Bộ trưởng Di trú Australia Alex Hawke cho biết dựa trên các căn cứ về y tế và vì lợi ích của người dân, ông đã sử dụng quyền hạn trong Đạo luật Di trú để hủy thị thực của Djokovic.
Tay vợt người Serbia Novak Djokovic thi đấu tại giải ATP Cup 2021 ở Melbourne, Australia. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 14/1, Chính phủ Australia đã lần thứ hai hủy thị thực của ngôi sao quần vợt Novak Djokovic, dù tay vợt này từng kháng nghị thành công quyết định trục xuất trước đó của nước này.
Trong tuyên bố, Bộ trưởng Di trú Australia Alex Hawke cho biết, dựa trên các căn cứ về y tế và vì lợi ích của người dân, ông đã sử dụng quyền hạn trong Đạo luật Di trú để hủy thị thực của Djokovic.
Quyết định này đồng nghĩa với việc Djokovic sẽ không được cấp thị thực mới để nhập cảnh vào Australia trong 3 năm tới, trừ phi có trường hợp đặc biệt.
Với quyết định của ông Hawke, Djokovic nhiều khả năng sẽ không thể tham dự giải Australian mở rộng, bắt đầu vào ngày 17/1. Nếu đội ngũ pháp lý của anh không thành công khi đưa sự việc ra tòa án lần thứ hai, tay vợt này sẽ bị trục xuất khỏi Australia.
Trước đó, tay vợt số một thế giới đã kháng nghị thành công chống lại lệnh trục xuất của Australia sau khi giới chức biên phòng cho rằng anh đã không đáp ứng các quy định nhập cảnh của nước này.
Trong phán quyết, thẩm phán Anthony Kelly cho rằng quyết định thu hồi thị thực của Djokovic là không phù hợp, đồng thời yêu cầu thả tay vợt cũng như trả lại cho anh hộ chiếu và các giấy tờ đi lại khác.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Di trú Alex Hawke ngay lúc đó khẳng định ông vẫn có quyền thu hồi thị thực và trục xuất Djokovic.
Djokovic đã đến Melbourne để tham dự giải Australia Mở rộng, nơi anh từng giành tới 9 chức vô địch. Trước khi khởi hành, Djokovic chia sẻ thông tin trên Instagram cá nhân rằng anh được đặc cách tham gia giải Australia mở rộng mà không phải xuất trình chứng nhận đã tiêm phòng Covid-19 đầy đủ.
Tuy nhiên, lực lượng chức năng Australia ra thông báo cho biết do không cung cấp đủ giấy tờ đáp ứng quy định nhập cảnh Australia nên thị thực nhập cảnh của Djokovic bị hủy.
Khi đến sân bay Melbourne tối 5/1, Djokovic đã bị giới chức biên phòng Australia chặn lại vì không có chứng nhận tiêm vaccine phòng Covid-19 và được chuyển đến cơ sở tạm giữ người nhập cư ở Melbourne.
Djokovic sau đó đã đệ đơn kháng nghị chống lại quyết định trục xuất của cơ quan chức năng Australia đối với anh. Phía luật sư của Djokovic cho rằng tay vợt đáp ứng đủ tiêu chí để được tạm thời hoãn tiêm vaccine ngừa Covid-19 vì anh đã mắc bệnh này vào tháng 12/2021.
Theo nhandan.vn