Vụ lùm xùm giữa SCB và Manulife: Khách hàng có lấy lại được tiền?

Chủ nhật, 23.04.2023 | 08:37:33
1,143 lượt xem

Câu hỏi đặt ra từ khách hàng đầu tư sản phẩm "Tâm an đầu tư" giữa SCB liên kết Manulife là cơ hội nào họ có thể lấy lại được tiền?

Vụ lùm xùm giữa SCB và Manulife: Khách hàng có lấy lại được tiền? - 1

Hàng trăm người mang đơn tố cáo bảo hiểm Manulife và Ngân hàng SCB tới công an TPHCM (Ảnh: Hải Long).

Nhiều ngày qua, Cơ quan Công an TPHCM đã tiếp nhận hàng trăm đơn tố giác của khách hàng liên quan đến sản phẩm "Tâm an đầu tư" của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) liên kết với Công ty TNHH Manulife Việt Nam.

Đa số đơn thư đều nêu việc đi gửi tiền tiết kiệm tại SCB bỗng hóa thành sản phẩm bảo hiểm nhân thọ mà họ không hề hay biết.

Theo khách hàng, đây thực chất là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, chứ không phải hợp đồng gửi tiết kiệm. Khi khách hàng có nhu cầu rút tiền thì không thực hiện được.

Nhiều thông tin phản ánh, nhân viên công ty đã tự ý kê khai sai trên hợp đồng. 

Trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác

Phân tích về vụ việc này, luật sư Trương Văn Tuấn - Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, Đoàn Luật sư TPHCM - cho rằng: Theo quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm.

Trong trường hợp nhân viên tư vấn cố ý không cung cấp thông tin nhằm giao kết hợp đồng, người mua bảo hiểm có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, được hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng, ngoài ra còn được bồi thường một khoản tương ứng với thiệt hại phát sinh (nếu có).

Nếu thông tin tố cáo như trên của khách hàng là sự thật, có bằng chứng, khách hàng có thể khởi kiện ra tòa có thẩm quyền yêu cầu tuyên bố Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu, yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng khôi phục lại tình trạng ban đầu đồng thời bồi thường thiệt hại phát sinh (nếu có) theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015.

Vụ lùm xùm giữa SCB và Manulife: Khách hàng có lấy lại được tiền? - 2

Nhiều người bất ngờ vì đi gửi tiền tiết kiệm tại SCB bỗng hóa thành sản phẩm bảo hiểm nhân thọ mà họ không hề hay biết (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Ngoài ra, theo quy định pháp luật, hành vi cố tình tư vấn sai để chuyển từ tiền gửi tiết kiệm sang mua bảo hiểm nhân thọ, tùy vào tính chất, mức độ sai phạm và hậu quả của hành vi, có thể xử phạt vi phạm hành chính về hành vi lừa dối khách hàng theo quy định tại Điều 61 Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/08/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

Hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa dối khách hàng theo quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);

Hoặc cơ quan chức năng qua quá trình điều tra có đầy đủ các yếu tố chứng minh được hành vi lừa dối khách hàng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản khách hàng thì sẽ cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu hình sự

Đồng quan điểm, Luật sư Lê Bá Thường - Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Dân luật Tín Thành - cho biết, nếu cơ quan chức năng điều tra được nhân viên của SCB và Manulife có dấu hiệu sai phạm, cố tình tư vấn sai, lấp liếm, lừa dối để khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ trái với mong muốn thì có thể bị xử lý hành chính, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa dối khách hàng.

Luật sư Thường nêu, hành vi đánh tráo, gian lận lừa dối khách hàng khi cung cấp sản phẩm, dịch vụ có thể bị xử phạt hành chính lên đến 100 triệu đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 đến 3 tháng (Điều 61 Nghị định 98/2020/NĐ-CP).

Trường hợp hành vi lừa dối khách hàng đủ yếu tố cấu thành tội lừa dối khách hàng theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, người vi phạm có thể bị phạt tiền lên đến 500 triệu đồng, phạt tù lên đến 5 năm và cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm (Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015).

Vụ lùm xùm giữa SCB và Manulife: Khách hàng có lấy lại được tiền? - 3

Người dân viết đơn tố cáo gửi cơ quan công an, trưa 20/4 (Ảnh: Hải Long).

Nhằm đảm bảo quyền lợi của bên mua bảo hiểm, Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định, nếu chứng minh được khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm không cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, không giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có thể bị truy cứu trách nhiệm vì lừa dối khách hàng.

Khi doanh nghiệp bảo hiểm cố ý không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm thì bên mua bảo hiểm có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, được hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng và doanh nghiệp bảo hiểm còn phải bồi thường thiệt hại phát sinh nếu có cho bên mua bảo hiểm (Khoản 1, 3 Điều 22 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2023).

"Với các quy định của pháp luật, nếu khách hàng lưu giữ được các minh chứng bị lừa đóng bảo hiểm thì vẫn có thể yêu cầu doanh nghiệp trả lại số tiền đã đóng. Trường hợp nếu doanh nghiệp bảo hiểm không chịu hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm và hoàn lại tiền thì khách hàng có thể tố cáo đến cơ quan chức năng có thẩm quyền và nộp đơn khởi kiện để đòi quyền lợi buộc doanh nghiệp hoàn trả và bồi thường thiệt hại với số tiền nói trên", luật sư Lê Bá Thường chia sẻ.

Ở một góc độ khác, luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TPHCM - phân tích, trong trường hợp có xảy ra hành vi giả mạo chữ ký, làm khống hồ sơ của khách hàng, phía ngân hàng có thể bị xử lý hành chính bằng các hình thức chính (cảnh cáo hoặc phạt tiền).

Vụ lùm xùm giữa SCB và Manulife: Khách hàng có lấy lại được tiền? - 4

Một khách hàng cho biết chữ ký của ông bị giả mạo trên một số văn bản (Ảnh: Huyên Nguyễn).

Ngoài ra, còn có các hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn, đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu tang vật, phương tiện dùng để vi phạm hành chính hoặc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo Điều 21 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 và Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Luật sư Hùng cho rằng, nếu cơ quan chức năng điều tra và chứng minh có yếu tố lừa đảo thì phía ngân hàng và bảo hiểm sẽ phải chịu xử phạt vi phạm hành chính với các hình thức như đã nêu trên và thậm chí có thể xem xét trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

"Nếu khách hàng có đầy đủ bằng chứng chứng minh nhân viên ngân hàng có dấu hiệu tư vấn sai để ép khách mua bảo hiểm thì khách hàng có thể đòi lại được kinh phí đã đóng trước đó", luật sư Trần Minh Hùng nói thêm.

Các luật sư đều nhấn mạnh rằng, những phân tích trên chỉ là trường hợp có thể xảy ra. Việc nhân viên ngân hàng, bảo hiểm tư vấn có sai phạm khi tư vấn, làm hồ sơ cho khách hay không thì phải xem xét một cách cụ thể trên hợp đồng, bằng chứng và tài liệu điều tra chứ không thể đơn thuần theo ý kiến phản ánh của khách hàng.


Huyên Nguyễn/dantri.com.vn

https://dantri.com.vn/phap-luat/vu-lum-xum-giua-scb-va-manulife-khach-hang-co-lay-lai-duoc-tien-20230422225855145.htm

  • Từ khóa