Một số doanh nghiệp như dệt may, da giày đang tính đến phương án nhập nguyên phụ liệu từ các quốc gia khác Trung Quốc để đảm bảo kế hoạch sản xuất.
Trong những ngày qua, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra đang có tác động và ảnh hưởng đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Tác động của dịch không chỉ giới hạn trong quan hệ thương mại trực tiếp với Trung Quốc mà cả trên các thị trường thứ ba, ảnh hưởng từ xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại biên giới cho đến thương mại nội địa, sản xuất công nghiệp, quản lý chuỗi cung ứng. Việc hàng hóa không thể xuất khẩu được tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc là mối quan ngại không chỉ của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, mà ngay các doanh nghiệp kinh doanh logistics cũng đều rất lo lắng.
Tại nhiều khu vực cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc, việc kéo dài thời gian giao hàng, thông quan do phải thực hiện các công tác kiểm dịch y tế nghiêm ngặt ở cả hai đầu (xuất và nhập); giao thương qua đường bộ, đường sắt, đường hàng không giữa hai nước bị hạn chế; nhu cầu nhập khẩu phục vụ tiêu dùng và sản xuất của Trung Quốc giảm.
Vitas khuyến nghị các DN tập trung khai thác nguồn nguyên liệu, phụ liệu trong nước hoặc từ các nước khác để thay thế nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. |
Cùng với đó, việc nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam cũng trở nên khó khăn có thể xảy ra khi nguồn hàng từ Trung Quốc giảm, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu sang các thị trường thứ ba, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu/thừa một số loại hàng hóa nhất định.
Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may (Vitas) cho biết, nguồn nguyên liệu của ngành dệt may có một tỷ lệ đáng kể đến từ Trung Quốc. Việc xảy ra dịch nCoV đã khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu đóng cửa không hoạt động, đặc biệt Vũ Hán là thành phố có khá nhiều nhà máy lớn nên nguy cơ thiếu nguyên phụ liệu trong thời gian tới là rất cao.
"Mặc dù thị trường xuất khẩu của ngành may mặc ít bị ảnh hưởng, nhưng do nhiều nhà máy dệt tại Trung Quốc có thể đóng cửa trong tháng 2, nên đầu vào - khâu cung ứng nguyên liệu - sẽ bị ảnh hưởng", ông Cẩm nhận định.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, bà Đỗ Thị Thúy Hương cũng cho rằng, chỉ trong vòng từ 1-2 tháng nữa sẽ nhìn thấy rất rõ tác động của dịch bệnh đối với hoạt động sản xuất kinh doanh. Nguy cơ dừng sản xuất rất nhiều, việc trả lương cho người lao động, cộng thêm chi phí duy tu bảo dưỡng máy móc cũng là khoản lớn cần phải tính đến.
Chủ động tìm nguồn nguyên liệu thiếu hụt
Để ứng phó với tình huống xấu nhất, hiện nay một số doanh nghiệp của Việt Nam như dệt may, da giày đang tính đến phương án nhập nguyên phụ liệu từ các quốc gia khác như Hàn Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Brazil... nhằm bù đắp nguồn nguyên liệu thiếu hụt cho sản xuất.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là việc chuyển đổi nguồn nguyên liệu qua quốc gia khác không hề đơn giản, đặc biệt so sánh lợi thế về đơn giá, phía bạn hàng Trung Quốc luôn thấp hơn so với các nước khác, nên sẽ rất khó cạnh tranh. Nếu bệnh dịch không thể dập tắt được trong 1 - 2 tháng tới, thì kinh tế toàn cầu và Việt Nam đều gặp khó khăn.
Cùng với đó, do thực trạng hiện nay khoảng 90% doanh nghiệp trong nước có quy mô nhỏ và vừa, nên ngoài sự chủ động của doanh nghiệp, nhất thiết phải có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của Nhà nước.
Bởi hiện nay, một số khó khăn mà doanh nghiệp đang cần sự tiếp sức như có nguồn vay ưu đãi, các gói hỗ trợ để tiếp cận công nghệ mới, những chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ. Hay việc hỗ trợ đầu ra từ các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia của Chính phủ cần thiết thực, thay vì chỉ dừng lại ở khâu quảng bá, hỗ trợ kết nối hay thông tin tổng quan.
Trước diễn biến hiện nay, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) đã có thông báo đề nghị các doanh nghiệp hội viên gửi báo cáo về tác động của dịch nCoV tới tình hình sản xuất kinh doanh để Vitas tổng hợp báo cáo Chính phủ.
"Nhằm hạn chế những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, Vitas khuyến nghị các doanh nghiệp cần trao đổi với khách hàng, tập trung khai thác nguồn nguyên liệu, phụ liệu trong nước hoặc từ các nước khác để thay thế nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, đảm bảo duy trì sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống người lao động", ông Trương Văn Cẩm cho biết.
Nhận định thương mại điện tử (TMĐT) là môi trường dễ bị trục lợi trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số Đặng Hoàng Hải cho biết, từ rất sớm, Cục đã có Công văn gửi các website, sàn giao dịch TMĐT xử lý các doanh nghiệp đẩy giá sản phẩm lên cao. "Các sàn giao dịch TMĐT như Lazada, Shopee… đã xử lý nhiều doanh nghiệp vi phạm đẩy giá sản phẩm, bên cạnh đó, còn có vi phạm trục lợi trong bối cảnh hiện nay là tăng giá vận chuyển sản phẩm. Tất cả những hành vi này đều bị xử lý", ông Hải cho biết.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Bộ đã nhận thức rất rõ và chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã có trao đổi với Bộ Y tế theo hướng triển khai quyết liệt các biện pháp chống dịch, ngăn dịch, nhưng vẫn đảm bảo biện pháp đưa ra không gây khó khăn quá mức cần thiết cho hoạt động giao thương. "Chúng ta chấp nhận mất thời gian nhưng không để mất thời gian một cách vô lý", ông Hải nhấn mạnh./.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN