Nha Trang tìm cách đa dạng du khách ngoài thị trường Nga, Trung Quốc

Thứ 4, 08.08.2018 | 08:00:00
470 lượt xem

Sau khi thu hút khách Nga và Trung Quốc thành công, ngành du lịch Nha Trang đứng trước bài toán giữ thế mạnh cũ và tìm thị trường mới.

Sau khi thu hút khách Nga và Trung Quốc thành công, ngành du lịch Nha Trang đứng trước bài toán giữ thế mạnh cũ và tìm thị trường mới.

Những ngày trời trong và đầy nắng đầu tháng 8, sân bay Cam Ranh nhộn nhịp những chuyến bay đi và đến Trung Quốc, Nga. Trong 5 năm gần đây, Nha Trang luôn thu hút đông du khách tới từ hai nước này. Hàng quán, cửa hiệu treo sẵn bảng hiệu phụ tiếng Nga, Trung Quốc. Đội ngũ nhân viên ở nhiều nơi biết nói ít nhất 3 ngoại ngữ. Giới kinh doanh cho hay, khách Trung Quốc lưu trú trung bình 3-4 đêm tại đây trong khi khách Nga ở 10-12 đêm. 
 

"Khách Nga trước đây đến Tân Sơn Nhất và di chuyển 4 tiếng ra Mũi Né. Từ 2013, khách Nga bay thuê bao thẳng đến Cam Ranh. Số khách Nga tới Khánh Hòa chiếm 80% lượng người từ đất nước này tới Việt Nam du lịch. Từ cuối năm 2015, khách Trung Quốc bắt đầu bay thuê bao tới Nha Trang, khi các công ty lữ hành phát hiện rằng thị trường này rất yêu thích Nha Trang", ông Nguyễn Trường Sơn, Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc phát triển kinh doanh của Crystal Bay, kể lại.

Khách Trung Quốc tại Nha Trang. Ảnh: Xuân Ngọc

Khách Trung Quốc tại Nha Trang. Ảnh: Xuân Ngọc.


Từ năm 2015, 
du lịch Khánh Hòa luôn tăng trưởng cao. Năm 2017, tổng lượng khách lưu trú đạt 5,5 triệu lượt. Trong đó, khách quốc tế đạt 2 triệu lượt. Nửa đầu năm 2018, du lịch tỉnh này đạt doanh thu hơn 10.000 tỷ đồng, tăng trưởng đến 34%. Trong đó, khách quốc tế đạt 1,5 triệu lượt, tăng gần 60% so với cùng kỳ 2017. 

"Hiện du lịch Khách Hòa phát triển nhanh, thậm chí là quá nhanh. Thị trường này đang bị chi phối lớn bởi khách Trung Quốc. Tầm hai năm qua, khách Trung Quốc và Nga chiếm 60-70% tổng lượng khách du lịch đến đây", ông Nicolas Urvois, Đại diện Tập đoàn tư vấn du lịch THR, nhận xét.
 

Ông Nicolas nói rằng, đây là tin tốt nhưng cũng không tốt bởi thành phố này mất dần thị trường Âu - Mỹ. Một số thị trường giảm, thậm chí, vài thị trường không còn khách. 
 

Lạc quan hơn, chuyên gia Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch Quốc gia, cho rằng, khách Nga hay Trung Quốc đông đúc ở Nha Trang không đáng ngại. Đó là thế mạnh cần phát huy, song song việc mở rộng thị trường mới. Ngành du lịch Khánh Hòa đã đặt mục tiêu đón 8,5 triệu khách lưu trú, với 3,5 triệu khách quốc tế vào 2020.
 

"Người Nga thèm biển vô cùng. Người Trung Quốc thèm biển, thèm hải sản vì biển của họ lạnh. Đảo Hải Nam chỉ tắm được mùa hè. Nơi nào tắm biển được quanh năm gần Trung Quốc nhất? Đó là Việt Nam. Chúng ta phải tận dụng lợi thế đó", ông Nam nói.
 

Bàn luận tại hội thảo "Du lịch Khánh Hòa trong chiến lược phát triển điểm đến quốc gia", nhiều chuyên gia cũng đồng thuận rằng, vấn đề của du lịch Nha Trang không phải là quá đông khách Nga, Trung Quốc mà làm sao duy trì lượng khách hai thị trường này nhưng vẫn có thêm thị trường mới. Thời gian gần đây, khách Hàn Quốc và Malaysia đến đây cũng tăng khá mạnh. 
 

"Sản phẩm du lịch chưa đa dạng, phong phú. Chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách. Công tác xúc tiến quảng bá còn nhiều hạn chế. Sự phối hợp và tính chuyên nghiệp, hiệu quả chưa cao", ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa, thừa nhận.
 

Theo ông Nicolas Urvois, Nha Trang phải chuyển hóa từ hoạt động du lịch đơn thuần sang cấp độ khiến du khách nhớ và cảm nhận. "Cần xếp hạng ưu tiên thị trường, sản phẩm, khách du lịch. Thực thi một chiến lược marketing khôn ngoan hơn để hút thị trường cũ và mời gọi khách mới. Tiến hành nghiên cứu thị trường để biết chính xác ở những thị trường nào thì cần những hành động gì, những sản phẩm nào phù hợp", vị chuyên gia nói.

Ông Đặng Bảo Hiếu - Chủ tịch Focus Travel, người tự nhận là "thương lái du lịch" với 30 năm gắn bó với việc đưa khách đến Nha Trang đồng quan điểm. Theo ông, địa phương này nên chọn ra thị trường ưu tiên tiếp theo sau Trung Quốc, Nga để có thể "đo ni đóng giày" sản phẩm. Ngành du lịch thế giới đã qua giai đoạn bán mọi thứ cho mọi loại khách. "Giờ chúng ta xác định thị trường thứ ba là ai thì xây sản phẩm đúng với thị trường đó, đừng làm tràn lan", ông Hiếu nói.

Ông Nguyễn Trường Sơn nhận định, khu vực Bãi Dài rất phù hợp với khách Nga. Khu mua sắm trung tâm là chỗ của khách Trung Quốc. Còn khách Tây Âu hợp nghỉ dưỡng ở khu vực Cam Lập, Vĩnh Hy. Vị doanh nhân còn đề xướng mô hình "Một kỳ nghỉ, hai vùng di sản", kết nối vịnh Hạ Long với khu thánh địa Mỹ Sơn và cả vùng văn hóa Chăm của Nha Trang, Ninh Thuận.

"Khách Trung Quốc đông đúc ở mọi nơi trên thế giới. Ở Thái Lan hay châu Âu cũng thế. Nhưng khách các nước khác vẫn đến, họ không bỏ đi", ông Nam nói về việc đa dạng thị trường khách là khả thi.
 

Ở góc độ vĩ mô, chuyên gia Ilker Shik của Anex Việt Nam cho rằng, việc phát triển dài hạn cho Nha Trang cần tiến thành theo mô hình quảng bá quốc gia - điểm đến, cụ thể là quảng bá theo cặp Việt Nam - Nha Trang. Đó là cách làm đã thành công ở nhiều nước như Thái Lan - Pattaya hay Thổ Nhĩ Kỳ - Antalya.

  • Từ khóa