Nguy cơ bệnh sởi tấn công trẻ trong những ngày Tết

Chủ nhật, 12.01.2020 | 08:47:00
422 lượt xem

Một người mắc sởi có thể lây nhiễm cho 9/10 người tiếp xúc nếu chưa được chủng ngừa.

Sởi vì thế là căn bệnh được các bác sĩ cảnh báo có thể khiến trẻ phải nhập viện kể cả những ngày Tết nếu phụ huynh không chủ động tiêm phòng hoặc chú ý chăm sóc sức khỏe cho bé.

Nhiều trẻ mắc bệnh ngày cận tết

Ghi nhận tại khoa Nhiễm, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2, TP.HCM đầu tháng 1/2020 cho thấy, có 23 trẻ mắc sởi biến chứng phải điều trị nội trú, trong số đó có 3 trường hợp bệnh nặng phải thở ôxy. Riêng tại BV. Nhi Đồng 1, sáng 1/1 cũng có 11 ca nằm viện, trong đó có một bé đang được theo dõi chặt chẽ do biến chứng nặng. Tình hình cũng xảy ra tương tự tại BV.Nhi Đồng Thành phố.

Đưa con đến BV trong tình trạng bé lơ mơ, sốt cao, nổi ban khắp người, chị N.T.V (nhà ở quận 12, TP HCM) cho biết con chị bắt đầu than mệt từ 3 ngày trước. “Tôi mua thuốc cho bé uống mà không khỏi.Khi bé đang ở trường thì cô giáo thông báo bé bị sốt cao.Tại BV sau khi được khám, tôi mới biết con mình mắc sởi.

Cùng nuôi 2 con bị sởi tại BV. Nhi Đồng 2, chị V.T.L (nhà ở Hóc Môn, TP HCM)cũng cho hay 2 bé lần lượt sốt, ho, lờ đờ, khi nhập viện, một trong hai bé đã ở tình trạng nặng, phải thở ôxy. Phụ huynh cho biết cả 2 bé đều đã được tiêm phòng sởi nhưng chỉ mới tiêm mũi thứ nhất lúc 9 tháng tuổi mà chưa tiêm nhắc lại.

Nguy cơ bệnh sởi tấn công trẻ trong những ngày Tết
Bác sĩ Dư Tuấn Quy đang khám cho một bệnh nhi sởi

BS.CKII. Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm, BV. Nhi Đồng 2 thông tin, tình hình sởi trong những ngày giáp Tết 2020 cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước. “Số bệnh nhi mắc sởi cứ tăng đều trong năm.Những tháng cao điểm có đến gần 50 trẻ nằm viện. Những ngày cuối năm, mỗi ngày cũng có khoảng hơn 20 trường hợp bệnh nặng nằm viện, trong khi đó những năm trước cả năm chỉ có vài chục ca. Thực tế trên cho trên cho thấy mầm bệnh vẫn còn có trong cộng đồng”.

Phân tích nguyên nhân khiến sởi vẫn tăng cao, BS. Việt cho rằng nguyên nhân chính vẫn là do phụ huynh chưa thực hiện việc tiêm phòng đầy đủ. Hầu hết những ca nhập viện đều chưa tiêm phòng hoặc chỉ tiêm 1 mũi rồi bỏ tiêm.

Tại BV. Nhi Đồng 1, BS.CKI. Dư Tuấn Quy, Phó Khoa Nhiễm - Thần kinh cũng cảnh báo việc không tiêm phòng khiến số ca sởi vẫn nhập viện đều đặn. “Nhiều phụ huynh khi con mắc sởi, được bác sĩ hỏi đã tiêm phòng chưa vẫn còn ngơ ngác. Điều này cho thấy ý thức của một số bố mẹ trong việc tiêm phòng cho con vẫn chưa cao. Cứ tình hình này, Tết năm nay, không khéo khoa sẽ sống cùng với bệnh nhi sởi”, BS.Quy nhận định.

