Cải cách tài chính công là 1 trong 6 nội dung quan trọng của Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011 – 2020. Mặc dù còn nhiều khó khăn song Lạng Sơn đang rất nỗ lực triển khai thực hiện tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL)bởi đây là xu thế tất yếu trong thực tiễn.
Cải cách tài chính công là 1 trong 6 nội dung quan trọng của Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011 – 2020. Mặc dù còn nhiều khó khăn song Lạng Sơn đang rất nỗ lực triển khai thực hiện tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL)bởi đây là xu thế tất yếu trong thực tiễn.
Thực hiện các quy định về cơ chế tự chủ đối với các ĐVSNCL, trong những năm gần đây, UBND tỉnh tích cực chỉ đạo các sở chủ quản và các ĐVSNCL thực hiện phương án tự chủ tài chính của đơn vị nhất là trong giai đoạn từ 2018 – 2020.
Qua tổng hợp từ ngành chức năng, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 845 ĐVSNCL, trong đó, 837 đơn vị đã được giao thực hiện tự chủ tài chính. Trong số các đơn vị đã được giao tự chủ thì có 2 đơn vị tự đảm bảo toàn bộ chi hoạt động thường xuyên và chi đầu tư; 19 đơn vị tự đảm bảo toàn bộ chi hoạt động thường xuyên; 38 đơn vị tự đảm bảo một phần chi hoạt động thường xuyên; 778 đơn vị do ngân sách nhà nước (NSNN) đảm bảo toàn bộ chi hoạt động thường xuyên.
Nhìn vào những con số trên có thể thấy số đơn vị tự đảm bảo toàn bộ chi còn chiếm tỷ lệ rất thấp trong khi số đơn vị do NSNN đảm bảo toàn bộ chi còn chiếm tỷ lệ cao. Ông Phạm Tuấn Tú, Trưởng Phòng CCHC, Sở Nội vụ cho biết: Hạn chế này một phần do văn bản hướng dẫn từ trung ương chưa đồng bộ, chưa kịp thời. Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/5/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của các ĐVSNCL đã ban hành hơn 3 năm nay nhưng hiện tại, Chính phủ, các bộ, ngành mới chỉ có quy định, hướng dẫn cụ thể đối với các ĐVSN thuộc lĩnh vực: khoa học và công nghệ, kinh tế và sự nghiệp khác. Hầu hết các lĩnh vực sự nghiệp còn lại như: giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và du lịch, báo chí, thông tin và truyền thông, dạy nghề… chưa có quy định, hướng dẫn nên khó triển khai.
Ngoài yếu tố chính sách thì còn một thực tế là phần lớn các ĐVSNCL chưa mạnh dạn, năng động, sáng tạo để thực hiện tự chủ. Hơn nữa, Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới có điều kiện kinh tế – xã hội chưa phát triển dẫn đến nhu cầu sử dụng, cung ứng dịch vụ của tổ chức, người dân chưa nhiều, khiến các ĐVSNCL có số thu từ dịch vụ còn hạn hẹp, chủ yếu do NSNN cấp. Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh là một ví dụ. Thời gian gần đây, số thu từ dịch vụ quảng cáo của đài giảm 20% qua từng năm, 6 tháng đầu năm 2018, đơn vị mới thu được gần 600 triệu đồng, giảm gần 200 triệu so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, tổng chi thường xuyên của đơn vị là 23 tỷ đồng/năm của giai đoạn ổn định ngân sách hiện tại. Ông Hoàng Xuân Thái, Giám đốc Đài cho biết: Với số thu và chi chênh lệch quá lớn như trên thì việc tự chủ về tài chính đối với đơn vị là hết sức khó khăn, chưa thể triển khai, thực hiện.
Mặc dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như vậy nhưng Lạng Sơn quyết tâm triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ tự chủ đối với ĐVSNCL. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã sắp xếp giảm được 43 đơn vị; chỉ đạo các ĐVSNCL đẩy mạnh cung ứng dịch vụ theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công; xem xét từ nay đến năm 2020 sẽ chuyển đổi 5 ĐVSNCL đủ điều kiện sang công ty cổ phần; thực hiện cơ chế giao vốn, tài sản cho các ĐVSNCL; khuyến khích thành lập các ĐVSN ngoài công lập. Trong nhiệm vụ của mình, hằng năm, Sở Tài chính cũng tích cực tham mưu UBND tỉnh triển khai cơ chế tự chủ tài chính đến các ĐVSNCL. Qua đây, Lạng Sơn đã xuất hiện một số đơn vị tự chủ 100% hoặc gần 100% kinh phí hoạt động như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế. Nhờ tự chủ về tài chính, 2 đơn vị này đã tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức và từng bước đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ. Số lượng các đơn vị như này còn khá khiêm tốn nhưng là tín hiệu vui của tỉnh trong lộ trình tự chủ, nhất là tự chủ về tài chính đối với các ĐVSNCL thời gian tới.