Câu 1. Bà Lý Bích Nguyệt, trú tại xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn hỏi: Trường hợp nào thẻ Căn cước công dân được đổi, cấp lại? Trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân được thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ quy định tại Điều 21 Luật Căn cước công dân 2016 thì thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi. Trường hợp thẻ Căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.
Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 Luật Căn cước công dân 2016 thì thẻ căn cước công dân còn được đổi trong các trường hợp khác sau đây:
- Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được;
- Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng;
- Xác định lại giới tính, quê quán;
- Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân;
- Khi công dân có yêu cầu.
Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 23 Luật Căn cước công dân 2016 thì thẻ Căn cước công dân được cấp lại trong các trường hợp sau đây:
- Bị mất thẻ Căn cước công dân;
- Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam.
Tại Điều 11 Thông tư 59/2021/TT-BCA quy định trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân như sau:
- Công dân đến cơ quan Công an có thẩm quyền tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân nơi công dân thường trú, tạm trú để yêu cầu được cấp thẻ Căn cước công dân.
- Cán bộ Công an nơi tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân thu nhận thông tin công dân: Tìm kiếm thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; lựa chọn loại cấp và mô tả đặc điểm nhân dạng; thu nhận vân tay; chụp ảnh chân dung; in phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân, Phiếu thu thập thông tin dân cư (nếu có), Phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư (nếu có) cho công dân kiểm tra, ký và ghi rõ họ tên; thu lệ phí theo quy định; cấp giấy hẹn trả kết quả giải quyết.
- Thu lại Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân đang sử dụng trong trường hợp công dân làm thủ tục chuyển từ Chứng minh nhân dân sang thẻ Căn cước công dân, đổi thẻ Căn cước công dân.
- Tra cứu tàng thư căn cước công dân để xác minh thông tin công dân (nếu có).
- Xử lý, phê duyệt hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
- Trả thẻ Căn cước công dân và kết quả giải quyết cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân. Trường hợp công dân đăng ký trả thẻ Căn cước công dân đến địa chỉ theo yêu cầu thì cơ quan Công an lập danh sách, phối hợp với đơn vị thực hiện dịch vụ chuyển phát để thực hiện và công dân phải trả phí theo quy định.
Câu 2. Ông Nông Văn Thiết, trú tại xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về tài sản chung và tài sản riêng của vợ chồng?
Trả lời
Trong thời kỳ hôn nhân, việc xác định tài sản riêng, tài sản chung của vợ chồng là nhằm hướng hành vi ứng xử của vợ, chồng đối với tài sản, là cơ sở pháp lý để vợ, chồng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình và là cơ sở để đảm bảo nhu của đời sống chung của vợ chồng, của các thành viên gia đình và của người thứ ba ngay tình. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định, vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận. Chế độ tài sản theo luật định là cơ sở pháp lý xác định tài sản chung và tài sản riêng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân và là căn cứ chia tài sản khi hôn nhân chấm dứt. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, quy định về tài sản riêng, tài sản chung của vợ, chồng như sau:
Tài sản riêng của vợ, chồng gồm:
- Tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
- Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng; phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
- Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ; Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác; Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.
Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.
Tài sản chung của vợ, chồng gồm:
- Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng, trừ tài sản đã chia trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ, chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ, chồng thỏa thuận là tài sản chung;
- Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng;
- Thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân như: Tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp, trừ khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.
Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Nguyên tắc chia tài sản khi vợ chồng ly hôn
- Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung;
- Tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia theo thỏa thuận của hai bên, trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được, có quyền yêu cầu tòa án giải quyết. Theo đó, tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố như: Hoàn cảnh gia đình của vợ, chồng; Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng./.