Từ bệnh sởi đến đại dịch

Theo y văn, sởi là bệnh truyền nhiễm dễ lây nhất.Trong lịch sử, đã từng có những đại dịch sởi xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. Năm 1916, dịch sởi bùng phát trên toàn nước Mỹ và giết chết 12.000 người, trong đó 75% là trẻ em dưới 5 tuổi.

Bệnh do virus sởi gây ra. Virus này lây lan qua không khí khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi. Bệnh bắt đầu bằng sốt và sau đó xuất hiện các triệu chứng ho, hắt hơi, đỏ mắt và phát ban sau đó. Tuy nhiên, bệnh sởi không đơn giản với biểu hiện “ban đỏ” vài ngày sẽ hết như một số phụ huynh thường nghĩ mà có thể gây ra nhiều biến chứng từ nhẹ như tiêu chảy, viêm tai giữa đến biến chứng nặng nề như viêm phổi, viêm não. Các biến chứng nghiêm trọng này có tỷ lệ tử vong cao.Biến chứng có thể gặp trên bất kỳ trẻ nào mắc bệnh nhưng có tỷ lệ cao trên trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, trẻ suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A.

Dễ phòng

Vắcxin sởi được phát minh từ những năm 1960 và ngày càng được cải tiến nhiều hơn để tăng hiệu quả cũng như giảm tác dụng phụ của vắc xin. Chủng ngừa được xem là phương tiện phòng ngừa an toàn và hiệu quả nhất đối với bệnh này. Vắcxin sởi rất an toàn, hiệu quả, và các tác dụng ngoại ý (nếu có) thường nhẹ.

Việt Nam hiện có 3 loại vắcxin có thể phòng sởi: vắcxin sởi đơn MVVAC, vắc xin sởi - rubella MR (miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng) và vắcxin sởi - quai bị - rubella MMR (vắcxin dịch vụ, có tính phí). Nếu được tiêm đủ 2 mũi ngừa sởi, trẻ sẽ được bảo vệ đến 97% đối với bệnh.

Từ khi có vắcxin, các nước phát triển đã khống chế dịch sởi trong nhiều năm.Dịch thường hiếm khi xảy ra vì tỷ lệ tiêm chủng tại các quốc gia này đạt gần 100%.Tuy nhiên, dịch cũng có thể bùng phát ở những nơi cộng đồng dân cư chưa được chủng ngừa đầy đủ.Năm 2011, Canada và Pháp đã chứng kiến sự bùng phát dịch sởi trên diện rộng.Năm 2013, nước Mỹ bất ngờ chứng kiến sự bùng phát trở lại của dịch sởi. Riêng tại Việt Nam, dịch sởi năm 2014 ghi nhận cả nước có gần 6000 ca ghi nhận mắc sởi, trong đó có 147 trường hợp tử vong liên quan đến sởi. Các chuyên gia báo cáo có từ 30% - 80% trẻ mắc sởi trong các trận dịch kể trên chưa được tiêm ngừa sởi.

Nếu tất cả người dân được tiêm ngừa đầy đủ, toàn bộ cộng đồng sẽ không có khả năng mắc bệnh. Do đó, khi trẻ và các thành viên trong gia đình được tiêm ngừa đúng lịch, bản thân trẻ, gia đình, và cả cộng đồng sẽ được bảo vệ khỏi bệnh sởi. Khi tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng cao, bệnh sởi có thể được loại trừ.

Lưu ý trẻ mắc bệnh tim?

Trẻ mắc bệnh tim thường ít được tiêm ngừa sởi vì phụ huynh lo lắng bé thể trạng yếu, lo ngại các tác dụng phụ của vắcxin. Tuy nhiên, trên thực tế, vắcxin ngừa sởi được chứng minh an toàn khi sử dụng cho trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh và các bệnh lý mạn tính. Do đó, vắcxin này hoàn toàn không có chống chỉ định đối với các trẻ mắc bệnh tim.

