Sở GD&ĐT TPHCM đã tổ chức vòng chung kết cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học cấp thành phố năm học 2019 - 2020 với 52 dự án tham gia. Theo đánh giá của Ban giám khảo, cuộc thi năm nay có chất lượng đề tài nghiên cứu cao. Học sinh đã biết vận dụng kiến thức các môn học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn trong đời sống.
Ban giám khảo đang chấm các dự án NCKH của học sinh
Quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường
Với mục đích khuyến khích người dân phân loại rác qua tích điểm thưởng và giúp thu gom rác dễ dàng hơn qua đo khối lượng rác của từng gia đình, hai học sinh Nguyễn Cao Khôi và Phương Hoàng Đại (Trường THPT Trần Khai Nguyên) đã lên ý tưởng và triển khai dự án Hệ thống hỗ trợ phân loại rác. Theo đó, bên dưới các thùng rác, các em gắn cảm biến trọng lượng đo khối lượng rác theo từng loại và gắn một kit RF thu phát wifi để đưa dữ liệu lên hệ thống.
Thông qua một ứng dụng được các em thiết kế cho người dùng trên App Inventor của MIT và dữ liệu người dùng sẽ được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu của Google Firebase Database. Từ cảm biến đo trọng lượng được máy báo về trên hệ thống, đơn vị thu gom rác sẽ nắm rõ khối lượng để điều xe rác ở mỗi khu vực thuận tiện hơn. Sau khi thu gom rác, bên thu gom sẽ thực hiện tích điểm cho người dân và họ có thể dùng điểm để mua những sản phẩm thân thiện với môi trường, mua sắm trực tuyến.
Tương tự, từ việc hằng ngày thấy các bạn cùng trang lứa sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần khi mua nước uống, cơm hộp, đồ ăn vặt… và thải ra ngoài môi trường, đôi bạn lớp 9A3 Quốc Khánh, Khôi Nguyên Trường THCS Quang Trung (quận 4), đã lên ý tưởng và thực hiện đề tài Sản xuất vật dụng dùng một lần từ tinh bột và thạch. Theo đó, các em dùng bột gạo để làm ống hút; dùng củ dền, lá dứa để tạo màu cho các ly bằng thạch để có tính thẩm mỹ. Theo các em, khi đem mẫu sản phẩm để thử nghiệm, các bạn học sinh trong trường rất thích thú, bởi… chúng có thể ăn được.
Cùng chung ý tưởng, đôi bạn Ngô Đại Quý, Trần Hoàng Nam - học sinh lớp 11 Trường THPT Trần Văn Giàu chia sẻ: “Hằng ngày chúng em đi qua những kênh, rạch thấy rác thải nhiều và việc thu gom vẫn đang rất thủ công nên nghĩ đến đề tài: Trash Extractor-Robot xử lý rác thải trên mặt sông”. Để tạo ra chú robot này, các em đã vận dụng những kiến thức đã học về Vật lý, Toán học, Tin học... để thực hiện. Robot có thể thu gom rác điều khiển bằng App thông qua điện thoại thông minh. Qua thời gian thử nghiệm robot trên kênh Rạch Lăng cho thấy, trong một giờ hoạt động liên tục robot có thể thu gom khoảng 50kg rác.
Nhiều đề tài được đánh giá cao
Bên cạnh vấn đề bảo vệ môi trường, rất nhiều đề tài tại cuộc thi nhận được sự đánh giá cao của ban giám khảo. Các đề tài có sự đầu tư của học sinh, xuất phát từ nhu cầu, bức xúc của thực tiễn.
Cụ thể đề tài Nghiên cứu ý định mua hàng rong của khách du lịch quốc tế trong quận 1 - TPHCM của hai em Hoàng Huy Minh Khôi, Trần Thiên Phúc, lớp 11 CT, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Em Minh Khôi cho biết: “Khách nước ngoài khi đến Việt Nam, đặc biệt trải nghiệm ở quận 1 sẽ thấy được những nét văn hoá khác biệt. Tuy nhiên, những năm gần đây trong địa bàn xuất hiện thực trạng như chặt chém khách du lịch… ảnh hưởng đến ý định mua hàng và quay trở lại của họ.
Chúng em muốn nghiên cứu và khắc phục tình trạng này”. Các em đã thực hiện khảo sát 150 khách du lịch nước ngoài bằng bộ câu hỏi được đầu tư công phu có tính khoa học và phân tích thực trạng; tìm ra các giải pháp; làm cẩm nang song ngữ hỗ trợ khách du lịch và lập trang fanpage song ngữ về hàng rong và đề xuất các mô hình như: Mô hình chung về vị trí, gian hàng, phương thức hoạt động; mô hình về chính sách quản lý về kiểm soát nguyên liệu, trật tự, tập huấn…; công tác tuyên truyền; mô hình áp dụng…
Theo đánh giá của Ban tổ chức cuộc thi, các đề tài không chỉ gắn với lĩnh vực khoa học tự nhiên, ứng dụng công nghệ mới, mà còn thể hiện tính nhân văn cao khi hướng tới các sản phẩm chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật. Đó là các đề tài như: Năng lực trí tuệ cảm xúc của học sinh THPT tại TPHCM; Phần mềm theo dõi trạng thái cảm xúc nhận diện sớm nguy cơ rối loạn tâm lý ở học sinh trung học; Mô hình trí tuệ nhân tạo dự đoán nguy cơ trầm cảm của học sinh THPT trên địa bàn TPHCM; Xe thông minh hỗ trợ di chuyển cho người khuyết tật điều khiển bằng đầu hoặc cổ tay…
Theo Báo Giáo dục & Thời đại