Để giảm mức án xuống nhẹ nhất, các VĐV Việt Nam có kết quả dương tính với doping tại SEA Games 31, sẽ phải tham gia một phiên điều trần với Hội đồng thể thao Đông Nam Á trước khi nhận mức án kỷ luật cuối cùng.
Như đã đưa tin, trong quá trình diễn ra SEA Games 31, Tiểu ban Y tế và Phòng chống doping của Ban tổ chức đã tiến hành xét nghiệm hơn 1000 mẫu thử (tương ứng với hơn 1000 VĐV của toàn đại hội).
Kết quả mẫu A (lần 1) cho thấy, nhiều vận động viên (VĐV) của các đoàn đã bị nghi dùng chất cấm, trong đó có 5 VĐV đội tuyển điền kinh Việt Nam. 5 VĐV này sau đó đã tiến hành xét nghiệm mẫu thử B (lần 2).
Đầu tháng 11/2022, phòng xét nghiệm Thái Lan (cũng là nơi mà Ban tổ chức SEA Games 31 chọn là đối tác để xét nghiệm mẫu A) tiến hành xét nghiệm mẫu B. Ngày 17/11, phía trung tâm xét nghiệm của Thái Lan thông báo cả 5 mẫu thử lần 2 của các VĐV Việt Nam vẫn có kết quả dương tính với chất cấm.
Kết quả xét nghiệm mẫu thử B (lần 2) với 5 VĐV đội tuyển điền kinh Việt Nam thi đấu tại SEA Games 31 tiếp tục dương tính (Ảnh: Hải Long).
Tiếp theo, các VĐV này phải làm giải trình và có phiên điều trần trước Hội đồng thể thao Đông Nam Á. Đây là cơ hội cuối cùng để các VĐV Việt Nam có thể được giảm tội, nếu như họ chứng minh được việc mình vô tình sử dụng chất cấm trong quá trình tập luyện, thi đấu.
Cựu Trưởng bộ môn điền kinh (Tổng cục Thể dục thể thao) Dương Đức Thủy cho biết, về luật, bất cứ Đại hội thể thao nào mặc định là phải có kiểm tra doping.
Thường thì VĐV giành HCV phải kiểm tra doping, hoặc những VĐV vào vòng chung kết. Ngoài ra, sẽ có một tỷ lệ khoảng 10% các VĐV bị nghi hoặc ngẫu nhiên. Đó là những trường hợp có sự bất thường trong thi đấu.
Ông Dương Đức Thủy cho rằng các VĐV Việt Nam vô tình dùng chất cấm chứ không ai dại gì hủy hoại sự nghiệp. Thực tế trong nhiều nội dung ở SEA Games 31, VĐV điền kinh Việt Nam không có đối thủ ở khu vực.
"Tôi cho rằng các VĐV vô tình dính chất cấm. Có thể các VĐV bị chấn thương trong khi công tác chăm sóc sức khỏe của Việt Nam thiếu và kém, họ sẽ tự chữa trị, tự mua thuốc ở ngoài.
Cũng có thể VĐV ăn uống không đúng cách. Dĩ nhiên bản thân VĐV họ không biết mắc ở đâu. Nếu như ở nước ngoài, nhiều quốc gia họ giữ lại mẫu thực phẩm tới vài tháng sau khi thi đấu để kiểm nghiệm, còn Việt Nam thì không có một quy chuẩn nào cả", ông thủy nói.
Theo một số nguồn tin, cả 5 VĐV dính doping của đội tuyển điền kinh Việt Nam đều dùng chung một loại thực phẩm chức năng có chất tăng cường chuyển hóa. Chất này không được ghi trên nhãn mác nên có thể các VĐV khi mua về sử dụng không biết là có chất cấm trong đó.
Nếu chứng minh được việc mình không biết có chất cấm trong thực phẩm đã sử dụng, các VĐV Việt Nam sẽ được giảm nhẹ tội. Tất nhiên, họ vẫn bị tước bỏ huy chương và nhận một mức án cấm thi đấu có thời hạn, như trường hợp của các VĐV cử tạ, thể dục dụng cụ, xe đạp trước đây.
Danh tính các VĐV hiện vẫn đang được Trung tâm phòng chống doping Việt Nam và bộ môn điền kinh giấu kín. Được biết, cả 5 VĐV điền kinh dính doping đều có thành tích huy chương ở SEA Games 31, trong đó có 4 VĐV nữ, 1 VĐV nam (4 HCV, 1 HCĐ).
Tại SEA Games 31, đội tuyển điền kinh Việt Nam bảo vệ thành công ngôi nhất toàn đoàn với tổng cộng 22 HCV, hơn đội xếp thứ nhì là Thái Lan tới 10 HCV.
An An/dantri.com.vn