Trẻ đến trường phải là những em bé hạnh phúc nhất

Thứ 5, 30.01.2020 | 08:49:49
409 lượt xem

Bước từ môi trường gia đình - là trung tâm chăm sóc của cả nhà, đến lớp học - nơi đứa trẻ sẽ lần đầu tự học cách thích nghi với môi trường mới.

Con đến tuổi đi mẫu giã ông bà lại không ở gần để giúp trông cháu, nhiều cặp vợ chồng trẻ không còn cách nào khác là phải gửi con đến trường từ rất sớm.

Nhiều bậc phụ huynh chia sẻ, con mình mất khoảng 2 tuần để làm quen với cô giáo và trường lớp, sau đó sẽ chịu đi học vui vẻ mỗi ngày. Nhưng cũng có trường hợp trẻ mất cả năm trời quấy khóc mỗi sáng bố mẹ đưa đến trường. Dù bất cứ ở trường hợp nào, các bậc cha mẹ không khỏi lo lắng trong cả ngày dài xa cách con. Chắc chắn rằng có phụ huynh sẽ ngồi cả ngày theo dõi camera ở lớp để cảm thấy yên tâm.

tre den truong phai la nhung em be hanh phuc nhat hinh 1
Bố mẹ nào cũng mong mỗi ngày con đến trường sẽ là một ngày vui.

Phụ huynh có người hiểu, người không

Anh Nguyễn Trường (Long Biên, Hà Nội) cho biết, cậu con trai thứ 2 của mình đang ở tuổi mầm non, dù có bạo dạn và không quấy khóc như anh trai khi đi học, nhưng anh cũng không khỏi lo lắng vì sự “nghịch ngợm” của cậu bé.

“Lớp cháu có khoảng 20 học sinh và có 2 cô chăm sóc. Bình thường ở nhà bố mẹ cũng “hết hơi” vì các trò nghịch ngợm của cháu, nên đến lớp cũng lo cô không bao quát hết. Nhưng tôi thấy, cô vẫn có phương pháp của cô để rèn các con vào nề nếp. Chỉ cần con mỗi ngày từ trường về đều vui vẻ là chúng tôi yên tâm”, anh Trường chia sẻ.

Vì công việc, vợ chồng anh Trường chọn gửi con ở trường tư vì họ có thời gian trông trẻ ngoài giờ và trường cũng gần nhà để thuận tiện đưa đón hơn. 

Cũng có con gái đầu lòng đang theo học mầm non tư thục, chị Ngọc Linh (Dương Nội, Hà Nội) cho biết, mình đã phải tìm hiểu kỹ lưỡng cả trường công và tư để gửi con. Theo chị Linh, có nhiều trường mầm non tư đầu tư vào cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục. Chị nhận xét: “Con được học các môn từ vẽ, âm nhạc, võ đến Tiếng Anh (với người nước ngoài) cùng các hoạt động ngoài trời, dã ngoại được tổ chức khá thường xuyên. Các cô cũng chăm sóc các con cẩn thận hơn, cha mẹ đưa con đến trường cũng yên tâm công tác. Tuy nhiên, cũng có lúc các cô không thể chăm chút từng li từng tí cho tất cả các con trong lớp, nhưng phụ huynh cũng cảm thông vì các cô cũng chịu nhiều áp lực, vất vả với các con trong độ tuổi “nói chưa biết nghe”.

Bên cạnh những ý kiến này, vẫn còn rất nhiều phụ huynh bức xúc, không đồng tình với nhà trường. Cô Phạm Thúy Khanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trương Định, Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, trong hơn 30 năm làm trong ngành giáo dục, với 15 năm làm giáo viên mầm non, cô từng được biết đến sự việc phụ huynh đứng ngoài cổng nhìn vào thấy con bê ghế không may bị ngã hay thấy con va vào bạn, thì sẵn sàng xông vào lớp đánh cô giáo. 

