Thủ tướng yêu cầu, năm 2020 ngành ngân hàng vừa phải tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng hoạt động, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ.
Thủ tướng yêu cầu, năm 2020 ngành ngân hàng vừa phải tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng hoạt động, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ.
Sáng nay (2/1), tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Ngân hàng Nhà nước.
Báo cáo tại hội nghị, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra thị trường lượng lớn tín dụng, tăng trưởng tín dụng trên 13%. Nhưng với việc áp dụng nhiều công cụ tiền tệ khác đã góp phần ổn định thị trường, vừa đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, vừa giúp kiểm soát được lạm phát.
Ông Lê Minh Hưng, đánh giá, năm 2019 lượng ngoại tệ mua vào và cung ứng một lượng lớn thanh khoản ra nền kinh tế nhưng Ngân hàng Nhà nước đã điều tiết rất chủ động công cụ chính sách tiền tệ. Kết quả là lạm phát từ đầu nhiệm kỳ đến nay chỉ biến động từ 1,4 đến 2%. Như vậy là giữ được nền tảng vĩ mô ổn định, tạo dư địa để Chính phủ và các bộ, ngành điều hành đạt được mục tiêu lạm phát bình quân chung. Đây là điểm thành công nhất, xuyên suốt trong việc thực thi chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.
Năm qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã điều kiểm soát tốt để không xảy ra tình trạng thao thúng tiền tệ. Tính đến tháng 12/2019, ước tính, nợ xấu còn 1,89%, hoàn thành mục tiêu dưới 2%. Đặt biệt, sau hai lần giảm các lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất cho vay nền kinh tế đã giảm từ 0,2 đến 0,5%/năm, lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên chỉ còn 6%/năm.
Các đại biểu tham luận tại hội nghị.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch thường trực HDBank cho rằng, điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp để giảm chi phí vốn. Ngân hàng Nhà nước cũng đã thực hiện tốt việc siết chặt hoạt động của các Ngân hàng, Công ty tài chính, nhiều Tổ chức tín dụng đạt chuẩn Basel II.
HDBank kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ sớm hoàn thiện khung pháp lý cho việc hoạt động của dịch vụ ngân hàng số và các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng.
Cũng liên quan đến Basel II mà Ngân hàng Nhà nước yêu cầu áp dụng từ 1/1/2020, bà Jodi West, Tổng giám đốc ANZ, đề nghị, Ngân hàng Nhà nước cần đẩy mạnh áp dụng các tiêu chuẩn này để tiệm cận với thế giới, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngân hàng cũng như góp phần kiểm soát nợ xấu.
Đánh giá cao Ngân hàng Nhà nước đã có giải pháp ưu tiên vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, việc giảm lãi suất giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn với chi phí thấp hơn. Song, ông Nguyễn Xuân Cường đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nhất là đối với các chuỗi giá trị sản xuất tiếp cận vốn thuận lợi hơn.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Ngân hàng Nhà nước đóng góp quan trọng và thành tựu của nền kinh tế năm qua, phối hợp tốt giữa chính sách tiền tệ với các chính sách khác, vừa giúp đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, vừa có mặt bằng lãi suất giảm và kiểm soát được lạm phát.
Nêu lại ý kiến khách quan của IMF đánh giá cao công tác điều hành quản lý tiền tệ tỷ giá, hệ thống của Ngân hàng Nhà nước, thị trường ngoại hối, qua đó hỗ trợ củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng cho rằng, ổn định vĩ mô là một nguyên tắc lãnh đạo được đề ra không chỉ trong thời gian qua mà cả thời gian tới.
“Các đồng chí đã chỉ đạo hướng này rất quyết liệt, mềm dẻo, linh hoạt nhưng vẫn kiên quyết. Thể hiện bản lĩnh của chúng ta, xử lý vấn đề rất chặt chẽ, đúng mức mới có được tình hình như vậy. Trong hội nghị Chính phủ với các địa phương, đồng chí Lê Minh Hưng có phát biểu, chúng ta mua 20 tỷ USD (dự trữ ngoại hối), đưa ra thị trường gần 500 nghìn tỷ đồng Việt Nam, nhưng lạm phát gần như không thay đổi, cho thấy sự khéo léo trong điều hành chính sách tiền tệ” - Thủ tướng nói.
