Vòng bảng World Cup 2022 vẫn chưa kết thúc lượt đầu nhưng một số tình huống liên quan đến công nghệ hỗ trợ trọng tài qua video (VAR) tiếp tục được đưa ra để bàn thảo.
Xuất hiện thêm những tranh cãi
Còn nhớ, cú sốc đầu tiên tại World Cup 2022 xảy ra khi ứng cử viên vô địch Argentina gục ngã 1-2 trước Saudi Arabia ở bảng C. Khi đó, người ta lại bắt đầu đặt dấu hỏi về công tác duy trì trận đấu.
Đáng nói, đội tuyển xứ Tango đã 3 lần sút tung lưới đại diện châu Á trong hiệp 1 nhưng chỉ 1 lần được ăn mừng bàn thắng từ chấm 11m với sự trợ giúp của VAR. Hai lần còn lại với những pha dứt điểm của Messi và Lautaro Martinez, trọng tài đều từ chối công nhận sau khi tham khảo chính từ VAR.
Hình ảnh giải thích về tình huống VAR thổi việt vị đối với Martinez. Ảnh: Sky Sports |
Đặc biệt, trong tình huống của Martinez, công nghệ bắt việt vị bán tự động (SAOT) mà Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) mới áp dụng xác định phần tay áo của anh nhô cao hơn so với cầu thủ đối phương. Điều đáng nói ở đây là cả hai chân của tiền đạo Argentina vẫn đứng trên hậu vệ Saudi Arabia.
Quy định của FIFA có ghi rõ, một cầu thủ đang ở trong tư thế việt vị nếu bất kỳ bộ phận cơ thể nào của họ, ngoại trừ tay và cánh tay, ở trong nửa sân của đối thủ và gần vạch đích của đối thủ hơn cả bóng và cầu thủ đối phương cuối cùng thứ hai (không nhất thiết phải là thủ môn).
Trong trường hợp này, dường như VAR đã mắc sai sót khi bắt lỗi việt vị Martinez, khiến Argentina “mất oan” 1 bàn thắng hợp lệ. “VAR đã cho rằng Martinez việt vị vì phần cơ thể nào? Vì ống tay áo chăng?”, tờ The New York Times nhận định.
Tình huống Harry Maguire dường như bị kéo ngã nhưng trọng tài không thổi phạt Iran. Ảnh: Getty Images |
Trước đó, người hâm mộ đội tuyển Anh cũng nổi giận ở trận đấu với Iran sau khi trung vệ Harry Maguire dường như bị hậu vệ Roozbeh Cheshmi kéo ngã xuống đất. Tuy nhiên, trọng tài không can thiệp và sau một cuộc kiểm tra ngắn bằng VAR, không có một quả phạt đền nào được trao cho “Tam sư”.
Trong khi đó, ở phút bù giờ 90’+10, chính trọng tài này lại trao cho Iran một quả phạt đền khi cho rằng có tình huống kéo áo của trung vệ John Stone với cầu thủ Iran, giúp đội tuyển Tây Á có bàn thắng thứ hai mặc dù vẫn thua chung cuộc với tỷ số 2-6.
“Tôi đang không hiểu VAR được áp dụng như nào”, bình luận viên Clinton Morrison nói trên kênh BBC Radio 5 Live.
Trọng tài vẫn là “vua sân cỏ”
Thực chất, VAR hoạt động nhờ hệ thống camera lắp đặt quanh sân hoặc trên cao khán đài để ghi lại các tình huống trong trận đấu. Khi trái bóng vẫn đang lăn trên sân, các thành viên trong tổ VAR ngồi cách xa sân vận động sẽ xem video quay chậm các tình huống vừa diễn ra rồi tư vấn cho trọng tài chính.
Theo quy định, VAR chỉ hỗ trợ trọng tài trong bốn lĩnh vực: Có bàn thắng được ghi, có tình huống phạm lỗi, thẻ đỏ và trường hợp nhận dạng sai cầu thủ. Ngoài ra, VAR còn có thể được sử dụng để phát hiện lỗi việt vị, kéo áo, va chạm...
Trọng tài tham khảo VAR nhưng vẫn là người đưa ra quyết định cuối cùng. Ảnh: Gulf Today. |
Việc áp dụng VAR vào các giải đấu tạo nhiều quan điểm trái chiều. Nhiều người ủng hộ sự góp mặt của công nghệ mang đến sự công bằng, minh bạch hơn trong bóng đá hiện đại, nhưng còn có một bộ phận nhanh chóng đổ lỗi cho VAR phá hỏng bóng đá, làm giảm sự hấp dẫn của trận đấu. Chẳng hạn, người hâm mộ vẫn nhớ mãi về “Bàn tay của Chúa” với pha làm bàn bằng tay của huyền thoại Diego Maradona trong trận tứ kết World Cup 1986 giữa Argentina và Anh.
VAR về bản chất là công nghệ hỗ trợ trọng tài ra quyết định, chứ hoàn toàn không thể thay thế các vị “vua sân cỏ”. Nói cách khác, mọi quyết định cuối cùng vẫn do trọng tài chính đưa ra. Đơn cử, gần đây nhất, ở trận Bỉ với Canada, đội bóng Bắc Mỹ đáng ra còn nhận thêm 2 pha phạt đền, song trọng tài điều khiển trận đấu lại phớt lờ tất cả mặc dù VAR đã vào cuộc.
Với công nghệ được áp dụng, rất khó để người hâm mộ chứng kiến bàn thắng tranh cãi nhưng đầy cảm xúc như của huyền thoại Diego Maradona. Ảnh: Goal |
Trở lại các tình huống mà VAR gây tranh cãi ở World Cup 2022, BBC khuyến nghị cần phải có sự điều chỉnh. Thí dụ, tại Ngoại hạng Anh, trước mùa giải 2021-2022, từng có nhiều trường hợp cầu thủ bị thổi việt vị do phần mũi giày, mũi cầu thủ hay phần ống tay áo qua vạch của VAR. Tuy nhiên, bước sang đầu mùa giải năm ngoái, Ban tổ chức quyết định điều chỉnh về đường kẻ việt vị, mang đến lợi thế hơn cho các cầu thủ tấn công trong những pha bóng bị thổi việt vị. Tổ VAR của Ngoại hạng Anh sử dụng các đường kẻ đậm hơn, để giúp các cầu thủ tấn công có nhiều xác suất không rơi vào thế việt vị hơn so với cách xác định trước.
Tuy nhiên, tại World Cup 2022, FIFA sử dụng hoàn toàn công nghệ 3D để xác định lỗi việt vị của cầu thủ. Trong đó, 12 camera theo dõi chuyên dụng được gắn bên dưới mái vòm ở từng sân, cũng như thiết bị được tích hợp vào quả bóng sẽ xác định các tình huống. Sau đó, tổ VAR sẽ tiếp tục thực hiện thêm thao tác kiểm tra thủ công. Đồng thời, World Cup 2022 áp dụng luật việt vị của Hiệp hội bóng đá quốc tế (IFAB), trong đó nêu rõ cầu thủ ở trong thế việt vị khi bất kỳ bộ phận nào là đầu, cơ thể và chân ở bên phần sân đối phương; hoặc bất kỳ bộ phận nào là đầu, cơ thể và chân ở gần với vạch vôi khung thành hơn là trái bóng và cầu thủ đứng thấp thứ nhì của đối phương.
THÁI HÀ/qdnd.vn