Cần cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời áp mái

Thứ 4, 07.08.2024 | 08:32:54
487 lượt xem

Theo các cơ quan quản lý và doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh, những vướng mắc kéo dài về chính sách thu mua điện mặt trời áp mái trong thời gian qua gây lãng phí lớn nguồn điện tái tạo, tác động xấu đến nhà đầu tư cũng như làm thiệt hại cho Nhà nước.

Hệ thống điện áp mái tại Khu công nghiệp Tân Tạo, Thành phố Hồ Chí Minh.

Do đó, Chính phủ cần sớm ban hành cơ chế khuyến khích đầu tư mô hình này, nhất là các bộ, ngành sớm hoàn thiện khung pháp lý cho giá thu mua điện, đầu tư cơ sở hạ tầng, điều kiện cấp phép nhằm thúc đẩy, phát triển nguồn năng lượng xanh trong các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Hiện nay, một số doanh nghiệp sản xuất hoạt động trong 17 khu chế xuất, khu công nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư, lắp đặt khoảng 80 đến 90 MWp điện mặt trời áp mái, qua đó giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, đáp ứng yêu cầu chứng chỉ xanh từ các thị trường xuất khẩu khắt khe, đồng thời thực hiện xu thế hội nhập, cam kết mục tiêu giảm phát thải ra môi trường.

Lãng phí lớn nguồn lực đầu tư

Là doanh nghiệp có vốn đầu tư 100% của Nhật Bản đóng tại Khu chế xuất Tân Thuận (Quận 7), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Juki Việt Nam đầu tư hai hệ thống điện mái nhà phục vụ nhu cầu sản xuất với kinh phí gần 40 tỷ đồng. Trong đó, một hệ thống được ngành điện thu mua phần dôi dư, hệ thống còn lại do vướng quy định về thu mua điện cho nên “nằm im” gần bốn năm qua, không được hòa vào lưới điện.

Giám đốc Công ty Juki Việt Nam Đào Quốc Cường cho biết: Mỗi hệ thống của đơn vị phát điện trung bình hơn 100 nghìn kW giờ/tháng (hơn 1 triệu kW giờ/năm), tương đương mỗi năm gần 2,5 triệu kW giờ cho cả hai hệ thống. Việc đầu tư hệ thống điện áp mái giúp công ty có thêm nguồn điện sử dụng, tiết kiệm chi phí hằng tháng khoảng 350 triệu đồng.

Bên cạnh đó, vì Juki Việt Nam là doanh nghiệp FDI cho nên tiêu chí phải có chứng chỉ xanh khi tham gia thị trường xuất khẩu gần như yêu cầu bắt buộc. Mặt khác, việc đầu tư hệ thống điện năng lượng tái tạo đã được Thủ tướng Chính phủ khuyến khích trong xu hướng chung, giúp giảm phát thải khí các-bon, tiến tới Net Zero, vì thế doanh nghiệp ý thức được vấn đề này, có kế hoạch đẩy mạnh đầu tư.

Là doanh nghiệp chuyên cho thuê nhà xưởng, Công ty cổ phần Đầu tư SCC (SCCI) cũng đầu tư các hệ thống điện mặt trời áp mái, tổng công suất lắp đặt khoảng 10 MWp tại các khu công nghiệp ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh. Sản lượng điện sản xuất ra được phát lên lưới và bán cho đơn vị điện lực.

Phó Tổng giám đốc SCCI Nguyễn Trường Hùng cho biết: Tận dụng hơn 4.000 m2 mái nhà xưởng có sẵn, công ty kết hợp vừa cho thuê nhà xưởng vừa lắp đặt hệ thống điện áp mái để hòa lưới. Nhưng từ năm 2020 trở đi, do vướng giá thu mua điện cho nên một số hệ thống đầu tư phải xả bỏ, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho doanh nghiệp, chưa kể kinh phí đầu tư.

Với sản lượng phát lưới trung bình khoảng 1.500 MW giờ/tháng, các dự án điện mặt trời áp mái của Công ty SCCI không chỉ giúp giảm lượng khí thải CO2, mà còn tạo nguồn điện ổn định và bền vững lên lưới điện quốc gia, góp phần giảm tải điện lưới cho các khu công nghiệp, nhất là trong giờ cao điểm ban ngày.

Tuy nhiên, vướng mắc chung mà các doanh nghiệp đầu tư điện áp mái như SCCI hay Juki Việt Nam đang gặp phải là chưa có cơ chế thu mua điện từ Nhà nước khiến sản lượng điện dư thừa dù vẫn đẩy lên mạng lưới điện quốc gia, nhưng doanh nghiệp lại không thu được tiền.

