Những kỳ Sea Games lịch sử của thể thao Việt Nam(*): Đường lên đỉnh vinh quang

Thứ 4, 27.04.2022 | 00:00:00
780 lượt xem

Từng đứng đầu bảng tổng sắp huy chương SEA Games 22, thể thao Việt Nam quyết tái hiện kỳ tích này khi được trao quyền đăng cai kỳ đại hội thứ 31, với chủ trương thi đấu tích cực và trung thực, hướng tới việc nâng tầm thể thao Đông Nam Á

Ở lần đầu tiên đăng cai SEA Games 22 năm 2003, Việt Nam đặt mục tiêu giành ngôi nhất toàn đoàn (và hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu này) với rất nhiều môn thi đấu được đầu tư xây dựng theo phương châm "đi tắt đón đầu".

Vươn tầm ra biển lớn

Tại SEA Games 31 này, Việt Nam dù vẫn chú trọng đến việc đua tranh thành tích nhưng lại không xem đây là mục tiêu hàng đầu, phải giành được bằng mọi giá. Trong vai trò chủ nhà lần này, Việt Nam hướng tới việc cùng bạn bè trong khu vực nâng tầm thể thao Đông Nam Á, từ cam kết không cắt giảm bất cứ nội dung nào của các môn trong hệ thống Olympic cho đến việc từ chối dùng các nội dung thế mạnh chỉ để tranh chấp huy chương.

Tất cả nhằm tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng, từng bước xóa bỏ dần tư duy "sân chơi ao làng" đè nặng lên sân chơi SEA Games nhiều thập kỷ qua.

NHỮNG KỲ SEA GAMES LỊCH SỬ CỦA THỂ THAO VIỆT NAM (*): Đường lên đỉnh vinh quang - Ảnh 1.

Chủ nhà Việt Nam sẽ nỗ lực vì một kỳ SEA Games chu đáo, an toàn và thành công Ảnh: NGỌC LINH

Bài test về năng lực tổ chức cũng như khả năng cam kết một kỳ đại hội “sạch” của chủ nhà Việt Nam sẽ có giá trị hơn cả vị trí số 1 trên bảng tổng sắp huy chương chung cuộc.

Sự tự tin của thể thao Việt Nam (TTVN) vào tương lai là hoàn toàn có cơ sở. Từ lần góp mặt trong 4 hạng đầu tại SEA Games 2001, Việt Nam "vượt vũ môn" chạm tay đến vị trí số 1 toàn đoàn tại SEA Games 2003 trên sân nhà với hơn 150 HCV. Kể từ đó, TTVN luôn góp mặt trong tốp 3 ở tất cả các kỳ SEA Games, bao gồm cả 2 lần xếp thứ nhì đại hội vào các năm 2009 (Lào) và 2019 (Philippines).

Đa phần những thành quả kể trên đều đến từ việc TTVN xác định mục tiêu theo hướng nhắm đến đấu trường châu lục và thế giới, đầu tư mạnh và phát triển các môn trong hệ thống Olympic thay vì loay hoay với những loại hình thể thao bản địa.

Mở ra chặng đường mới

SEA Games 30 là kỳ đại hội đã đi vào lịch sử khi ghi nhận những bước tiến mới của TTVN. Theo đó, bóng đá nam lên ngôi vua sau 60 năm, bóng đá nữ đoạt ngôi hậu đến lần thứ 6, quần vợt lần đầu tiên có chức vô địch đơn nam sau hơn nửa thế kỷ, bóng bàn chờ 10 năm để giành lại chức vô địch đôi nam, điền kinh lần thứ nhì liên tiếp qua mặt cường quốc Thái Lan để nắm giữ vị trí số 1 khu vực, bơi có kỳ đại hội thứ 3 liên tiếp giữ vững ngôi á quân khu vực chỉ sau Singapore...

Bóng đá được xếp số 1 SEA Games 30 cùng với điền kinh, vật, cử tạ, bắn cung; số 2 có bơi, canoeing, kayak, quần vợt; số 3 là hàng loạt môn hấp dẫn như rowing, boxing, billiards, karatedo, bóng bàn, taekwondo, bóng chuyền, bóng rổ... Đó là sự khẳng định thể thao Việt Nam đang đi đúng hướng ở nhóm môn cơ bản Olympic. Đây chính là nền tảng để chúng ta nghĩ đến những bước tiến vững chắc trong tương lai.

Việc lần đầu tiên vươn lên vị trí thứ nhì trên bảng tổng sắp huy chương, trong một kỳ đại hội tổ chức ở nước ngoài tại SEA Games 30 là vinh dự, tự hào nhưng cũng đồng thời đặt ra nhiều thách thức cho TTVN. Tại SEA Games 31 sắp tới, 10 quốc gia trong khu vực sẽ dõi theo màn trình diễn của các đội tuyển thể thao nước chủ nhà, trong tinh thần cạnh tranh quyết liệt, không khoan nhượng, bảo đảm sự trung thực.

SEA Games 31 được kỳ vọng sẽ mở ra một chặng đường mới cho TTVN, thay vì hài lòng với vị thế hiện có ở một vùng trũng của thể thao thế giới. 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 25-4


ĐÔNG LINH/nld.com.vn

https://nld.com.vn/the-thao/nhung-ky-sea-games-lich-su-cua-the-thao-viet-nam-duong-len-dinh-vinh-quang-20220426204415914.htm

  • Từ khóa