“Đây là điều vô cùng đáng tiếc. Bởi nhà trường luôn có các kênh tiếp xúc, trao đổi với phụ huynh để hai bên có thể hiểu được và phối hợp với nhau hiệu quả hơn trong việc nuôi dạy con trẻ”, cô Khanh nói.

Môi trường mầm non tốt dành cho cả cô và trò

Khi mới đảm nhận cương vị Hiệu trưởng Trường Mầm non Trương Định, cô Khanh cho biết trường lúc đó đã xuống cấp trầm trọng, với tập thể giáo viên rời rạc... : “Điều tôi đã phải làm lúc đó là thổi được đam mê, nhiệt huyết vào các cô, để các cô hết lòng vì trường vì các con. Tôi cũng phải điều chỉnh đồ chơi lớp nhà trẻ đến lớp mẫu giáo lớn cho phù hợp”.

Cô Khanh khẳng định, môi trường trong trường mẫu giáo rất quan trọng đối với cả cô và trò, khi cô giáo có lòng với các con và trò lại yêu cô, yêu trường lớp. 

Với cô Nguyễn Thị Mai, Chủ nhóm cơ sở mầm non tư thục Phượng Hồng và Những Ngôi sao lấp lánh (Dương Nội), môi trường mầm non lý tưởng là nơi mỗi trẻ khi đến trường đều là những em bé hạnh phúc nhất. Nhà trường phải có không gian để các em vui chơi, học tập và thỏa sức sáng tạo. Nhà trường hướng tới những phương pháp dạy và trang bị giáo cụ hiện đại.

tre den truong phai la nhung em be hanh phuc nhat hinh 3
 

“Các bé ở lứa tuổi mầm non rất non nớt, nhưng sức khám phá lại vô cùng phong phú. Do vậy, giáo viên cần tĩnh lại để quan sát các con, qua đó sẽ phát hiện mỗi trẻ sẽ có một điểm nổi trội và các cô sẽ định hướng để các con phát triển tốt hơn, phù hợp hơn. Thay vì cách dạy truyền thống là “Một cô dạy và các con ngồi theo hình chữ U”. Tất cả các bạn đều học giống như nhau một chương trình, trong khi các giai đoạn phát triển nhạy cảm của con lại khác nhau. Do vậy, điều giáo viên cần là nắm bắt được điểm nổi trội của học sinh”, cô Mai cho biết. 

Theo cô Mai, bố mẹ và những người thân thuộc trong gia đình chính là những người thầy đầu tiên của các con. Do vậy giáo dục trẻ cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường để tạo ra môi trường học tập, nuôi dạy tốt nhất cho các con. Các bậc phụ huynh không nên phó mặc cho các cô. Hiện nay, hầu hết các nhà trường đều có sổ liên lạc hoặc sổ liên lạc điện tử để trao đổi hai chiều giữa phụ huynh và giáo viên. Những điều phụ huynh muốn dặn dò, những lưu ý khi chăm sóc các con hay nhờ cô giáo cho các con uống thuốc… đều có thể nhắn qua sổ liên lạc điện tử. 

Nhận định về những vụ bạo hành trẻ mầm non hay nhiều vụ việc đáng tiếc khác, cô Mai nói rằng, những vụ bạo hành báo chí đăng tải là trường hợp cá biệt “con sâu bỏ rầu nồi canh” vì không phải tất cả các cô giáo đều như thế. 

“Về phía các phụ huynh, cũng có người hiểu các cô, nhưng có những người chưa hiểu và giao trách nhiệm các cô phải như thế này, phải như thế kia… Ở trường có những buổi giao ban để động viên các cô với phương châm “làm vì các con chứ không phải vì phụ huynh, nên các cô cần làm hết trách nhiệm của mình”./.


Thiên Bình/VOV.VN 

https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/tre-den-truong-phai-la-nhung-em-be-hanh-phuc-nhat-1004332.vov

  • Từ khóa