quân đội nhân dân, giáo viên nhà trường đã xây dựng việc dạy học theo sách giáo khoa mới dành cho lớp 2 và lớp 6 với phương châm dễ hiểu, dễ học. Ông Nguyễn Phúc Anh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Tính đến thời điểm hiện tại, 100% học sinh nhà trường tham gia học trực tuyến đầy đủ. Chúng tôi đang chuẩn bị các phương án để sẵn sàng đón học sinh trở lại trường khi có chỉ đạo".
Được biết, phần lớn học sinh của Trường Phổ thông Năng khiếu TDTT Hà Nội hiện đang ăn, ở, sinh hoạt tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội. Trong quá trình học trực tuyến, các em đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ trung tâm. Ông Lại Phúc Lộc, Phó giám đốc trung tâm cho biết: “Sau khi nhận được kiến nghị từ Trường Phổ thông Năng khiếu TDTT Hà Nội, trung tâm đã tiến hành nâng cấp đường truyền internet. Trước đây, các em chủ yếu tra cứu tài liệu học tập qua mạng 3G, tốc độ đường truyền khá chậm, nay tốc độ internet tại trung tâm đã bảo đảm để vừa học văn hóa vừa duy trì các buổi tập thể thao trực tuyến”.
TP Hồ Chí Minh đang là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19. Với phương châm không để VĐV “đứt mạch” học văn hóa, thời gian qua, Trường THPT Năng khiếu TDTT TP Hồ Chí Minh đã chủ động phối hợp với các đơn vị nhằm tháo gỡ khó khăn. Hiện nhà trường đang dạy văn hóa cho gần 300 học sinh THPT và 100% học sinh duy trì việc học văn hóa trực tuyến. Được biết, ban đầu, việc dạy trực tuyến của nhà trường còn nhiều khó khăn, lúng túng vì thiếu thiết bị dạy học. Hiện tại, nhà trường đã có kinh nghiệm trong việc dạy trực tuyến, bảo đảm đúng tiến độ dạy học cho học sinh. Bà Nguyễn Thị Mỹ Hậu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Khi bắt đầu dạy và học trực tuyến, nhà trường có 3 học sinh không đủ điều kiện mua thiết bị học tập do hoàn cảnh khó khăn vì bố hoặc mẹ mất vì nhiễm Covid-19. Nhà trường đã vận động hội phụ huynh mua điện thoại thông minh để giúp các em học trực tuyến. Ngoài ra, Công đoàn Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cũng có những phần quà thiết thực hỗ trợ các em vượt qua khó khăn".
HỮU TRƯỞNG/qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/khong-de-van-dong-vien-dut-mach-hoc-van-hoa-673106