Xác định rõ lĩnh vực trọng điểm thu ngân sách

Chủ nhật, 04.08.2024 | 08:54:14
447 lượt xem

Sáu tháng đầu năm, số thu ngân sách nhà nước (NSNN) giao cho Bộ Tài chính là 1.700,9 nghìn tỷ đồng, chủ yếu là thu nội địa. Tính đến ngày 30/6, số thu NSNN đạt 1.038,1 nghìn tỷ đồng, bằng 61% dự toán, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là tín hiệu tích cực, góp phần cân đối ngân sách, bảo đảm nhiệm vụ thu NSNN năm 2024.

Ngành thuế hỗ trợ người dân nộp thuế cá nhân điện tử.
Ngành thuế hỗ trợ người dân nộp thuế cá nhân điện tử.

Trong đó, số thu nội địa đạt 60,1% dự toán, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2023. Số thu từ dầu thô đạt 64,3% dự toán, giảm 5,1%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 68,4% dự toán, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Hiện đại hóa là “chìa khóa” then chốt

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, để đạt được kết quả nêu trên, trong số các giải pháp quan trọng, việc tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN ngay từ đầu năm là giải pháp hữu hiệu nhất. Ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, gian lận trong kê khai thuế, hoàn thuế, đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện quản lý thuế điện tử.

Việc tiếp tục mở rộng triển khai cung cấp các dịch vụ thuế điện tử cho người nộp thuế, ứng dụng eTax trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile) cho cá nhân, hộ kinh doanh; vận hành và thu thuế qua Cổng thông tin nộp thuế nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam đã cho kết quả tốt. Sáu tháng đầu năm, số thu ước 4.000 tỷ đồng, lũy kế từ lúc vận hành Cổng đến nay đã có 102 nhà cung cấp nước ngoài nộp 12,8 nghìn tỷ đồng, nếu tính cả số thu nộp trực tiếp không qua Cổng, thì lũy kế đến nay đã thu hơn 15,6 nghìn tỷ đồng.

Việc triển khai cổng dữ liệu thông tin về sàn thương mại điện tử và hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động, cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng (nhất là trong các lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, nhà hàng, khách sạn); xây dựng trung tâm dữ liệu lớn về hóa đơn điện tử, ứng dụng công nghệ AI trong phân tích dữ liệu... đã mang một luồng gió mới vào quyết tâm hoàn thành mức cao nhất nhiệm vụ thu NSNN năm 2024.

Phó Tổng cục trưởng Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, đến cuối tháng 5, đã có 61.009 cơ sở kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền với số lượng hóa đơn đã sử dụng là 464,8 triệu hóa đơn. Riêng lĩnh vực kinh doanh vàng, tất cả 9.419 doanh nghiệp đã áp dụng hóa đơn điện tử có kết nối với cơ quan thuế, trong đó, 7.225 doanh nghiệp đã thực hiện áp dụng giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền với số lượng 1,34 triệu hóa đơn đã sử dụng. Đồng thời, 100% các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc cũng thực hiện phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng.

Phấn đấu tăng thu ở những địa bàn, lĩnh vực có điều kiện để bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, ngành tài chính chỉ đạo các cơ quan thuế, hải quan tăng cường công tác quản lý thu NSNN, nhất là đối với các lĩnh vực, ngành hàng, địa bàn trọng điểm, kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, nhà cung cấp nước ngoài, chuyển nhượng bất động sản, rà soát giá tính thuế bất động sản sát với giá thị trường,...

Với phương châm bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản phát sinh, ngành tài chính đã tăng cường phối hợp chặt chẽ các lực lượng chức năng để chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế, cùng với đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp, thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề, quyết liệt xử lý thu nợ thuế. Trong sáu tháng cuối năm, ngành tài chính phấn đấu giảm số thuế nợ đọng, tạo đà cho nhiệm vụ thu NSNN năm 2024 về đích sớm.

