Giành 5 huy chương vàng (HCV) trong 12 nội dung thi đấu, đội tuyển đấu kiếm Việt Nam đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra tại SEA Games 31. Tuy nhiên, để phát triển mạnh mẽ hơn, các nhà quản lý môn thể thao này tại Việt Nam đang tìm hướng đi mới theo hình thức xã hội hóa.
Ít ngày sau SEA Games 31, các kiếm thủ Việt Nam đã trở lại tập luyện với cường độ cao để chuẩn bị thi đấu Giải vô địch Đông Nam Á 2022 sẽ tranh tài đầu tháng 7. Chưa kể, sau đó, các kiếm thủ Việt Nam còn cơ hội tranh tài ở giải vô địch thế giới 2022 (tổ chức giữa tháng 7 tại Ai Cập). Nếu được thi đấu đủ hai giải đấu trên, các tuyển thủ của đội tuyển đấu kiếm Việt Nam sẽ được cọ xát chuyên môn và tích lũy kinh nghiệm hiệu quả.
Xuyên suốt quá trình chuẩn bị cho SEA Games 31, đấu kiếm là một trong số ít môn mà vận động viên (VĐV) phải "tập chay", không dự bất kỳ giải quốc tế nào cũng như không thể thi đấu giải vô địch quốc gia 2021 do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Năm 2020 và 2021, tuyển thủ đấu kiếm Việt Nam cũng tiếc nuối khi không có nhiều cơ hội dự một số giải đấu quốc tế để tích lũy đủ điểm nhằm tranh vé dự Olympic Tokyo 2020. Mặt khác, yếu tố về kinh phí hạn hẹp là nguyên nhân bó hẹp các hoạt động thi đấu quốc tế của đội tuyển đấu kiếm Việt Nam, trong đó có việc mua sắm trang thiết bị phục vụ tập luyện, thi đấu.
Kiếm thủ Vũ Thành An (bên phải) trong trận chung kết nội dung đơn nam kiếm chém, tại SEA Games 31.Ảnh: HỮU TRƯỞNG |
Đi tìm lời giải cho điều này, những người tâm huyết với đấu kiếm Việt Nam đang vận động các nhà hảo tâm để tổ chức đại hội thành lập Liên đoàn Đấu kiếm Việt Nam. Nếu kế hoạch thành công, Liên đoàn Đấu kiếm Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng cường các hoạt động tổ chức chuyên môn và tìm được nhiều nguồn lực xã hội đồng hành.
Ông Phùng Lê Quang, cán bộ phụ trách môn đấu kiếm, Tổng cục Thể dục thể thao cho biết: “Với các quốc gia phát triển, đấu kiếm không chỉ là thi đấu thể thao thành tích cao mà còn có nhiều câu lạc bộ (CLB) được xây dựng để người dân tập luyện phong trào. Chúng tôi hy vọng nếu Việt Nam có điều kiện và cơ hội thì sẽ mở được những CLB xã hội hóa phổ cập như vậy, người dân được tiếp cận hơn với môn đấu kiếm. Tuy nhiên, tất cả phải có sự kiểm tra và bảo đảm an toàn”. Trong khi đó, Huấn luyện viên trưởng đội tuyển đấu kiếm Việt Nam Phạm Anh Tuấn cho hay: “Chúng tôi rất hy vọng Liên đoàn Đấu kiếm Việt Nam được tổ chức đại hội đúng kế hoạch vào cuối tháng 6 để tạo sự kết nối với các liên đoàn đấu kiếm trên thế giới. Đặc biệt, liên đoàn sẽ tìm được những người tâm huyết, chung sức xây dựng nguồn lực để phát triển môn đấu kiếm tại Việt Nam".
Đấu kiếm là môn thể thao nằm trong chương trình thi đấu ASIAD, Olympic. Chúng ta đã có những kết quả thành tích cao với đấu kiếm tại SEA Games và rất chờ một lần giành được tấm huy chương cao nhất ở ASIAD (thành tích tốt nhất là hai huy chương đồng tại ASIAD 2014). “Nếu có nguồn lực xã hội, tức là có sự đầu tư mạnh về tài chính, tuyển thủ đấu kiếm được thi đấu tập huấn nước ngoài nhiều thì chắc chắn sẽ tăng cường tốt chuyên môn. Chúng ta sở hữu những VĐV có năng lực nhưng sự đầu tư mới là điều cần thiết”, huấn luyện viên Phạm Anh Tuấn phân tích.
Nếu Liên đoàn Đấu kiếm Việt Nam ra mắt và hoạt động hiệu quả, chắc chắn đấu kiếm Việt Nam sẽ được hưởng lợi và thúc đẩy nhiều địa phương quan tâm đầu tư môn thể thao này. Hiện tại, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai địa phương đầu tư mạnh nhất cho môn đấu kiếm và đóng góp nhiều tuyển thủ cho đội tuyển quốc gia. Cũng như nhiều môn thể thao khác, muốn phát triển thì đấu kiếm Việt Nam cần sự chung tay, góp sức từ các nguồn lực xã hội.
DIỆU PHƯƠNG/qdnd.vn
https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/dau-kiem-viet-nam-tim-huong-di-moi-696766