Câu 1. Ông Hoàng Văn Long, trú tại phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn hỏi: Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về tổ chức lễ hội được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời:
Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo quy định cụ thể các mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về tổ chức lễ hội.
Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng nơi quy định
- Nói tục, chửi thề, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của lễ hội
- Mặc trang phục không lịch sự hoặc không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam.
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Không báo cáo bằng văn bản kết quả tổ chức lễ hội đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định;
- Chèo kéo người tham dự lễ hội sử dụng dịch vụ, hàng hóa của mình.
Các mức xử phạt vi phạm quy định về tổ chức lễ hội.
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Không thành lập Ban tổ chức lễ hội theo quy định;
- Bán vé, thu tiền tham dự lễ hội;
- Không có nhà vệ sinh hoặc có nhà vệ sinh nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định trong khu vực lễ hội, di tích;
- Không tuyên truyền, giới thiệu mục đích, ý nghĩa, giá trị của lễ hội trên hệ thống loa phát thanh hoặc bảng, biển và các hình thức tuyên truyền khác;
- Không thông báo số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ảnh của người tham gia lễ hội.
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Lợi dụng hoạt động tổ chức lễ hội để trục lợi;
- Tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Phục hồi phong tục, tập quán gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân cách con người và truyền thống văn hóa Việt Nam;
- Ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội.
Các mức xử phạt vi phạm quy định về tổ chức lễ hội.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Tổ chức lễ hội theo quy định phải thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không thông báo;
- Tổ chức lễ hội không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc nội dung đã thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Tổ chức lễ hội theo quy định phải đăng ký mà không có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Tổ chức lễ hội truyền thống không đúng với bản chất, ý nghĩa lịch sử, văn hóa;
- Thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam;
- Không tạm dừng tổ chức lễ hội theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Tổ chức hoạt động mê tín dị đoan.
Câu 2. Ông Chu Văn Đạt trú tại thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định hỏi: theo quy định của pháp luật người bị phạt tù có thể xem xét cho hưởng án treo không?
Trả lời
Người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Bị xử phạt tù không quá 03 năm.
2. Người bị xử phạt tù có nhân thân là ngoài lần phạm tội này, người phạm tội chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc.
a) Đối với người đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật mà tính đến ngày phạm tội lần này đã quá thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật nếu xét thấy tính chất, mức độ của tội phạm mới được thực hiện thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo;
b) Đối với người bị kết án mà khi định tội đã sử dụng tình tiết “đã bị xử lý kỷ luật” hoặc “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” hoặc “đã bị kết án” và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo;
c) Đối với người bị kết án mà vụ án được tách ra để giải quyết trong các giai đoạn khác nhau (tách thành nhiều vụ án) và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo.
3. Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
Trường hợp có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.
4. Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.
Nơi cư trú rõ ràng là nơi tạm trú hoặc thường trú có địa chỉ được xác định cụ thể theo quy định của Luật Cư trú mà người được hưởng án treo về cư trú, sinh sống thường xuyên sau khi được hưởng án treo.
Nơi làm việc ổn định là nơi người phạm tội làm việc có thời hạn từ 01 năm trở lên theo hợp đồng lao động hoặc theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
5. Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
6. Khi xem xét, quyết định cho bị cáo hưởng án treo Tòa án phải xem xét thận trọng, chặt chẽ các điều kiện để bảo đảm việc cho hưởng án treo đúng quy định của pháp luật.
Người thực hiện: Tô Thị Huệ – Chuyên viên phòng phổ biến, giáo dục pháp luật - Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn