Camera an ninh gia đình: Sử dụng sao cho an toàn?

Thứ 6, 17.01.2020 | 09:56:33
937 lượt xem

Không ít người đang sử dụng camera giám sát cho gia đình hay đang có ý định lắp đặt cảm thấy hoang mang.

Ngày càng có nhiều người lắp đặt camera an ninh gia đình. Tuy nhiên dùng camera giám sát sao cho an toàn? Hành vi xâm nhập camera an ninh gia đình để lấy cắp dữ liệu cá nhân bị xử lý như thế nào thì không phải ai cũng biết.        

camera an ninh gia dinh: su dung sao cho an toan? hinh 1
Lấy cắp hình ảnh riêng tư để tống tiền có thể bị phạt tù tới 20 năm


Nên tăng cường bảo mật

Mới đây, một nữ ca sĩ bị tội phạm công nghệ xâm nhập camera gia đình trích xuất những video riêng tư như cảnh cô thay quần áo, clip nóng tung lên mạng xã hội gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống cá nhân của nữ ca sĩ này.

Trước tình trạng này, không ít người đang sử dụng camera giám sát cho gia đình hay đang có ý định lắp đặt cảm thấy hoang mang.

Chị Hoàng Huyền (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi lắp đặt camera giám sát ở phòng khách và phòng của con để có thể theo dõi an ninh cũng như giám sát hoạt động của con khi mình vắng nhà. Tuy nhiên, tôi cũng không am hiểu nhiều về công nghệ, chỉ sợ trong quá trình sử dụng có sơ xuất gì khiến hacker đánh cắp được thông tin gia đình sẽ tìm cách lừa đảo hoặc làm hại đến các con. Vì thế, tôi đang cân nhắc có nên tiếp tục sử dụng camera giám sát trong gia đình nữa hay không”.

Theo kỹ sư công nghệ thông tin Lê Khải, không ít người có tính hay quên nên thường để mật khẩu mặc định hoặc mật khẩu đơn giản cho dễ nhớ. Điều này khiến kẻ xấu am hiểu về công nghệ có thể dễ dàng đột nhập để đánh cắp thông tin tài khoản từ đó xâm nhập chiết xuất dữ liệu từ camera nhằm sử dụng cho những mục đích xấu. 

Theo anh Lê Khải, khi lắp đặt camera cho gia đình, người dân nên lựa chọn sản phẩm chính hãng đảm bảo chất lượng, đồng thời lựa chọn đơn vị thi công lắp đặt chuyên nghiệp, uy tín. Sau khi lắp đặt, người dùng nên thường xuyên thay đổi mật khẩu và không nên sử dụng mật khẩu quá đơn giản, hãy sử dụng ký tự hoa, thường và ký tự đặc biệt để tăng tính bảo mật. Không chia sẻ mật khẩu wifi có kết nối với hệ thống camera hay mật khẩu đăng nhập thiết bị cho người ngoài. Tài khoản nên đăng ký chính chủ và thiết lập chế độ bảo vệ 2 lớp thông qua tài khoản đăng nhập vào hệ thống và mã code được gắn trên mỗi camera. Khi đó muốn truy cập vào camera thì phải có mật khẩu đăng nhập và còn phải nhập mã xác thực gửi về thiết bị hoặc email đăng ký mới có thể truy cập được. Ngoài ra cũng nên mã hóa hình ảnh. Không nên để lọt hình ảnh có tính chất riêng tư trong tầm ngắm của camera giám sát.

Kẻ lấy cắp thông tin sẽ bị xử lý thế nào?

 Theo luật sư Trần Tuấn Anh, Công ty Luật Minh Bạch, bí mật đời tư là bất khả xâm phạm, được hệ thống pháp luật Việt Nam bảo vệ trong Hiến pháp và Bộ luật Dân sự. Chế tài xử lý hành vi xâm phạm và sử dụng hình ảnh đời tư khi không được cho phép tùy theo mức độ sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Với tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác sẽ bị xử phạt theo Điều 289, Bộ luật Hình sự. Cụ thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm. Còn với tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông trái với quy định của pháp luật thì bị xử phạt theo Điều 288 Bộ luật Hình sự bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Còn trong trường hợp các hành vi chưa gây hậu quả nghiêm trọng đối với nạn nhân thì sẽ bị xem xét xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 174.

Luật sư Tuấn Anh cho biết thêm, trong trường hợp lấy cắp hình ảnh riêng tư và dùng hình ảnh đó để tống tiền nạn nhân thì ngoài bị xử lý theo Điều 289, còn bị xử lý theo Điều 170 Tội cưỡng đoạt tài sản, nhẹ thì bị phạt tù 1-5 năm, khung hình phạt tối đa lên tới 12-20 năm tù. Ngoài ra còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung từ 10 - 100 triệu đồng./.

Những người like, share, bình luận những hình ảnh riêng tư bị lấy cắp tung lên mạng xã hội cũng bị xem là hành vi vi phạm pháp luật và tùy từng tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà bị xử phạt tương ứng. Nếu like, share những hình ảnh đồi trụy còn bị xử phạt hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo quy định tại Điều 326, Bộ luật Hình sự với khung hình phạt cao nhất lên tới 15 năm tù” - luật sư Tuấn Anh.

Minh Thư/Báo VOV

https://vov.vn/phap-luat/tu-van-luat/camera-an-ninh-gia-dinh-su-dung-sao-cho-an-toan-1001102.vov

  • Từ khóa