Ông Nguyễn Trường Hùng cho rằng: “Chính sách về thu mua điện chậm được tháo gỡ khiến nguồn điện tái tạo bị lãng phí lớn, ảnh hưởng xấu đối với nhà đầu tư cũng như gây thiệt hại cho Nhà nước. Điều này ngược với xu hướng sản xuất xanh Chính phủ đang hướng tới. Ngoài ra, quá trình thực hiện dự án điện năng lượng còn nhiều vướng mắc, chồng chéo, thủ tục triển khai dự án phức tạp, thiếu các cơ chế đặc thù cho phát triển ngành điện-ngành cơ sở hạ tầng quan trọng”.

Thực tế cho thấy, nhiều công ty, nhà máy sản xuất có hệ thống điện áp mái hoạt động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp đều đang phải đối diện với thực tế nếu không sử dụng hết nguồn điện tái tạo sẽ gây ra lãng phí lớn, trong khi doanh nghiệp phải đi mua điện của Nhà nước do điện năng lượng tái tạo không ổn định, muốn tích trữ phải có thiết bị.

Doanh nghiệp e ngại đầu tư

Theo Hiệp hội Các doanh nghiệp Khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, ước tính, tại 17 khu chế xuất, khu công nghiệp của thành phố, các doanh nghiệp đã lắp đặt 80 đến 90 MWp hệ thống điện áp mái. Việc lắp đặt hệ thống điện áp mái trên các nhà xưởng của các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh là nhu cầu thiết thực phục vụ sản xuất.

Hệ thống năng lượng tái tạo vừa giúp giảm chi phí, đồng thời là điều kiện quan trọng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu một số ngành hàng như việc cung cấp chứng chỉ xanh theo yêu cầu của các nước châu Âu, châu Mỹ.

Phó Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Thuận (doanh nghiệp quản lý Khu chế xuất Tân Thuận) Nguyễn Tấn Phong cho biết: Hiện nhiều doanh nghiệp trong Khu chế xuất Tân Thuận có xu hướng tận dụng mái nhà xưởng với diện tích lớn để lắp điện mặt trời áp mái, gia tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên sẵn có, giảm tiêu thụ điện lưới, giảm phát thải khí CO2.

Tuy nhiên, việc đầu tư, lắp đặt thời gian qua của doanh nghiệp còn gặp không ít trở ngại do chính sách về điện áp mái vẫn chưa được quy định rõ ràng (việc xin giấy phép xây dựng, thẩm tra, phê duyệt phòng cháy, chữa cháy, giá thu mua và tỷ lệ thu mua điện,...) cho nên doanh nghiệp có tâm lý e ngại đầu tư.

Một công ty có vốn đầu tư 100% Nhật Bản, đóng trong Khu công nghệ cao (thành phố Thủ Đức) chia sẻ, công ty đã ký hợp đồng cho thuê mái nhà lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái với một doanh nghiệp chuyên về điện mặt trời. Hai bên thỏa thuận lắp đặt hệ thống điện 2,2 MWp, trong đó bên cho thuê mái nhà được sử dụng 90% lượng điện cho sản xuất, 10% còn lại “bên B” sẽ thu mua, phát lên mạng lưới của điện lực. Tuy nhiên, giá thu mua điện chưa được Bộ Công thương công bố cho nên cả hai bên chưa thể xúc tiến công việc như hợp đồng đã ký cuối năm 2023.

Ông Đào Quốc Cường, Giám đốc Công ty Juki Việt Nam kỳ vọng, Nhà nước sớm ban hành chính sách thu mua điện áp mái với cơ chế phù hợp, không phải là 0 đồng như hiện nay hoặc ít nhất phải tạo điều kiện về thuế, vốn vay để doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư hệ thống điện áp mái, qua đó tạo lập “chứng chỉ xanh” cũng như tín chỉ các-bon, hướng tới giảm phát thải khí CO2 và khí nhà kính.

Ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp Khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Vừa qua, Bộ Công thương chỉ mới lấy ý kiến việc lắp đặt điện áp mái đối với nhà dân, cơ quan, còn mái nhà xưởng trong khu chế xuất, khu công nghiệp lại chưa có hướng dẫn cụ thể, trong khi đây là phân khúc rất lớn.

Việc lắp đặt điện áp mái không chỉ là mục tiêu của doanh nghiệp mà còn là mục tiêu chung của quốc gia vì không chỉ giúp bản thân doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, đáp ứng tiêu chí xuất khẩu mà Nhà nước cũng tiết kiệm nguồn điện sản xuất, giảm bớt chi phí đầu tư. Bộ Công thương cần sớm nghiên cứu, tham mưu Chính phủ ban hành quy định hướng dẫn ngành điện thu mua điện dư thừa thống nhất trong cả nước. Đồng thời, ngành điện cần chủ động đầu tư về hạ tầng để phục vụ việc thu gom, chuyển tải điện từ hệ thống điện áp mái nhà lên hệ thống điện lưới quốc gia.


Theo nhandan.vn

https://nhandan.vn/can-co-che-khuyen-khich-doanh-nghiep-dau-tu-dien-mat-troi-ap-mai-post823028.html

  • Từ khóa