FIFA tăng số đội tham dự ở World Cup 2026 từ 32 lên 48 đội, mở ra cơ hội với các đội bóng châu Á. Dù vậy, theo VFF, bóng đá Việt Nam có rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là đào tạo trẻ.
Tại vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, thầy trò HLV Park Hang Seo vào tới vòng loại thứ ba. Đây là thành tích cao nhất của bóng đá Việt Nam từ trước tới nay. Tuy nhiên, chúng ta chỉ xếp cuối bảng sau 10 trận đấu, giành được 4 điểm với một trận thắng trước Trung Quốc và một trận hòa trước Nhật Bản.
Nếu ở vòng loại World Cup 2026, đội tuyển Việt Nam không thể làm tốt hơn, thì giấc mơ tham dự giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh vẫn chưa thể thực hiện được. Theo đó, chúng ta không chỉ phải vào tới vòng loại thứ ba, mà còn phải ít nhất đứng thứ 3 hoặc thứ 4 của bảng đấu để có mặt ở vòng thứ 4 để có cơ hội đi tiếp.
Cụ thể, 18 đội ở vòng loại thứ 3 được chia làm 3 bảng, 2 đội đứng đầu mỗi bảng có vé tới Bắc Mỹ. 6 đội đứng thứ 3 và 4 ở các bảng được bốc thăm chia làm hai bảng, mỗi bảng có 3 đội tiếp tục thi đấu ở vòng 4. Các đội thi đấu vòng tròn một lượt tính điểm xếp hạng.
Đội tuyển Việt Nam phải làm tốt hơn ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 (Ảnh: Tiến Tuấn).
Hai đội dẫn đầu mỗi bảng ở vòng 4 giành 2 suất đi thẳng còn lại của châu Á để dự World Cup 2026. Hai đội đứng thứ 2 thi đấu play-off, đội thắng sẽ đấu trận play-off liên lục địa để giành tấm vé vớt.
Nhìn vào sự phát triển của bóng đá Việt Nam trong thời gian gần đây, đặc biệt là những sao mai đang nở rộ tại V-League, người hâm mộ hoàn toàn có quyền hy vọng vào một chiến tích lịch sử trong 4 năm tới.
Nhưng phải thẳng thắn thấy rằng, dù số đội dự World Cup ở khu vực châu Á được tăng lên nhưng việc giành vé cũng còn rất gian nan với đội tuyển Việt Nam, vì nhiều lý do.
Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh cho biết, với việc World Cup 2026 nâng số đội tham dự lên 48, các đội tuyển ở châu Á và các châu lục khác thêm cơ hội được góp mặt ở đấu trường lớn, đồng thời khiến vòng loại các khu vực trở nên hấp dẫn hơn. Vì vậy, các quốc gia trong khu vực cũng sẽ tập trung đầu tư mạnh mẽ hơn nhằm gia tăng sức cạnh tranh.
"Điều quan trọng nhất là chúng ta phải duy trì tốt và ổn định được thành tích trước đây, đồng thời phát triển đồng bộ cho bóng đá Việt Nam, đặc biệt là đầu tư cho hệ thống thi đấu trong nước, cho bóng đá trẻ…", ông Lê Hoài Anh cho biết.
Theo mục tiêu của VFF, bóng đá Việt Nam muốn dự World Cup thì các đội U16 cho đến U23 phải liên tục góp mặt ở vòng chung kết châu Á, còn đội tuyển quốc gia phải lọt vào tốp 10 châu Á từ nay đến năm 2030. Chỉ khi đạt được những mục tiêu này, bóng đá Việt Nam mới có cơ hội tham dự World Cup, nhưng ít nhất phải tới tầm năm 2030.
"Bóng đá Việt Nam giai đoạn hiện tại vẫn chưa đạt tới đẳng cấp World Cup. Điều này đã được thể hiện thông qua kết quả tại vòng loại thứ ba của World Cup 2022. Tuy nhiên, chúng ta vẫn nhìn thấy những điểm sáng từ sự tiến bộ của các cầu thủ", ông Lê Hoài Anh nhấn mạnh.
Bóng đá Việt Nam có rất nhiều việc phải làm (Ảnh: Tuấn Anh).
Trong khi đó, các chuyên gia bóng đá Việt Nam cho rằng World Cup vẫn là câu chuyện dài bởi ngoài sự đầu tư rất tốn kém, chúng ta còn phải cạnh tranh khốc liệt với những đội nhỉnh hơn hoặc ngang tầm trong châu lục.
Cụ thể, với 8,5 suất dự World Cup 2026, thì có 6 suất gần như thuộc về các đội tuyển mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Australia, Saudi Arabia, Qatar... Nhiều đội bóng khác cũng nhỉnh hơn hoặc ngang với Việt Nam rất nhiều.
Như vậy, cơ hội với đội tuyển Việt Nam nhưng cũng là cơ hội với Thái Lan, Trung Quốc, Uzbekistan, Syria, Bahrain, Lebanon, Jordan, Oman... Trong khi các quốc gia này còn đầu tư mạnh hơn Việt Nam rất nhiều.
"Điều quan trọng lúc này là chất lượng của các giải vô địch quốc gia, sự quan tâm tới các tuyến trẻ và bài toán đầu tư cụ thể là bao nhiêu tiền. Các quốc gia đặt mục tiêu dự World Cup họ thường phải chi hàng chục triệu USD. Đó là bài toán không dễ với Việt Nam", một chuyên gia phân tích.
An An/dantri.com.vn