Phụ huynh có con em mắc bệnh tim bẩm sinh nên đưa trẻ đi tiêm chủng theo đúng lịch hẹn vì trẻ có sức đề kháng yếu và dễ trở nặng khi mắc bệnh hơn các trẻ khỏe mạnh khác.

Chỉ có các trường hợp sau đây có chống chỉ định với vắcxin sởi: từng có phản ứng nguy hiểm đến tính mạng do dị ứng với liều vắcxin sởi trước đó, hoặc bất kỳ thành phần nào có trong vắcxin; phụ nữ đang mang thai.

Đối với các trường hợp sau, phụ huynh cần báo cho bác sĩ trước khi có kế hoạch tiêm ngừa sởi để bác sĩ xem xét việc chỉ định vắc xin cho con:

- Bệnh nhân đang mắc bệnh nhiễm HIV/AIDS.

- Bệnh nhân ung thư.

- Bệnh nhân đang dùng các thuốc corticoid hoặc thuốc có khả năng gây ức chế hệ miễn dịch.

- Được truyền máu hoặc chế phẩm máu trong thời gian gần đây.

- Từng bị giảm tiểu cầu.

- Đang sốt hoặc mắc các bệnh lý cấp tính.

Lịch tiêm ngừa sởi theo chương trình tiêm chủng quốc gia: mũi 1 khi bé 9 tháng tuổi, mũi 2 lúc 18 tháng tuổi. Các mũi tiêm có thể được chỉ định sớm hơn khi có dịch

Theo BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, tại BV Nhi Đồng 1, những trường hợp tiêm đủ 2 mũi vẫn mắc bệnh là rất hiếm. Đối với vắcxin sởi nếu tiêm lúc em bé quá nhỏ phải tiêm nhắc, đặc biệt lúc bé bắt đầu đi học nên tiêm.Số liều đủ là 2 liều; trong trường hợp đủ 2 liều mà bé vẫn bị, bệnh thường nhẹ và rất ít biến chứng.

Cẩn trọng với bệnh truyền nhiễn mùa Đông - Xuân


- Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cảnh báo, từ khoảng tháng 12 năm trước cho đến hết tháng 3 năm sau là thời gian xuất hiện nhiều ca bệnh truyền nhiễm có biểu hiện đường hô hấp như cúm, thủy đậu, sởi, quai bị, rubella… Bệnh có thể xuất hiện rải rác trong cộng đồng nhưng cũng có thể gây nên các chùm ca bệnh trong các tập thể đông người như trường học, xưởng sản xuất, văn phòng.


-Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường tự khỏi nhưng cũng có thể có biến chứng nặng trên một số cơ địa bệnh mạn tính, có thai, trẻ quá nhỏ hoặc người già. Để chủ động kiểm soát bệnh trong mùa đông xuân này, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM đã có văn bản hướng dẫn các Trung tâm y tế quận huyện triển khai các hoạt động chủ động phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng và trong các tập thể đông người.

-Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM cũng khuyến cáo người dân:

Đảm bảo vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng - mũi khi ho hắt hơi và rửa sạch tay ngay sau đó.

Một trường hợp sởi biến chứng đang được chăm sóc

Tiêm vắcxin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắcxin phòng bệnh như: cúm, sởi, rubella, ho gà…). Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi ra ngoài trời. Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Nếu buộc phải tiếp xúc cần mang khẩu trang và rửa tay bằng xà phòng ngay sau khi tiếp xúc.

Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, vận động, tập luyện thể thao phù hợp với sức khỏe.Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám và xử trí kịp thời.Tuân thủ hướng dẫn của nhân viên y tế về thời gian và biện pháp cách ly để hạn chế lây bệnh cho người khác.
Đối với người bệnh là học sinh hoặc đang làm việc tại các cơ quan, tổ chức cần nghỉ học, nghỉ làm hết thời gian quy định đồng thời thông báo tình trạng bệnh cho cơ quan, tổ chức.

suckhoedoisong.vn/nguy-co-benh-soi-tan-cong-tre-trong-nhung-ngay-tet-n167736.html

Theo suckhoedoisong.vn

  • Từ khóa