Thưa quý vị và các bạn
Trong chuyên mục tuần này chúng tôi xin được giải đáp những vướng mắc về pháp luật qua đơn thư chúng tôi đã tổng hợp được trong tuần qua như sau:
Câu 1. Ông Dương Văn Thép trú tại xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn hỏi: Thế nào là nhà ở hình thành trong tương lai? Nhà ở hình thành trong tương lai có được dùng để thế chấp ngân hàng hay không?
Trả lời
Theo khoản 19 Điều 3 Luật Nhà ở 2014 thì nhà ở hình thành trong tương lai là nhà ở đang trong quá trình đầu tư xây dựng và chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Theo khoản 2 Điều 147 Luật Nhà ở 2014 thì tổ chức, cá nhân xây dựng nhà ở hình thành trong tương lai trên thửa đất ở hợp pháp của mình; tổ chức, cá nhân mua nhà ở hình thành trong tương lai trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở của chủ đầu tư được thế chấp nhà ở này tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn phục vụ cho xây dựng nhà ở hoặc để mua chính nhà ở đó.
Điều kiện thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở và thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai theo Điều 148 Luật Nhà ở 2014 như sau:
+ Trường hợp chủ đầu tư thế chấp một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì phải có hồ sơ dự án, có thiết kế kỹ thuật của dự án được phê duyệt và đã có Giấy chứng nhận hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+ Trường hợp chủ đầu tư thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai xây dựng trong dự án thì ngoài điều kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 148 Luật Nhà ở 2014, nhà ở thế chấp phải thuộc diện đã xây dựng xong phần móng theo quy định của pháp luật về xây dựng và không nằm trong phần dự án hoặc toàn bộ dự án mà chủ đầu tư đã thế chấp theo quy định tại điểm a khoản này;
+ Trường hợp tổ chức, cá nhân thế chấp nhà ở quy định tại khoản 2 Điều 147 Luật Nhà ở 2014 thì phải có giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất ở hợp pháp theo quy định của pháp luật về đất đai, Giấy phép xây dựng nếu thuộc diện phải có Giấy phép xây dựng.
Trường hợp người thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai mua nhà ở của chủ đầu tư trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì phải có hợp đồng mua bán nhà ở ký kết với chủ đầu tư, có văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở nếu là bên nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở theo quy định, có giấy tờ chứng minh đã đóng tiền mua nhà ở cho chủ đầu tư theo tiến độ thỏa thuận trong hợp đồng mua bán và không thuộc diện đang có khiếu nại, khiếu kiện, tranh chấp về hợp đồng mua bán nhà ở hoặc về việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở này.
- Việc thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở và thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai chỉ được thực hiện theo quy định tại Luật Nhà ở 2014; các trường hợp thế chấp tài sản là dự án đầu tư xây dựng nhà ở hoặc nhà ở hình thành trong tương lai không đúng với quy định tại Luật Nhà ở 2014 thì không có giá trị pháp lý.
Câu 2. Bà Đinh Ánh Hồng trú tại thị trấn Đình Lập, huyện Đình Lập hỏi: Người tố giác tội phạm có được tham gia tố tụng và có quyền khiếu nại quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng hay không?
Trả lời
Tại Điều 55 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định người tham gia tố tụng bao gồm:
- Người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
- Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.
- Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp.
- Người bị bắt.
- Người bị tạm giữ.
- Bị can.
- Bị cáo.
- Bị hại.
- Nguyên đơn dân sự.
- Bị đơn dân sự.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
- Người làm chứng.
- Người chứng kiến.
- Người giám định.
- Người định giá tài sản.
- Người phiên dịch, người dịch thuật.
- Người bào chữa.
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự.
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố.
- Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phạm tội, người đại diện khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên, người tố giác tội phạm được tham gia tố tụng theo quy định.
Để trả lời cho câu hỏi người tố giác tội phạm có quyền khiếu nại quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng hay không, chúng tôi căn cứ theo Điều 56 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định cá nhân đã tố giác, báo tin về tội phạm; cơ quan, tổ chức đã báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố có quyền:
- Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giữ bí mật việc tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ, người thân thích của họ khi bị đe dọa;
- Được thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định nêu trên phải có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm, trình bày trung thực về những tình tiết mà mình biết về sự việc.
Như vậy, theo quy định nêu trên, người tố giác tội phạm có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Câu 3. Bà Nông Thị Thức trú tại thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình hỏi: Việc cho người khác mượn căn cước công dân bị xử phạt như thế nào theo quy định của pháp luật?
Trả lời
Theo Điều 7 Luật Căn cước công dân 2014 quy định các hành vi bị nghiêm cấm như sau:
- Cản trở thực hiện các quy định của Luật này.
- Cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân trái quy định của pháp luật.
- Sách nhiễu, gây phiền hà khi giải quyết thủ tục về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
- Làm sai lệch sổ sách, hồ sơ về công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, cung cấp trái quy định của pháp luật thông tin, tài liệu về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; lạm dụng thông tin về công dân theo quy định của Luật này gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Làm lộ bí mật thông tin thuộc Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
- Thu, sử dụng phí, lệ phí trái quy định của pháp luật.
- Làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung thẻ Căn cước công dân; chiếm đoạt, sử dụng trái phép thẻ Căn cước công dân của người khác; thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại thẻ Căn cước công dân; sử dụng thẻ Căn cước công dân giả.
- Truy nhập trái phép, làm thay đổi, xóa, hủy, phát tán thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
- Thu hồi, tạm giữ thẻ Căn cước công dân trái quy định của pháp luật.
Như vậy, theo quy định nêu trên, hành vi mượn, cho mượn căn cước công dân là hành vi bị nghiêm cấm. Do đó, cho người khác mượn CCCD là hành vi vi phạm pháp luật.
Căn cứ tại khoản 4 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- Làm giả Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân giả;
- Thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân;
- Mua, bán, thuê, cho thuê Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân;
- Mượn, cho mượn Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.
Như vậy, theo quy định nêu trên, người mượn và người cho mượn CCCD có thể bị xử phạt từ 4 đến 6 triệu đồng.
Đồng thời, buộc nộp lại thẻ CCCD và số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính từ việc mượn CCCD.
Lưu ý: Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định này là mức phạt đối với cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. (theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).