Nâng cao ý thức của người dân khi đi lễ đền, chùa

Thứ 2, 20.01.2020 | 00:00:00
765 lượt xem

Đi lễ tại các đền, chùa vốn là một nét đẹp văn hóa của người Việt từ xưa đến nay. Hiện nay, tại các cơ sở thờ tự tín ngưỡng trên địa bàn thành phố Lạng Sơn hầu như không còn xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy và những hình ảnh chưa đẹp như: ăn mặc phản cảm, cách cư xử, nói năng… thiếu văn hóa giữa chốn đông người nữa. Đó là nhờ sự vào cuộc tích cực của ngành văn hóa, các ban quản lý di tích và ý thức tự giác của mỗi người dân, du khách, góp phần xây dựng nếp sống văn minh.

Thời điểm cuối năm cũ bước sang năm mới là lúc mọi người thường đi lễ tại các đền, chùa, bởi ai cũng muốn nhìn lại chặng đường một năm đã qua và cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.

Dạo một vòng quanh các cơ sở thờ tự tín ngưỡng trên địa bàn thành phố Lạng Sơn như: Chùa Thành, đền Kỳ Cùng, chùa Tam Thanh… khó có thể bắt gặp cảnh tượng chen lấn, thắp hương bừa bãi hoặc cách ăn mặc phản cảm từ du khách, người đi lễ… Thay vào đó là hình ảnh du khách trong những bộ trang phục lịch sự, nhã nhặn.

Du khách nghiên cứu bảng nội quy dành cho du khách tại đền Kỳ Cùng, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn

Bên mâm lễ được sửa soạn tươm tất, bà Nguyễn Thị Ngoan (du khách đến từ thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) chia sẻ: Đây là lần thứ ba, tôi đến Lạng Sơn và lần nào tôi cũng cố gắng ghé thăm hết các chùa, đền trong thành phố. Đi đền, chùa xuất phát từ cái tâm của mỗi người nên tôi luôn sửa soạn chu đáo nhất có thể từ cách ăn mặc cho đến đồ lễ… để cầu mong những điều may mắn, tốt đẹp.

Bà Phạm Tuyết Lê, Trưởng Bộ phận thường trực di tích Quốc gia đền Kỳ Cùng cho biết: Hiện nay, tại đền Kỳ Cùng hầu như không còn xảy ra tình trạng du khách xô đẩy chen lấn, thắp hương không đúng quy định hoặc ăn mặc kệch cỡm, cư xử lỗ mãng… nữa. Mong rằng thời gian tới, ý thức của du khách khi đến với đền sẽ tiếp tục được nâng cao nhằm đảm bảo sự tôn nghiêm của chốn tâm linh.

Có thể nói, để có được kết quả trên là nhờ công tác tuyên truyền kết hợp với các biện pháp cụ thể mà ngành văn hóa đã, đang triển khai tích cực trong thời gian qua. Theo đó, Phòng Văn hóa – Thông tin thành phố đã tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân mặc trang phục truyền thống khi đi lễ hội, đến lễ đền, chùa… Tại các cơ sở thờ tự tín ngưỡng đều gắn biển nội quy, những điều nên và không nên làm để du khách  nghiên cứu và thực hiện. Theo đó, nêu rõ những điều du khách cần thực hiện như: ăn mặc lịch sự, ứng xử lịch thiệp, tôn trọng pháp luật, bảo vệ cảnh quan môi trường… Số điện thoại đường dây nóng để du khách kịp thời phản ánh khi cần cũng được công khai tại đó.

Ban quản lý di tích cũng chủ động tuyên truyền cho người dân tuân thủ quy định, nội quy nghiêm ngặt. Đối với những trường hợp cố tình vi phạm hoặc sử dụng trang phục phản cảm khi đến các di tích thì trực tiếp nhắc nhở, thậm chí đề nghị du khách không vào đền, chùa nhằm đảm bảo sự tôn nghiêm tại những nơi tâm linh…

Việc đi lễ đền, chùa không chỉ giúp cho người dân giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, ghi nhớ công ơn của ông bà tổ tiên mà còn hướng con người tới chân – thiện – mỹ. Bởi vậy, mỗi người cần hiểu và tự giác nâng cao ý thức khi đi lễ đền, chùa, góp phần xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng.

Bà Hoàng Minh Thảo, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin thành phố Lạng Sơn cho biết: Thời gian tới, để nâng cao hơn nữa ý thức của người dân khi đến hành lễ tại các đền, chùa và các lễ hội…, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân để mọi người  nâng cao ý thức. Đồng thời, nhanh chóng tiếp nhận và giải quyết các phản ánh của du khách trên đường dây nóng nhằm đảm bảo để lại ấn tượng tốt đẹp nhất trong lòng du khách mỗi khi đặt chân đến Xứ Lạng…

  • Từ khóa