Trước đề xuất thay đổi kỳ nghỉ trong năm của học sinh, kéo dài thời gian nghỉ học phòng chống dịch bệnh, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho rằng: Các quốc gia có điều kiện xã hội, văn hóa, thời tiết khác nhau. Bởi vậy, việc thay đổi kỳ nghỉ trong năm của học sinh hay không, thay đổi như thế nào cần cân nhắc, tính toán cẩn trọng, phù hợp với điều kiện thực tế.
Gia đình và nhà trường cần phối hợp để bảo đảm an toàn cho học sinh khi trở lại học tập bình thường. Ảnh: Thế Đại
Bất lợi khi thời gian nghỉ học kéo dài
Liên quan đến kiến nghị của Thành phố Hồ Chí Minh cho HSSV, học viên các cơ sở giáo dục được tạm nghỉ học đến hết tháng 3/2020, PGS Nguyễn Xuân Thành nêu quan điểm: Trước hết, cần phải thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Trung ương, bảo đảm điều kiện an toàn về sức khỏe cho người học, thầy cô giáo; Theo sát tình hình diễn biến dịch bệnh từ Ban Chỉ đạo quốc gia, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Y tế đưa ra để quyết định có cho học sinh, sinh viên tiếp tục nghỉ học nữa hay không.
Cùng với quan điểm này, PGS Nguyễn Xuân Thành cũng cho rằng, việc cho học sinh nghỉ học nhiều hơn, kéo dài kéo theo khá nhiều bất lợi, xáo trộn trong kế hoạch thời gian năm học. Ví dụ, thời gian kết thúc năm học muộn hơn đồng nghĩa thời điểm tổ chức các kỳ thi, trong đó có Kỳ thi THPT quốc gia; việc hoàn thành chương trình, đáp ứng yêu cầu các kỳ thi chuyển cấp cũng sẽ có những khó khăn.
Nói về việc lùi kế hoạch thời gian năm học, PGS Nguyễn Xuân Thành cho biết: Quyết định số 2071/QĐ-BGDĐT ban hành khung kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên áp dụng từ năm học 2017 - 2018 trong toàn quốc có quy định một số mốc thời gian như: Kết thúc năm học trước ngày 31/5 hằng năm; Xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp THCS trước ngày 15/6 hằng năm; Hoàn thành tuyển sinh vào lớp 10 trước ngày 31/7 hằng năm. Do học sinh nghỉ học tránh dịch bệnh nên mốc thời gian kết thúc năm học có thể lùi lại từ 2 - 3 tuần. Với khung thời gian được nới rộng thêm, các địa phương, nhà trường căn cứ vào đó để xây dựng kế hoạch giáo dục, đảm bảo yêu cầu của chương trình.
“Nếu học sinh chỉ nghỉ hết tháng 2, các kỳ thi chuyển cấp trong khung thời gian Quyết định số 2071/QĐ-BGDĐT vẫn đáp ứng được. Riêng với Kỳ thi THPT quốc gia, hiện chúng ta vẫn chưa ấn định thời gian; Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản riêng để hướng dẫn cụ thể, bảo đảm học sinh có thời gian hoàn thành chương trình và ôn tập” – PGS Nguyễn Xuân Thành cho biết thêm.
Đừng nghĩ cho trẻ ở nhà thì không mắc bệnh
Phòng dịch tại nhà và trường là phương án tối ưu để trẻ yên tâm trở lại học tập. Ảnh: Thế Đại |
Chia sẻ với Báo GD&TĐ về quan điểm cho trẻ ở nhà để tránh dịch, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Truyền nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) nhận định: Nếu cho rằng các em không đến trường là an toàn mà quên các biện pháp phòng ngừa là sai lầm. Vì trong thời gian nghỉ học, các em có thể tiếp xúc với bạn bè, đi chơi nếu không thực hiện, hoặc có thực hiện biện pháp phòng ngừa mà không đúng cách cũng có nguy cơ lây nhiễm virus.
Trong thời gian học sinh tạm nghỉ học, vai trò của gia đình vô cùng quan trọng. Phụ huynh cố gắng giữ nền nếp sinh hoạt, học tập cho con em; đặc biệt ý thức phòng chống dịch bệnh để khi học sinh quay trở lại trường hình thành phản xạ, thói quen trong bảo vệ sức khỏe bản thân.PGS Nguyễn Xuân Thành
Theo bác sĩ Khanh, diễn biến của các ca nhiễm bệnh Covid-19 tại Việt Nam cho thấy hầu hết các ca đã phục hồi và được xuất viện. Ngoài việc được phát hiện sớm, điều kiện cách ly tốt, bệnh nhân không đông, việc kiểm soát không để lây lan cho người khác trong bệnh viện được chú trọng. Hơn nữa, từ tháng 3 trở đi, nắng nóng sẽ xuất hiện trên phạm vi cả nước, là lúc tay chân miệng, sốt siêu vi, bệnh đường tiêu hóa.. có cơ hội bùng phát. Nếu cứ lo bệnh Covid-19 mà chủ quan không phát hiện sớm các bệnh dịch theo mùa sẽ dẫn đến nguy cơ dịch chồng dịch.
Nói vậy để thấy, chúng ta không thể né tránh dịch mãi. Biện pháp an toàn cho trẻ là dù ở nhà hay đến trường là rửa tay thường xuyên, ăn uống - sinh hoạt và học tập khoa học, hợp lý. Trong giai đoạn này, nhà trường nên thiết kế giờ học để tránh việc tập trung đông học sinh; Đồng thời theo dõi những học sinh có đi từ vùng nguy cơ. Nếu thấy trẻ có dấu hiệu ho, sốt đưa ngay đến trạm y tế. Nếu không may trẻ bệnh phải khử trùng phòng học và tiến hành điều tra nguồn lây, thực hiện cách ly theo hướng dẫn ngành y tế. “Giám sát, thực hiện các biện pháp phòng dịch, đặc biệt không được giấu dịch là yếu tố quan trọng để đẩy lùi dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho HS, GV, nhân viên”, bác sĩ Khanh nhận định.
Hiếu Nguyễn - Tuấn Thụy/gdtd.vn