Với thực tế tín dụng chỉ tăng trưởng trên 13% nhưng nền kinh tế vẫn tăng trưởng cao, theo Thủ tướng, điều đó cho thấy chất lượng tín dụng và chất lượng tăng trưởng đều tăng. Thủ tướng cũng đánh giá cao hệ thống ngân hàng, nhất là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam đã góp phần đẩy lùi tình trạng tín dụng đen, là một dấu ấn trong năm qua.
Bên cạnh những kết quả tích cực đó, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại của ngành ngân hàng, trong đó tiềm lực tài chính của nhiều ngân hàng còn hạn chế, chất lượng sản phẩm dịch vụ chưa cao, còn nghèo nàn, trình độ quản trị và công nghệ còn thấp so với thế giới. Xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém còn nhiều khó khăn. Ngoài ra là các vấn đề về bảo mật, an ninh, an toàn của hệ thống ngân hàng...
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành ngân hàng thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp tại các Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ mà Thủ tướng vừa ký ngày 1/1/2020; theo dõi sát tình hình để kịp thời tham mưu cho Bộ Chính trị, cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ các biến động vĩ mô tiền tệ, tín dụng quốc tế và trong nước.
Nhấn mạnh, ổn định vĩ mô vẫn là trung tâm trong điều hành chính sách của Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải trả lời được câu hỏi tăng trưởng tín dụng bao nhiêu là phù hợp để đáp ứng các mục tiêu của nền kinh tế.
Thủ tướng cho rằng, chính sách tiền tệ một là chủ động, hai là linh hoạt, phối hợp đồng bộ, hiệu quả với chính sách tài khóa và chính sách khác để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
“Chưa khi nào nói về chính sách tiền tệ cụ thể như thế. Cho nên mức tăng trưởng tín dụng là bao nhiêu thì Ngân hàng Nhà nước phải tính toán, đề xuất với Chính phủ trên tinh thần đây là kênh vốn quan trọng để góp phần tăng trưởng. Điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và yêu cầu quản lý là yêu cầu đối với chính sách tiền tệ mà Nghị quyết 01 nêu ra. Cùng với đó là tăng dự trữ ngoại hối, đảm bảo chất lượng tín dụng, ngăn chặn tín dụng đen và có chiến lược đến năm 2030” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải đồng thời thực hiện hai mục tiêu kép, một là tạo môi trường thuận lợi cho các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phát triển an toàn, lành mạnh, hiệu quả, cạnh tranh quốc tế; mục tiêu thứ hai là đa dạng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, với phương châm dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tín dụng trong thời gian ngắn nhất, chi phí thấp nhất.
Cùng với đó là, công tác dự báo, ứng phó, đối sách đối với biến động quốc tế khu vực phải đặc biệt chú ý, không thể chủ quan. Các bộ phận nghiên cứu chiến lược của từng Ngân hàng Thương mại lớn và Ngân hàng Nhà nước phải đặt ra quyết liệt vấn đề này. Phải chú ý hơn nữa phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan chức năng phải thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, thảo luận đề xuất quyết sách hàng tháng trước Chính phủ. Vừa qua có bộ phận làm chưa tốt phải xử lý nghiêm các tường hợp vi phạm để làm gương.
“Tôi đã nói với hội nghị của Bộ Nông nghiệp là chúng ta còn 25 triệu con lợn và chúng tôi có tiền để sẵn sàng nhập mấy nghìn tấn thịt lợn nữa. Hôm nay giá thịt lợn đã giảm còn có 80.000đ/kg thôi. Do đó, lạm phát, kỳ vọng, tâm lý này chúng ta phải dẹp. Còn thịt gà, cá, còn bao nhiêu loại nữa, đưa giá lợn lên như thế sao chấp nhận được”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, hạn chế nợ xấu phát sinh. Mong muốn nước ta có những ngân hàng lớn tầm khu vực và thế giới, Thủ tướng tán thành với các ngân hàng có nêu là đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ hiện đại, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy chuyển đổi mô hình Ngân hàng Nhà nước điện tử và mô hình ngân hàng thương mại số./.
vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-yeu-cau-nhnn-thuc-hien-muc-tieu-kep-nam-2020-996346.vov
Theo Vũ Dũng/VOV.VN