6 thành viên Đoàn thể thao Việt Nam cùng một số VĐV các quốc gia khác trong khu vực có kết quả dương tính với chất cấm sau khi tham dự SEA Games 31 là thông tin gây xôn xao dư luận vài ngày qua, và đây không phải là chuyện mới xảy ra lần đầu
Hơn 3 tháng sau khi SEA Games 31 kết thúc, số lượng khoảng 1.000 mẫu xét nghiệm doping từ 11 đoàn thể thao khu vực mới được hoàn tất, nhiều thông tin ban đầu về những VĐV "trót nhúng chàm" lập tức được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Tin tức còn được đẩy "nhanh như chớp" khi liên quan đến việc sử dụng doping của "2 VĐV điền kinh Việt Nam giành huy chương tại SEA Games"...
Thực tế cho thấy, không phải mẫu xét nghiệm A nào có kết quả dương tính cũng đồng nghĩa với việc mẫu xét nghiệm B sẽ cho kết quả tương tự. Điều này đã được chứng minh qua trường hợp của V.A.K.K và N.T.B.T của đội tuyển thể hình Việt Nam khi cả hai được "minh oan" sau khi có kết quả dương tính ở đợt xét nghiệm được tổ chức vào tháng 4-2022 tại TP HCM, tức trước lúc chốt danh sách Đoàn TTVN tham dự SEA Games 31.
Mọi việc vẫn còn chờ thông báo chính thức từ Tổ chức phòng chống doping quốc tế (WADA) sau khi đối chiếu các kết quả xét nghiệm ban đầu với mẫu B được lưu giữ tại Phòng Xét nghiệm doping ở Bangkok - Thái Lan, nơi được WADA ủy quyền và chứng nhận mọi kết quả xét nghiệm về doping trong thể thao tại khu vực Đông Nam Á.
Không ai cổ xúy việc sử dụng doping, tức dùng các hoạt chất và những phương pháp có tác dụng làm tăng một cách giả tạo thành tích thể thao, vừa làm tổn hại đến thể chất, tâm lý, đạo đức của người sử dụng vừa gian lận thành tích gây tổn thương đến các VĐV chân chính luôn muốn vươn đến đỉnh cao bằng nỗ lực bản thân. Tuy nhiên, trách cứ bất kỳ ai cũng cần đúng người, đúng tội.
Một lực sĩ thể hình rất có triển vọng phải vắng mặt tại SEA Games 31, vì dương tính với chất cấm. (Ảnh: ĐÀO TÙNG)
Con số thống kê chưa đầy đủ cho thấy, tính đến trước SEA Games 31, có đến 16 tuyển thủ Việt Nam bị phát hiện sử dụng chất cấm và trong số này, môn cử tạ chiếm tới 6 trường hợp. Bài học đắt giá từ các trường hợp đáng tiếc của Hoàng Anh Tuấn, Trịnh Văn Vinh (cử tạ), Đỗ Thị Ngân Thương (thể dục dụng cụ), Hoàng Hồng Anh (canoeing)… xem ra khó được thế hệ VĐV ngày nay tiếp thu một cách trọn vẹn để rút tỉa kinh nghiệm cho chính mình.
Sáu thành viên của đội tuyển thể hình Việt Nam bị trả về địa phương trước SEA Games 31 do có kết quả dương tính với doping, hay chuyện cả đội tuyển thể hình Philippines đã có mặt tại Việt Nam nhưng không xuất trình được giấy chứng nhận doping theo yêu cầu của Ban Tổ chức SEA Games 31, đã trở thành các vị khách du lịch bất đắc dĩ thay vì được quyền tranh tài trên sàn đấu. Tất cả chỉ mới là bề nổi của "tảng băng doping" đe dọa các quan điểm về thể thao trung thực, cao thượng ở các kỳ đại hội thể thao.
Mới đây, Singapore đã công bố việc hai kình ngư Josheph Schooling và Amanda Lim thừa nhận sử dụng cần sa trong quá trình thi đấu ở SEA Games 31. Án phạt dành cho hai ngôi sao thể thao hàng đầu đảo quốc này là điều không thể tránh khỏi, tương tự là các hình thức chế tài chờ được ban hành với các VĐV mới có kết quả xét nghiệm, nặng nhẹ sẽ đều chung cảnh bị tước huy chương, bị cấm thi đấu còn Liên đoàn Thể thao quốc gia thì bị phạt tiền, cấm tham gia các sự kiện quốc tế của bộ môn đó trong một thời gian nhất định.
Kỳ tới: Ai thiệt, thiệt ai?
ĐÔNG LINH/nld.com.vn
https://nld.com.vn/the-thao/bong-ma-doping-rinh-rap-20220915200733376.htm