Xây dựng tiềm lực công nghiệp quốc phòng, an ninh theo phương châm tự lực, tự cường, ngày càng hiện đại

Thứ 6, 24.05.2024 | 08:14:08
373 lượt xem

Trước hết, tôi cho rằng khi Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh (QPAN) và động viên công nghiệp (ĐVCN) ra đời và có hiệu lực sẽ cơ bản lấp những khoảng trống về pháp lý, đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập trong hệ thống pháp luật liên quan đến các lĩnh vực này, từ hoạt động quản lý nhà nước, cơ chế ưu tiên, thu hút nguồn lực, việc huy động sự tham gia của mọi thành phần kinh tế vào phát triển công nghiệp QPAN, phát huy vai trò của các cơ sở công nghiệp quốc phòng, cơ sở công nghiệp an

Cùng đó, luật sẽ là cơ sở để tăng cường xây dựng tiềm lực công nghiệp QPAN theo phương châm tự lực, tự cường, ngày càng hiện đại, có trình độ khoa học-công nghệ cao, chuẩn bị và thực hành ĐVCN để chủ động ngăn ngừa từ sớm, từ xa, đẩy lùi và sẵn sàng đối phó thắng lợi trong mọi tình huống, đủ nội lực đánh bại mọi hình thức chiến tranh xâm lược, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.

Đồng thời, đây cũng là tiền đề để công nghiệp QPAN phát triển theo hướng lưỡng dụng, chuyên môn hóa một số lĩnh vực công nghệ đặc thù phục vụ dân sinh, nâng cao năng lực sản xuất kinh tế, thực sự trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, phục vụ đắc lực cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Xây dựng tiềm lực công nghiệp quốc phòng, an ninh theo phương châm tự lực, tự cường, ngày càng hiện đại
Sản xuất sản phẩm quốc phòng tại Nhà máy Z115 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng). Ảnh: Mạnh Hà. 

Ngoài ra, riêng đối với lĩnh vực công nghiệp an ninh, tôi kỳ vọng sự ra đời của luật này sẽ là động lực để hệ thống cơ sở công nghiệp an ninh đổi mới toàn diện, nâng tầm quy mô, tăng cường liên kết, quy tụ về công nghệ, nghiên cứu, sản xuất được những phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ có tính năng hiện đại, công nghệ cao, có tính răn đe, phòng ngừa, đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, vi phạm pháp luật, có phạm vi hoạt động lớn, tạo sự đột phá trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Trong dự thảo luật do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu có Chương VI quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về công nghiệp QPAN và ĐVCN gồm 11 điều (từ điều 61 đến điều 71), tuy nhiên chủ yếu quy định về trách nhiệm của Chính phủ, một số bộ có liên quan, UBND cấp tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận. Tiếp thu ý kiến của lãnh đạo Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan soạn thảo đã chỉnh lý Chương VI thành “Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về công nghiệp QPAN và ĐVCN”, trong đó quy định cụ thể, chi tiết hơn về trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Khoa học và Công nghệ, đồng thời bổ sung trách nhiệm của Tòa án Nhân dân Tối cao và HĐND cấp tỉnh.

Mặc dù giảm bớt số điều quy định về trách nhiệm của các bộ có liên quan, tuy nhiên, thực tế qua rà soát, các quy định trước đây chủ yếu là những nội dung thuộc thẩm quyền, trách nhiệm thường xuyên của các bộ này, do vậy không cần quy định lại trong dự thảo luật mà thu hút vào một điều chung về trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Đồng thời, việc bổ sung thêm trách nhiệm của tòa án nhân dân (liên quan đến hướng dẫn việc loại trừ trách nhiệm hình sự đối với cá nhân trong quá trình thực hiện hoạt động khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ một số nhiệm vụ thuộc công nghiệp QPAN) và trách nhiệm của HĐND cấp tỉnh (trong quyết định chủ trương, biện pháp; giám sát thực hiện xây dựng, phát triển công nghiệp QPAN và thực hiện nhiệm vụ ĐVCN địa phương) đã bao quát, cụ thể hóa hơn trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan trong công nghiệp QPAN và ĐVCN.


Theo qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/xay-dung-tiem-luc-cong-nghiep-quoc-phong-an-ninh-theo-phuong-cham-tu-luc-tu-cuong-ngay-cang-hien-dai-778169

  • Từ khóa