Với việc FIFA tăng suất tham dự World Cup 2026 từ 32 đội lên 48 đội, trong đó châu Á từ 4,5 suất tăng lên 8,5 suất, đội tuyển Việt Nam có cơ hội góp mặt ở giải đấu hấp dẫn nhất thế giới?
Tăng suất nhưng tăng độ khó
Với việc World Cup 2026 tới đây sẽ có 48 đội bóng tham dự, tăng 16 đội so với World Cup 2022, các đội bóng châu Á cũng có thêm nhiều suất tham dự. Theo phân bổ của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA), châu Á sẽ có 8,5 suất tham dự (8 suất trực tiếp và một suất play-off liên lục địa).
Suất tham dự World Cup của châu Á nhiều hơn, cơ hội của các đội bóng tầm trung có mặt ở giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh cũng sẽ nhiều hơn, nhưng nhìn một cách tổng quan thì độ khó cũng tăng lên không kém.
Do sẽ có 8,5 suất dự giải thay vì 4,5 suất như hiện nay nên Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đã có sự điều chỉnh hình thức thi đấu nhằm mang tới sự công bằng cũng như tính hấp dẫn cho giải và sẽ có tới 4 vòng tranh tài để chọn ra 8,5 suất tham dự nói trên.
World Cup 2026 phân bổ cho châu Á 8,5 suất nhưng độ khó cũng sẽ tăng lên với các đội tuyển (Ảnh: Mạnh Quân).
Ở vòng 1, được xem là vòng sơ loại, sẽ dành cho 22 đội bóng có thứ hạng thấp nhất trên bảng FIFA tham dự (từ hạng 26 đến 47 châu Á). Sau đó AFC sẽ lấy 11 đội thắng trong các cặp đấu loại trực tiếp để vào chơi ở vòng 2.
Tại vòng 2, hình thức khá giống ở World Cup 2022, đó là các đội sẽ được chia vào nhóm hạt giống để bốc thăm vào các bảng đấu thi đấu vòng tròn hai lượt, tính điểm nhằm chọn các đội đứng đầu đi tiếp.
Việc các đội bóng quá yếu đã "rơi rụng" hết từ vòng sơ loại khiến vòng 2 được dự đoán sẽ không còn quá nhiều sự chênh lệch trình độ như trước. Tính khốc liệt cũng bắt đầu ngay từ vòng đấu này. Đáng chú ý, mỗi bảng đấu ở vòng 2 sẽ chỉ có 4 đội tuyển thay vì 5 đội như trước, đồng nghĩa các đội sẽ đá 6 trận thay vì 8 trận như trước.
Sau vòng này, 18 đội bóng (xếp nhất, nhì của 9 bảng) sẽ giành quyền đi tiếp vào vòng 3 và được đảm bảo có một tấm vé tham dự Asian Cup 2027.
Dù tăng thêm 4 suất cho châu Á, nhưng tấm vé trực tiếp tham dự World Cup vẫn là quyền tự quyết của các "ông lớn" châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran.. (Ảnh: GI).
Ở vòng loại thứ 3, 18 đội bóng sẽ chia thành 3 bảng, mỗi bảng gồm 6 đội thi đấu vòng tròn theo thể thức đá sân nhà, sân khách giống như cũ và đây là vòng đấu gần như chỉ có những "ông lớn" ở châu Á tham dự.
Sau vòng 3 sẽ chọn ra được 6 đội tuyển mạnh nhất (xếp nhất, nhì ở 3 bảng) trực tiếp giành vé tham dự World Cup 2026. Và 2,5 suất còn lại sẽ tiếp tục được định đoạt ở vòng 4 và sẽ là cuộc cạnh tranh giữa 6 đội tuyển xếp hạng 3-4 của ba bảng đấu tại vòng loại thứ 3.
Ở vòng 4, các đội sẽ được chia làm hai bảng thi đấu vòng tròn một lượt. Hai đội nhất bảng sẽ giành vé đi World Cup 2026. Hai đội nhì sẽ đấu một trận play-off để quyết định 0,5 suất còn lại.
Cơ hội nào cho tuyển Việt Nam?
Dù số suất tham dự World Cup 2026 tăng lên, nhưng việc tuyển Việt Nam có thể cạnh tranh tấm vé tham dự giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh cũng sẽ rất khó khăn. Tuyển Việt Nam sẽ không phải đá ở vòng sơ loại, nhưng ngay từ vòng 2 trở đi, thầy trò HLV Park Hang Seo đều phải thận trọng trong từng trận đấu để có thể tiến sâu vào giải.
Nếu vượt qua được vòng 2, tuyển Việt Nam cũng khó lòng cạnh tranh tấm vé trực tiếp tham dự World Cup 2026, bởi 6 suất nhất nhì bảng ở vòng 3 khó thoát khỏi tay các "ông lớn" như Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, Australia, Saudi Arabia, Qatar. Đây đều là những vị khách quen tại các VCK World Cup gần đây. Thế nên việc họ được đánh giá cao là đương nhiên.
Tuyển Việt Nam phải xây dựng được một đội hình có chiều sâu, lối đá đa dạng ngay từ bây giờ để chuẩn bị cho việc cạnh tranh vé tham dự World Cup 2026.
Tuyển Việt Nam sẽ phải đặt mục tiêu giành thứ hạng 3 hoặc 4 nếu có mặt ở bảng đấu thuộc vòng 3, để hi vọng cạnh tranh 2,5 suất còn lại cho vòng 4. Đây cũng là vòng đấu mà tính cạnh tranh không kém phần khốc liệt khi đối thủ của chúng ta có thể là những Uzbekistan, UAE, Iraq, Syria, Lebanon, Bahrain, Jordan, Oman, thậm chí là cả Triều Tiên, Trung Quốc hay Thái Lan.
Có thể nói việc đi tới vòng 4 đã không phải chuyện đơn giản, chứ chưa nói tới việc đứng đầu bảng đấu tại vòng loại này để giành vé đi thẳng tới World Cup. Trong trường hợp được đá play-off liên lục địa, cơ hội càng trở nên nhỏ nhoi hơn với đội tuyển Việt Nam, khi mà đối thủ của chúng ta sẽ là đại diện của Nam Mỹ hoặc CONCACAF.
Rõ ràng việc World Cup 2026 tăng số đội tham dự chưa hẳn là sẽ mang tới những thuận lợi cho đội tuyển Việt Nam nói riêng và các đội bóng tầm trung khác nói chung. Cơ hội với thầy trò HLV Park Hang Seo có thể tăng nhưng cuộc cạnh tranh vẫn sẽ rất khốc liệt, thậm chí còn căng thẳng hơn khi số lượng trận đấu tăng lên.
Ngay từ lúc này, HLV Park Hang Seo buộc phải xây dựng cho mình một đội hình có chiều sâu, có thêm nhiều nhân tố mới cũng như lối chơi đa dạng để đủ sức cạnh tranh với các đội tuyển mạnh ở châu lục, lúc đó mới có thể kỳ vọng về lần đầu tiên tham dự giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh trong 4 năm tới.
Bảng xếp hạng FIFA của 23 đội tuyển hàng đầu châu Á (Ảnh: FIFA).
Sông Lam/dantri.com.vn