Quản lý chặt chẽ trong kê khai, kế toán thuế

Một trong những kinh nghiệm được thực tế chứng minh rất hiệu quả nhiều năm qua là đưa công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế trước khi triển khai các hoạt động nghiệp vụ, nhất là trong điều kiện người nộp thuế tự tính, tự khai, tự nộp thuế. Thời gian qua, ngành tài chính đẩy mạnh thực hiện phương thức tuyên truyền hỗ trợ qua các thiết bị thông minh, truyền thông đa phương tiện. Thông qua các nền tảng trực tuyến như Zalo, Facebook, YouTube, cổng thông tin điện tử, hệ thống tin nhắn điện tử SMS, hộp thư điện tử... nâng cao hiệu quả, tính tương tác với người nộp thuế, đáp ứng xu hướng tiếp cận thông tin điện tử của người dân và doanh nghiệp.

Kết quả cho thấy, công tác tuyên truyền hỗ trợ đã đạt hiệu quả cao hơn bởi tính phổ biến, đồng thời tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Bên cạnh giải pháp này, công tác quản lý kê khai, kế toán thuế, kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thuế giá trị gia tăng được đặc biệt chú trọng. Bộ Tài chính tiếp tục tập trung kiểm kê, rà soát mã số thuế, bảo đảm kiểm soát, nắm bắt kịp thời đối tượng nộp thuế để đưa vào diện theo dõi, quản lý thuế. Đến thời điểm 19/6/2024, toàn quốc có 933.272 doanh nghiệp đang kinh doanh, tăng 1,2% so với thời điểm 31/12/2023.

Qua công tác nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, cơ quan thuế các cấp tăng cường công tác đôn đốc các doanh nghiệp nộp tờ khai, kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế, nhằm phát hiện các trường hợp kê khai không đúng, không đủ, không nộp kịp thời số thuế phải nộp để có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý, nhờ đó công tác quản lý, giám sát kê khai thuế ngày càng chặt chẽ và có những chuyển biến tích cực.

Theo Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi, sáu tháng đầu năm, ngành tài chính đã kiến nghị xử lý 15.264 tỷ đồng. Riêng đối với lĩnh vực thuế, ngành đặc biệt tập trung vào thương mại điện tử, kinh doanh nền tảng số, bán hàng online, khai thác tài nguyên, khoáng sản, kinh doanh theo chuỗi, cho thuê nhà, kinh doanh mua bán vàng bạc đá quý, kinh doanh vận tải, BOT... Việc tổ chức kiểm tra sau hoàn thuế kết hợp với thanh tra, kiểm tra quyết toán thuế được thực hiện song song với ứng dụng công cụ phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác quản lý hóa đơn, kiểm soát rủi ro, phòng chống gian lận, tập trung triển khai ứng dụng tự động cảnh báo xuất khống hóa đơn điện tử đã đem lại hiệu quả tích cực. Sáu tháng đầu năm, cơ quan thuế đã kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra gần 18.960 tỷ đồng, trong đó số tăng thu là 5.764 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 1.000 tỷ đồng; giảm lỗ là 12.195 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, qua thanh tra, kiểm tra đối với người nộp thuế có hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, livestream bán hàng online đã thu gần 300 tỷ đồng vào NSNN. Số thu từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử sáu tháng đầu năm có doanh thu quản lý là 1.800 nghìn tỷ đồng, số thuế đã nộp là khoảng 50 nghìn tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023).

Trong năm 2024, ngành tài chính tập trung đưa hộ cá nhân kinh doanh vào quản lý thuế (thêm gần 32 nghìn hộ kinh doanh) theo hướng sát với doanh thu và triển khai hóa đơn điện tử, nhất là hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; thực hiện hỗ trợ thuế điện tử cấp độ 4.0 trong toàn bộ quy trình quản lý thuế với hộ, cá nhân kinh doanh, đưa tổng số hộ, cá nhân kinh doanh do cơ quan thuế quản lý lên 3,2 triệu hộ, số thu NSNN đạt hơn 11 nghìn tỷ đồng.

Sáu tháng đầu năm, cơ quan thuế đã gửi 32 triệu lượt thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp đến người nộp thuế. Nếu tính bình quân 10 triệu đồng/trường hợp thì số thuế phải thu được đã lên tới 3.200 tỷ đồng. Việc thu thuế thu nhập cá nhân tiếp tục được thực thi nghiêm túc, góp phần đưa công tác quản lý thuế vận hành đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng bản chất của quản lý thuế nhà nước hiện đại.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/xac-dinh-ro-linh-vuc-trong-diem-thu-ngan-sach-post822558.html

  • Từ khóa